Sau 45 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Đồng Nai từ một tỉnh nông nghiệp lạc hậu đã chuyển mình thành tỉnh có công nghiệp phát triển hàng đầu cả nước...
Sau 45 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Đồng Nai từ một tỉnh nông nghiệp lạc hậu đã chuyển mình thành tỉnh có công nghiệp phát triển hàng đầu cả nước. Hàng hóa của Đồng Nai đã xuất khẩu vào 170 quốc gia, vùng lãnh thổ và ngày càng nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất được sản phẩm công nghệ cao.
Linh kiện điện tử, máy tính sản xuất tại Công ty TNHH Sản phẩm máy tính Fujitsu Việt Nam (Khu công nghiệp Biên Hòa 2) |
Đồng Nai đã cùng với cả nước tham gia hội nhập kinh tế để giúp kinh tế của tỉnh phát triển, nâng cao sức cạnh tranh. Các DN của tỉnh đã từ sân nhà vươn ra thị trường quốc tế, khẳng định được vị thế của mình.
* Đưa hàng Việt đi khắp thế giới
Giai đoạn 10 năm đầu sau ngày đất nước thống nhất, Đồng Nai cũng như nhiều tỉnh, thành trong cả nước phần lớn là phải nhập khẩu các mặt hàng nông sản, tiêu dùng. Sau đó, do chính sách điều hành phù hợp của Chính phủ, đời sống của người dân dần dần được cải thiện và nâng lên nhưng vẫn còn tồn tại không ít khó khăn.
Từ năm 1986 đến nay, Việt Nam đã tiến hành công cuộc đổi mới và đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế với phương châm “đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại. Việt Nam sẵn sàng là bạn của tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển”.
Theo Sở Công thương, Đồng Nai hiện giao thương với 170 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hàng Việt sản xuất trên địa bàn tỉnh đã vào những quốc gia, vùng lãnh thổ trên. Các DN trên địa bàn tỉnh xuất khẩu khoảng 50 mặt hàng chính, trong đó có 5 mặt hàng xuất trên 1 tỷ USD/năm là: giày dép, dệt may, sản phẩm từ gỗ, máy móc linh kiện và phụ tùng, xơ sợi dệt. Các mặt hàng xuất khẩu của Đồng Nai ngày càng đa dạng và phong phú, trong đó có mặt hàng có giá trị gia tăng cao. |
Đồng Nai đã kịp thời triển khai những chính sách trên và đi tiên phong trong việc thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài. Đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, các DN nước ngoài bắt đầu đến Đồng Nai liên kết, đầu tư, góp phần thúc đẩy sản xuất công nghiệp, xuất khẩu trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Tỉnh đã trở thành một trong những địa phương có công nghiệp phát triển nhất cả nước. Công nghiệp phát triển giải quyết nhiều việc làm cho người dân trong và ngoài tỉnh; GRDP hằng năm tăng cao so với bình quân cả nước, thu nhập bình quân của người dân trên địa bàn thuộc vào tốp cao của cả nước. Đồng Nai cũng là tỉnh tham gia vào hội nhập nhanh, các DN kịp thời nắm bắt các cơ hội mở rộng sản xuất kinh doanh, xuất khẩu.
Theo Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh, sau hơn 25 năm gia nhập ASEAN và hơn 10 năm gia nhập WTO, Việt Nam đã trở thành nền kinh tế có quy mô xuất khẩu đứng thứ 22 trên thế thế giới. Hội nhập đóng góp vào những kết quả chung của nền kinh tế, tạo lập, mở rộng không gian thị trường quốc tế rộng lớn cho DN và hàng hóa của Việt Nam phát triển. Xuất khẩu của Việt Nam đã gia tăng nhanh chóng với tốc độ tăng trưởng cao trên 15% trong giai đoạn 2011-2019 và chính thức cán mốc kim ngạch 500 tỷ USD vào năm 2019.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Phú Cường đánh giá: “Hiện nay, Đồng Nai đã trở thành tỉnh công nghiệp phát triển và là một trong 5 tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về thu ngân sách, phát triển công nghiệp, xuất khẩu, xuất siêu. Kinh tế của tỉnh luôn giữ mức tăng trưởng cao, đời sống của người dân vùng nông thôn, thành thị từng bước nâng lên cả về vật chất lẫn tinh thần”.
Sau 45 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Đồng Nai đã có bước tiến dài về kinh tế - xã hội. Tỉnh luôn đi tiên phong trong những đột phá về phát triển kinh tế của cả nước, trở thành nơi cung ứng hàng hóa công nghiệp, nông sản lớn cho thị trường nội địa và xuất khẩu.
Ông Lục Văn Thủy, Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương) cho biết: “Đồng Nai tham gia hội nhập sâu, nhanh, góp phần đưa hàng Việt xuất vào được 170 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong đó, có nhiều DN đã tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm công nghệ cao, hiện đại cho các tập đoàn công nghiệp hàng đầu của thế giới”.
* Nâng cao vị thế của Đồng Nai
Nhìn lại mốc son lịch sử 45 năm Bắc - Nam thống nhất, Đồng Nai đã từng bước nâng vị thế của tỉnh ở trong nước, trên trường quốc tế. Điều đó được thể hiện qua việc đã có 43 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào tỉnh với tổng vốn đăng ký hơn 30 tỷ USD, xuất khẩu mỗi năm tăng từ 8-12%/năm và đạt kim ngạch xuất, nhập khẩu là 36,5 tỷ USD vào năm 2019.
May mặc là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn thứ hai của Đồng Nai Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty CP Đồng Tiến (TP.Biên Hòa) |
Đặc biệt, tỉnh đã chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu 6 năm nay và mỗi năm đều tăng, chiếm 30-40% xuất siêu của cả nước. Đồng Nai đã xuất siêu trước cả nước khoảng 3 năm. Có được kết quả trên là nhờ tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp kịp thời, thu hút đầu tư, định hướng phát triển kinh tế theo đúng kế hoạch để sớm về đích.
PGS-TS Nguyễn Tiến Hoàng, giảng viên Trường đại học Ngoại thương TP.HCM nhận xét: “Nhiều DN tại Đồng Nai đã tận dụng được cơ hội khá tốt từ các hiệp định thương mại tự do, song phương, đa phương. Các DN ngày càng chú ý đến xây dựng thương hiệu, mở rộng xuất khẩu, chuyển từ xuất khẩu qua trung gian sang trực tiếp để nâng giá trị gia tăng cho sản phẩm”.
Nhiều DN của tỉnh đã tham gia được vào chuỗi sản xuất toàn cầu ở những khâu quan trọng của ngành công nghiệp công nghệ cao. Đơn cử như: Công ty TNHH Meggitt Việt Nam ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2 chuyên sản xuất linh kiện cho các loại máy bay hiện đại của các tập đoàn hàng không nổi tiếng thế giới: Airbus, Boeing.
Ông Paul Trần, Tổng giám đốc Công ty TNHH Meggitt Việt Nam cho hay: “Meggitt Việt Nam đã có hơn 20 năm sản xuất các loại linh kiện, thiết bị máy bay và hầu hết cung cấp cho 2 tập đoàn hàng không hàng đầu thế giới là Airbus và Boeing. Đây là niềm tự hào của Đồng Nai cũng như người Việt vì đã sản xuất được những thiết bị hàng không cho những loại máy bay hiện đại nhất thế giới được gắn “Made in Vietnam”. Ngoài ra, các DN Đồng Nai còn sản xuất ra các loại linh kiện cho những dòng ô tô, máy tính, robot hiện đại của thế giới. Nhiều tập đoàn lớn của thế giới đã đặt nhà máy sản xuất ở Đồng Nai như: Bosch, Fujitsu, Schaeffler, Vision, Hyosung...
Đồng Nai đã và đang trở thành điểm đến được nhiều nhà đầu tư trong nước, thế giới chọn lựa, đồng thời trở thành nơi cung ứng sản phẩm công nghiệp đầu vào, đầu ra lớn của Việt Nam cho thị trường nội địa, xuất khẩu. Có được vị thế như hôm nay là nhờ Chính phủ đã kịp thời ban hành các chính sách phù hợp thúc đẩy Việt Nam tham gia vào hội nhập sâu, tăng tốc cho phát triển kinh tế.
Ông Lim Je Hun, Tổng lãnh sự Hàn Quốc tại TP.HCM cho biết: “DN Hàn Quốc đầu tư vào Đồng Nai trên nhiều lĩnh vực gồm: công nghiệp, dịch vụ, logistics, nông nghiệp. Phần lớn các DN Hàn Quốc đầu tư vào tỉnh rất thành công. Hầu hết, những tập đoàn lớn của Hàn Quốc đều đã đến Đồng Nai đầu tư như: Hyosung, Samsung, CJ, Changshin, LG...”.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, trong giai đoạn tới, Đồng Nai sẽ có sự tăng tốc trong phát triển kinh tế. Các DN trên địa bàn tỉnh đã có sự chuẩn bị kỹ để đón các cơ hội đem đến từ hội nhập sâu, được cụ thể bằng hàng loạt hiệp định thương mại tự do đã ký kết, từ đó tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu, vững vàng vươn ra sân chơi quốc tế, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam giữ được vị trí quan trọng trong xếp hạng thành tích xuất khẩu của thế giới như: dệt may xuất khẩu đứng thứ 7 thế giới với kim ngạch 33 tỷ USD; giày dép xuất khẩu đứng thứ 3 thế giới với kim ngạch vào khoảng 17 tỷ USD; điện tử đứng thứ 12 thế giới, trong đó mặt hàng điện thoại di động đứng thứ 2 thế giới với kim ngạch 50 tỷ USD; sản phẩm từ gỗ xuất khẩu đứng thứ 5 thế giới với kim ngạch 9 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng trên đều có sự đóng góp lớn của Đồng Nai vì đây là những mặt hàng sản xuất chủ lực của tỉnh. |
Bài, ảnh: Hương Giang