Theo Cục Thống kê Đồng Nai, kim ngạch xuất khẩu của Đồng Nai vào thị trường Nhật Bản trong 4 tháng đầu năm ước đạt gần 700 triệu USD và nhập khẩu khoảng 430 triệu USD...
Sau hơn 10 năm Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA) có hiệu lực và đầu năm 2019, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực, giao thương giữa Nhật Bản và Việt Nam nói chung, tỉnh Đồng Nai nói riêng tăng nhanh. Hiện nay, Nhật Bản là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của tỉnh.
Công ty TNHH Koyu-Unitek ở Khu công nghiệp Loteco (TP.Biên Hòa) là doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam xuất khẩu thịt gà vào Nhật Bản. Ảnh: K.Minh |
Theo Cục Thống kê Đồng Nai, kim ngạch xuất khẩu của Đồng Nai vào thị trường Nhật Bản trong 4 tháng đầu năm ước đạt gần 700 triệu USD và nhập khẩu khoảng 430 triệu USD. Đồng Nai xuất siêu vào Nhật Bản gần 270 triệu USD trong 4 tháng đầu năm 2020. Đây là thị trường xuất nhập khẩu lớn của tỉnh.
* Đối tác giao thương lớn
Hiện Nhật Bản là đối tác giao thương lớn của Việt Nam, trong quý I-2020, kim ngạch xuất, nhập khẩu lên đến hơn 9,7 tỷ USD và đây là thị trường nhập siêu của Việt Nam. Riêng với Đồng Nai, Nhật Bản là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 (sau Hoa Kỳ) và nhập khẩu lớn thứ 4 (sau Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan). Giao thương giữa Đồng Nai và Nhật Bản đều tăng trên 10%/năm.
Đồng Nai xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản chủ yếu là máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng; dệt may; giày dép; máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; sản phẩm gỗ... và nhập khẩu chủ yếu nguyên liệu cho sản xuất công nghiệp.
Ông Okada Hideyuki, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TP.HCM cho biết: “Giao thương giữa Nhật Bản và Đồng Nai những năm qua liên tục tăng cao. Đồng Nai đã trở thành đối tác giao thương quan trọng của Nhật Bản. Những năm tới, xuất, nhập khẩu giữa hai bên sẽ còn tiếp tục tăng cao khi có nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đến đầu tư vào tỉnh”.
Sở dĩ xuất, nhập khẩu giữa tỉnh và Nhật Bản trong những năm qua liên tục tăng nhanh là do các doanh nghiệp đã kịp thời nắm bắt cơ hội từ 2 hiệp định thương mại là VJEPA và CPTPP. Với các dòng thuế đã và đang giảm sâu về 0% tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước đẩy mạnh giao thương và đầu tư.
Ông Lê Bạch Long, Giám đốc Công ty TNHH Nam Long (H.Long Thành) cho hay: “Sản phẩm găng tay cao su của công ty đã xuất được lượng lớn vào Nhật Bản. Thị trường này đòi hỏi khá cao về chất lượng, mẫu mã nên hàng hóa đã vào được nước này rất dễ xuất qua các nước khác”.
Tại Đồng Nai có nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đến đầu tư, sau đó hàng hóa được xuất về lại Nhật. Ông Yoshida Mizuho, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Việt Nam Kaneko, công ty có 100% vốn từ Nhật Bản ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3, giai đoạn 2 (H.Nhơn Trạch) cho biết: “Công ty sản xuất linh kiện cho máy móc trong sản xuất khí, gas và hàng hóa sản xuất ra được xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản và ASEAN”.
* Xếp thứ 3 trong đầu tư vào tỉnh
Nhật Bản hiện còn là đối tác xếp thứ 3 trong 43 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào tỉnh với tổng vốn đăng ký lên đến hơn 4,7 tỷ USD. Đặc biệt, các doanh nghiệp Nhật Bản chủ yếu đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, đúng ngành nghề Việt Nam cũng như tỉnh đang ưu tiên mời gọi nhằm tăng tỷ lệ nội địa hóa cho sản phẩm. Mục tiêu của các doanh nghiệp Nhật Bản khi đầu tư vào tỉnh nhằm cung cấp hàng hóa cho những tập đoàn lớn đến từ Nhật và xuất khẩu. Nhiều tập đoàn lớn của Nhật Bản đã đầu tư vào Đồng Nai như: Sojitz, Fujitsu, Shiseido, Forval, Mitsubishi, Ajinomoto...
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng đánh giá, Nhật Bản đã đầu tư vào tỉnh 260 dự án với tổng vốn đăng ký 4,7 tỷ USD. Các doanh nghiệp Nhật Bản đến Đồng Nai đầu tư từ rất sớm, có nhiều công ty đã được 25-30 năm. Phần lớn các doanh nghiệp của Nhật Bản đầu tư vào Đồng Nai đều thành công. Đặc biệt, các doanh nghiệp Nhật Bản có sự liên kết với doanh nghiệp Đồng Nai khá tốt. “Cũng có nhà đầu tư Nhật Bản vào khu công nghiệp xây dựng nhà xưởng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ Nhật Bản đến thuê để làm việc. Điều này cho thấy doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư rất sâu rộng vào tỉnh” - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nói.
Ông Hiroyuki Nakayama, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Nakatec, đại diện Phòng Thương mại - công nghiệp tỉnh Fukui (Nhật Bản) khi đến Đồng Nai tìm hiểu về môi trường đầu tư nhận định: “Trong thời gian tới, Đồng Nai tiếp tục sẽ được nhiều doanh nghiệp chọn để đầu tư. Vì tỉnh có nhiều lợi thế về giao thông, công nghiệp phát triển, doanh nghiệp đầu tư vào rất dễ tìm được đối tác cung ứng sản phẩm đầu vào, đầu ra”.
Thực tế, 5 năm qua đã có làn sóng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào tỉnh. Bên cạnh đó, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn khác của Nhật đã đến Đồng Nai tìm hiểu môi trường đầu tư dự tính sẽ mở rộng sang lĩnh vực thương mại dịch vụ, nông nghiệp, hạ tầng...
Khánh Minh