Khi nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết và có hiệu lực, quá trình hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, các doanh nghiệp trong nước gặp thêm nhiều áp lực cạnh tranh ngay "sân nhà".
Khi nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết và có hiệu lực, quá trình hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, các doanh nghiệp trong nước gặp thêm nhiều áp lực cạnh tranh với hàng hóa giá rẻ, dịch vụ chất lượng tốt từ các nước đối tác ngay trên “sân nhà”.
Người tiêu dùng chọn mua các sản phẩm nông sản đạt tiêu chuẩn VietGAP được đóng gói tiện dụng tại một siêu thị ở TP.Biên Hòa. Ảnh:L. Phương |
Do đó, để tồn tại và phát triển, doanh nghiệp Việt phải chủ động củng cố nội lực, nâng cao chất lượng, đảm bảo các yếu tố về nguồn gốc, quy trình sản xuất...
* Đảm bảo chất lượng, xuất xứ
Theo ông Nguyễn Hữu Nam, đại diện Phòng Pháp chế của Phòng Thương mại - công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh TP.HCM, trong bối cảnh hội nhập như hiện nay, để không bị “thất thế” ở thị trường nội địa cũng như tận dụng tốt cơ hội xuất khẩu, doanh nghiệp Việt, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, cần quan tâm đến việc đáp ứng, minh bạch hóa các tiêu chuẩn, quy định về chất lượng, nguồn gốc sản phẩm, quy trình sản xuất...
Ông Đặng Tường Khanh, Giám đốc Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức (xã Phú Hòa, H.Định Quán) chia sẻ, công ty chú trọng đầu tư phát triển vùng nguyên liệu sạch tại Đồng Nai và xuất khẩu. Trong đó, hướng đến các tiêu chuẩn sạch về chất lượng. Ca cao Trọng Đức hiện đã phát triển được hơn 10 dòng sản phẩm đạt chứng nhận UTZ (chứng nhận toàn cầu về sản xuất và kinh doanh nông sản có trách nhiệm của Hà Lan). Đồng thời, công ty cũng đã có sản phẩm được bình chọn là sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) đạt tiêu chuẩn 4 sao của Đồng Nai trong năm 2019.
Việc hội nhập quốc tế, tham gia các FTA là cơ hội tốt để các doanh nghiệp trong nước có điều kiện “vươn ra biển lớn” phát triển, mở rộng thị phần. Tuy nhiên, muốn đón “sóng cả”, doanh nghiệp Việt cần chủ động hơn trong cách tiếp cận thị trường.
Ông Nguyễn Tiến Chương, Chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai chia sẻ, các doanh nghiệp cần chủ động hơn trong việc nắm bắt thông tin về các FTA nói chung và trong khu vực nói riêng để có phương án tiếp cận thị trường tiềm năng, từ đó có phương án sản xuất phù hợp để tạo các sản phẩm có giá trị cao đáp ứng thị hiếu của thị trường... Trong đó, yếu tố về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ là một trong những yêu cầu hàng đầu để nâng cao tính cạnh tranh.
* “Xoáy” vào tiềm năng để phát triển
Trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp Việt đã tiến hành đầu tư thiết bị, dây chuyền sản xuất hiện đại để nâng cao chất lượng sản phẩm theo các tiêu chuẩn quốc tế. Đồng thời, để tạo những “nét riêng” cho sản phẩm của mình, một số doanh nghiệp đang hướng tới phát triển những sản phẩm đặc trưng của địa phương.
Ông Phan Văn Thiện, Phó tổng giám đốc Công ty CP Bibica - sản phẩm của công ty vừa tiếp tục được người tiêu dùng bình chọn là Hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2020 cho hay, bên cạnh đầu tư các dây chuyền sản xuất mới theo hướng hội nhập, hiện nay công ty chú trọng sử dụng nhiều hơn các loại hương liệu tự nhiên, nguyên liệu từ những loại đặc sản vùng miền trên cả nước để tạo sự khác biệt so với những sản phẩm cùng loại trong khu vực, cũng như thiết kế bao bì nhiều loại sản phẩm dựa trên những tìm hiểu về truyền thống, phong tục tập quán của người Việt Nam...
Đại diện các siêu thị, trung tâm thương mại trong tỉnh cho biết, hiện nay hàng Việt chiếm tỷ trọng từ 80-90% trên các kệ hàng. Nhiều sản phẩm hàng Việt đã có cải tiến, nâng cao mẫu mã, bao bì sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm bánh kẹo, sữa, thời trang... ngày càng được cải tiến hiện đại kết hợp với những hình ảnh, màu sắc phù hợp với văn hóa, truyền thống của người Việt...
Chị Thanh Hương (P.Bửu Long, TP.Biên Hòa) chia sẻ, thời gian gần đây, những nhãn hàng thời trang Việt như: Elise, Ivy moda, Eva de Eva... có nhiều mẫu trang phục công sở phù hợp với vóc dáng, chất liệu vải tốt với giá cả rất cạnh tranh. Các sản phẩm thường xuyên được đổi mới mẫu mã theo các trào lưu, thời điểm phù hợp, kết hợp, lồng ghép nhiều họa tiết, thiết kế mới, hiện đại với các hình ảnh đặc trưng, truyền thống...
Theo ông Vũ Đình Trung, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam tỉnh (Ban Chỉ đạo 264 tỉnh), Ban Chỉ đạo 264 tỉnh sẽ phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan tiếp tục triển khai các chương trình kết nối, khuyến khích người dân sử dụng hàng Việt, hỗ trợ doanh nghiệp trong tỉnh nâng cao chất lượng, đổi mới mẫu mã, bao bì, xây dựng giá trị thương hiệu cho hàng hóa, sản phẩm địa phương nói riêng và các sản phẩm hàng Việt nói chung.
Lam Phương