Báo Đồng Nai điện tử
En

Chống gian lận xuất xứ "made in Vietnam"

04:04, 01/04/2020

Với làn sóng đầu tư vào Việt Nam gia tăng mạnh mẽ, cộng thêm việc Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới và tình hình thương mại thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, câu chuyện "núp bóng" hàng Việt để hưởng ưu đãi thuế khi xuất sang các nước có FTA với Việt Nam đang là chủ đề "nóng" trên nhiều diễn đàn về thương mại trong thời gian gần đây.

Với làn sóng đầu tư vào Việt Nam gia tăng mạnh mẽ, cộng thêm việc Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới và tình hình thương mại thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, câu chuyện “núp bóng” hàng Việt để hưởng ưu đãi thuế khi xuất sang các nước có FTA với Việt Nam đang là chủ đề “nóng” trên nhiều diễn đàn về thương mại trong thời gian gần đây.

Ngành chế biến gỗ xuất khẩu là một trong những ngành cần thận trọng với truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Ảnh:V. Nam
Ngành chế biến gỗ xuất khẩu là một trong những ngành cần thận trọng với truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Ảnh:V. Nam

Vấn đề này tác động không nhỏ tới các doanh nghiệp làm ăn chân chính khi việc kiểm tra hàng hóa được các đơn vị thực hiện gắt gao hơn để hạn chế tình trạng gian lận thương mại về xuất xứ hàng hóa.

* Tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Theo thống kê của Bộ Công thương, riêng trong năm 2019 đã có hơn 150 vụ việc được khởi xướng điều tra bởi 19 quốc gia và vùng lãnh thổ đối với hàng hóa xuất khẩu có xuất xứ “made in Vietnam”. Trong số đó, Hoa Kỳ là nước khởi xướng điều tra nhiều nhất (30 vụ, chiếm 19%); thứ hai là Thổ Nhĩ Kỳ (21 vụ, chiếm 14%); thứ ba là Ấn Độ (20 vụ, chiếm 13%) và thứ tư là EU (14 vụ, chiếm 9%).

Một số chuyên gia cho biết, các hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ, lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa của Việt Nam liên tục gia tăng, cùng nhiều hình thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi với 2 nhóm chính: nhóm hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ Việt Nam để tiêu thụ trong nước và nhóm hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ Việt Nam, chuyển tải bất hợp pháp để xuất khẩu.

Trong đó, phương thức, thủ đoạn gian lận xuất xứ phổ biến là sản xuất tại nước ngoài, khi nhập khẩu về Việt Nam ghi sẵn dòng chữ “Made in Vietnam” trên sản phẩm, bao bì sản phẩm, phiếu bảo hành ghi bằng tiếng Việt các thông tin về nhãn hiệu, địa chỉ trụ sở, website, trung tâm bảo hành tại Việt Nam. Hoặc hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài, dán nhãn, ghi xuất xứ hàng hóa trên bao bì, sản phẩm được sản xuất tại nước ngoài nhưng khi đưa ra lưu thông, tiêu thụ nội địa bị bóc nhãn và thay nhãn mới ghi “Made in Vietnam” hoặc “xuất xứ Việt Nam”.

Ngoài ra, có nhiều trường hợp nhập khẩu hàng hóa giả mạo nhãn hiệu đã được đăng ký bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ hoặc lợi dụng loại hình quá cảnh để vận chuyển hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, giả mạo xuất xứ Việt Nam.

Ông Nguyễn Tiến Chương, Chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai cho biết, trong thời gian qua, hiện tượng gian lận thương mại, giả mạo xuất xứ hàng Việt Nam để trốn thuế xuất hiện ngày càng nhiều hơn với nhiều thủ đoạn mới, tinh vi hơn. Trên địa bàn tỉnh cũng đã ghi nhận một số trường hợp liên quan đến hình thức vi phạm này. Điều này tạo ra nguy cơ cản trở xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực, ảnh hưởng lớn đến uy tín hàng xuất khẩu của Việt Nam...

* Mạnh tay với gian lận xuất xứ

Vào cuối năm 2019, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 119/NQ-CP về một số biện pháp cấp bách nhằm tăng cường quản lý nhà nước về phòng, chống gian lận xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp.

Nghị quyết nêu rõ, mục tiêu tổng quát nhằm ngăn chặn, không để xảy ra các hành vi gian lận xuất xứ hàng hóa, chuyển tải bất hợp pháp trong hoạt động xuất nhập khẩu, chủ động phát hiện, xử lý nghiêm các vụ việc nếu có; thúc đẩy phát triển sản xuất trong nước, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các nhà sản xuất Việt Nam...

Đồng thời, hoàn thiện hệ thống pháp lý về xuất xứ hàng hóa và kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa để triển khai có hiệu quả các hoạt động ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp, lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại; tăng cường năng lực bộ máy giám sát, kiểm tra để triển khai có hiệu quả các giải pháp chống gian lận xuất xứ hàng hóa, chuyển tải bất hợp pháp, lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.

Ông Võ Văn Tỉnh, Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Đồng Nai cho biết, trong thời gian tới, Cục sẽ tiếp tục tăng cường phát hiện, kiểm tra và xử lý buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tập trung vào các đường dây, ổ nhóm, các đối tượng chủ mưu, cầm đầu; các mặt hàng gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Trong đó, sẽ đẩy mạnh các biện pháp kiểm tra, xử lý những loại hàng hóa giả mạo nhãn mác, xuất xứ Việt Nam...

Tại nhiều cuộc họp, hội nghị của Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh (Ban Chỉ đạo 389/ĐP tỉnh) thời gian qua, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh, Trưởng ban Chỉ đạo 389/ĐP tỉnh thường xuyên yêu cầu các sở, ngành, đơn vị liên quan nêu cao cảnh giác, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý những vi phạm về gian lận xuất xứ hàng hóa, nhất là các trường hợp mượn mác “made in Vietnam”, để hưởng ưu đãi thuế trong xuất khẩu hoặc tiêu thụ nội địa...

Các sở, ngành, đơn vị cần thường xuyên phối hợp với hội, hiệp hội và địa phương liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn kịp thời về xuất xứ hàng hóa cho doanh nghiệp; khuyến nghị doanh nghiệp phối hợp cung cấp thông tin cho cơ quan quản lý khi thấy có dấu hiệu bất thường, những hành vi vi phạm về gian lận xuất xứ, tránh gây ảnh hưởng đến ngành sản xuất, nhất là đối với mặt hàng chủ lực của Đồng Nai.

Lam Phương

Tin xem nhiều