Báo Đồng Nai điện tử
En

Chợ truyền thống: Tìm chỗ đứng trong bán lẻ hiện đại

08:04, 23/04/2020

Với sự phát triển ngày càng nhanh chóng của các siêu thị, trung tâm thương mại…, để nâng cao tính cạnh tranh, các chợ truyền thống cần được nâng cấp, tạo môi trường kinh doanh  văn minh, hiện đại.

Với sự phát triển ngày càng nhanh chóng của các siêu thị, trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng tiện lợi…, để nâng cao tính cạnh tranh, các chợ truyền thống cần được nâng cấp, tạo môi trường kinh doanh hiện đại, văn minh, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm… mới có thể thu hút được người tiêu dùng và giữ được vị thế của mình.

Một sạp kinh doanh các loại thực phẩm khô tại chợ Long Thành (H.Long Thành). Ảnh: L.Phương
Một sạp kinh doanh các loại thực phẩm khô tại chợ Long Thành (H.Long Thành). Ảnh: L.Phương

* Phát triển các mô hình chợ sạch, chợ an toàn

Tính đến nay, toàn tỉnh có 166 chợ đang hoạt động với hơn 20 ngàn hộ kinh doanh, trong đó có khoảng 18 ngàn hộ kinh doanh thường xuyên, ổn định. Theo phân cấp các chợ, trên địa bàn tỉnh có 1 chợ đầu mối (chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây ở H.Thống Nhất), 9 chợ hạng 1, 30 chợ hạng 2 và 126 chợ hạng 3. Trong đó, có 40 chợ thuộc khu vực thành thị, 120 chợ ở các khu vực nông thôn.  

Trong những năm qua, Sở Công thương đã tiến hành xây dựng thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm tại chợ Hóa An (TP.Biên Hòa). Bên cạnh đó, 41 chợ trong tỉnh được đầu tư, nâng cấp thuộc dự án Lifsap của Sở NN-PTNT đã từng bước xây dựng và nhân rộng mô hình chợ thí điểm đảm bảo an toàn thực phẩm.

Trong đó, các chợ có khu bán thực phẩm an toàn thì khu bán thực phẩm tươi sống được tách biệt, ngăn cách với khu bán thực phẩm chế biến và khu kinh doanh các mặt hàng khác. Quầy, sạp bán hàng thực phẩm được thiết kế, xây dựng theo quy cách và vật liệu thống nhất. Vật liệu được sử dụng có độ bền cao, dễ vệ sinh…

Ông Bùi Văn Thìn, Giám đốc HTX Thương mại - dịch vụ Suối Cát, Trưởng ban quản lý chợ Suối Cát (H.Xuân Lộc) cho biết, chợ đã triển khai 20 sạp bán hàng thực phẩm tươi sống theo mô hình Lifsap được đảm bảo ngăn cách giữa khu thực phẩm chế biến và khu kinh doanh thực phẩm tươi sống theo đúng quy định.

Đồng Nai đã xây dựng và triển khai thực hiện 156 điểm kinh doanh thực phẩm an toàn trên địa bàn từ năm 2017-2019. Mới đây nhất, Sở Công thương đã công bố kết quả chương trình khảo sát mức thu tại chợ trên địa bàn Đồng Nai vào cuối tháng 3 vừa qua với hơn 1,1 ngàn phiếu khảo sát các tổ chức, cá nhân tại các chợ trong tỉnh về các nội dung như: loại hình chợ đang quản lý, hình thức tổ chức quản lý chợ, hình thức đầu tư xây dựng chợ, tình trạng điểm kinh doanh hoạt động tại chợ…

Theo đó, có 84% số chợ của tỉnh có tổ kiểm tra an toàn thực phẩm tại chợ đã được cấp có thẩm quyền ban hành quyết định thành lập. Tuy nhiên, vẫn còn 16% số chợ chưa thực hiện nghiêm túc việc ban hành quyết định thành lập tổ kiểm tra an toàn thực phẩm theo quy định…

Ông Lục Văn Thủy, Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương) cho biết, trong thời gian tới, Sở có kế hoạch nâng cấp, xây dựng thêm các chợ truyền thống, nhất là ở khu vực nông thôn, để người dân có thêm sự lựa chọn khi mua hàng, nhất là các kênh, điểm bán thực phẩm an toàn, đảm bảo vệ sinh.

* Hướng tới mô hình chợ văn minh

Ông Nguyễn Danh Thịnh, Giám đốc HTX Thương mại - dịch vụ Phương Lâm, Trưởng ban quản lý chợ Phương Lâm (H.Tân Phú) cho biết, bên cạnh việc triển khai các điểm kinh doanh thực phẩm an toàn, trong thời gian qua, chợ cũng tăng cường tuyên truyền cho các tiểu thương về hoạt động kinh doanh lành mạnh, thái độ phục vụ, đảm bảo vệ sinh, nguồn gốc hàng hóa để nâng cao sức cạnh tranh của các điểm, sạp bán lẻ truyền thống…

Tương tự, ông Phạm Đức Nam, Phó trưởng ban quản lý chợ Long Thành (H.Long Thành) cho biết, chợ thường xuyên phối hợp với Sở Công thương, Cục Quản lý thị trường Đồng Nai… tổ chức nhiều chương trình tập huấn về kỹ năng kinh doanh cho các tiểu thương, phát triển thêm các sạp bán thực phẩm an toàn, tuyên truyền cho tiểu thương về vấn đề niêm yết giá rõ ràng, nâng cao chất lượng phục vụ…

Trên thực tế, các chợ truyền thống vẫn có những lợi thế nhất định để cạnh tranh với những kênh phân phối như: siêu thị, trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng tiện lợi về chi phí thuê mặt bằng thấp hơn, nhiều mặt hàng “thuận mua vừa bán” với người tiêu dùng… Tuy nhiên, nếu không đổi mới trong cung cách phục vụ, niêm yết giá cả, mô hình bán lẻ truyền thống sẽ gặp khó khăn trong việc cạnh tranh với mô hình bán lẻ hiện đại.

Ông Nguyễn Văn Nhân, một tiểu thương kinh doanh các loại thực phẩm khô tại chợ Long Thành cho biết, sạp luôn chủ động niêm yết giá rõ ràng, đảm bảo các yếu tố vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời, đảm bảo nguồn hàng hóa ổn định, không tăng giá bán đột ngột vào những thời điểm khó khăn như ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong thời gian qua.

Lam Phương

Tin xem nhiều