Sự ra đời và phát triển các công ty tài chính nhắm đến mục đích cung cấp các khoản vay tiêu dùng để nâng cao chất lượng cuộc sống, giúp người dân tiếp cận các khoản vay dễ dàng hơn.
Trong những năm gần đây, sự phát triển của tín dụng tiêu dùng đã mang lại những lợi ích nhất định cho người tiêu dùng. Sự ra đời và phát triển các công ty tài chính nhắm đến mục đích cung cấp các khoản vay tiêu dùng để nâng cao chất lượng cuộc sống, giúp người dân tiếp cận các khoản vay dễ dàng hơn.
Các quảng cáo, rao vặt về hoạt động cho vay tiêu dùng theo hình thức tín chấp. Ảnh: L.Phương |
[links()]Tuy nhiên, trên thực tế, cơ chế kiểm soát hoạt động cho vay tiêu dùng chưa chặt chẽ. Một số công ty, dịch vụ tài chính lách luật cho vay với lãi suất cao, tiềm ẩn rủi ro cho người vay.
* Đồng Nai có gần 1,4 ngàn điểm giao dịch của các công ty tài chính
Hoạt động cho vay tiêu dùng ở Việt Nam được đánh giá còn rất nhiều tiềm năng nhưng thị trường này cũng đang đối mặt với không ít thách thức, rủi ro.
Thị trường cho vay tiêu dùng hiện có sự tham gia của các ngân hàng trong nước, nước ngoài và gần 20 công ty tài chính đang hoạt động, trong đó có các đơn vị là thành viên của các ngân hàng như: FE Credit của VPBank, HD Saison của HDBank, MCredit của MBBank, Công ty tài chính TNHH MTV Shinhan Việt Nam…
Tại Đồng Nai, theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai, tính đến tháng 1-2020, trên địa bàn tỉnh có khoảng 15 công ty tài chính đang hoạt động với gần 1,4 ngàn điểm giao dịch. Trong đó, nhiều công ty có số lượng điểm giao dịch lớn như: Công ty tài chính TNHH HD Saison (496 điểm), Công ty tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam thịnh vượng (422 điểm), Công ty tài chính TNHH MTV Home Credit Việt Nam (241 điểm), Công ty tài chính TNHH MB Shinsei (145 điểm)…
Các tin nhắn có nội dung đe dọa đòi nợ, “khủng bố” tinh thần được gửi đến chị T.B.H. (TT.Long Thành, H.Long Thành) và người thân trong thời gian chị H. chờ giải quyết khiếu nại liên quan đến khoản tiền vay của một công ty tài chính. Ảnh: NVCC |
Theo tìm hiểu của phóng viên, hoạt động cho vay tiêu dùng phần lớn dựa trên hình thức cho vay tín chấp, không cần thế chấp hoặc thông qua các hình thức trả góp khi mua các sản phẩm điện máy, điện tử, điện thoại di động, ô tô, xe máy…
Phần lớn hình thức cho vay này thường được chào mời với nhiều tiện ích như: thủ tục cho vay đơn giản, không cần nhiều giấy tờ, tư vấn hỗ trợ, làm hồ sơ vay trực tuyến, giải ngân nhanh, lãi suất cố định...
Người vay có thể dễ dàng vay vốn thông qua các kênh mạng xã hội, website trực tuyến hoặc chỉ cần gọi điện, gửi ảnh cung cấp các thông tin cá nhân cần thiết như: chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, bảng lương, thẻ bảo hiểm y tế... cho các nhân viên tư vấn từ các công ty, dịch vụ tài chính là có thể dễ dàng vay được tiền. Số tiền vay nhiều hay ít thường dựa trên nghề nghiệp, mức thu nhập bình quân hằng tháng và lịch sử vay vốn của người vay, thường vào khoảng 10-200 triệu đồng...
* Lãi suất vay có thể lên tới 72%/năm
Hiện nay, phần lớn các khoản vay tiêu dùng cá nhân đều là các hợp đồng có lãi suất thỏa thuận. Tuy nhiên, những bản hợp đồng với những từ ngữ tài chính chuyên ngành mà không phải người đi vay vốn nào cũng có thể hiểu hết, thậm chí nhiều người chỉ ký vào bản hợp đồng vay vốn mà không hề đọc qua.
Trên thực tế, một số công ty tài chính vẫn còn lập lờ trong cách tính lãi suất cho vay tiêu dùng, đẩy chi phí phải trả cho người tiêu dùng lên rất cao so với lãi suất tiêu dùng của các ngân hàng thương mại.
Khi phóng viên liên hệ đến tổng đài tư vấn vay tiêu dùng của dịch vụ tài chính F. Credit, thì được tổng đài chuyển máy đến một nhân viên tên Minh. Nhân viên hỏi một số thông tin cá nhân, số chứng minh nhân dân, công việc, mức lương hiện tại, tình trạng vay vốn để tư vấn các khoản vay…
“Khách hàng có thể vay vốn khoản vay lên tới 50 triệu đồng tùy vào các điều kiện giấy tờ, tình trạng vay nợ trước đây... Thông thường, với khoản vay khoảng 40 triệu đồng trong vòng 2 năm đối với đối tượng là công nhân thì mức lãi suất cho vay được tư vấn khoảng 2,27%/tháng tính trên dư nợ gốc (tương ứng khoảng 27%/năm - PV). Mỗi tháng dự kiến người vay sẽ trả khoảng hơn 2,7 triệu đồng. Nếu có thêm các giấy tờ như sổ hộ khẩu, cà-vẹt xe chính chủ… thì có thể được xem xét giảm lãi suất vay vốn” - nhân viên Minh cho biết.
Cơ chế kiểm soát hoạt động cho vay tiêu dùng hiện nay chưa chặt chẽ (ảnh minh họa) Ảnh: T.L |
Ngoài ra, trên các trang mạng xã hội, nhiều nhân viên, cộng tác viên tư vấn trực tuyến của các công ty, dịch vụ tài chính... cũng giới thiệu các gói hỗ trợ cho vay hằng tháng của người vay theo hình thức cho vay tín chấp tùy vào điều kiện nghề nghiệp, mức thu nhập... với khoản tiền gấp 6-10 lần thu nhập hằng tháng của người vay.
Liên hệ với anh Tình, nhân viên tư vấn về dịch vụ cho vay tín chấp của một dịch vụ cho vay tài chính cho hay, hình thức giải ngân rất đơn giản, chỉ cần chụp ảnh giấy chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, bảng kê lương, thẻ bảo hiểm y tế... gửi qua cho nhân viên tư vấn sẽ có nhân viên trực tiếp đến gặp và xử lý hồ sơ. Tiền vay sẽ được giải ngân thông qua thẻ ngân hàng làm mới. Số tiền tối đa là 70 triệu đồng, lãi suất cho vay khoảng 1,5%/tháng tính trên dư nợ gốc (khoảng hơn 18%/năm - PV) với mức đóng cả gốc lẫn lãi gần 3,3 triệu đồng/tháng bên cạnh đó còn có một số loại thuế, phí khác…
Ngoài ra, còn có nhiều dịch vụ cho vay, hỗ trợ tài chính online với mức lãi suất “khủng”. Đơn cử, trên website của dịch vụ hỗ trợ tài chính E. Credit quảng cáo mức hỗ trợ vay tiền mặt online với lãi suất ưu đãi, hoàn tiền lên tới 20% nếu hoàn trả các khoản vay đúng hạn. Lãi suất cho vay từ 1,2-6,08%/tháng, tương ứng khoảng 14,7-72,9%/năm tùy theo mức độ tín nhiệm của khách hàng.
Bên cạnh các khoản vay tiêu dùng nói trên, thời gian gần đây, mua hàng trả góp được xem là một phương thức kích cầu hiệu quả của nhiều doanh nghiệp và đơn vị bán hàng, trong đó có hình thức “mua hàng trả góp với lãi suất 0%”. Hình thức cho vay trả góp này ngày càng trở nên phổ biến. Tìm hiểu của phóng viên ở nhiều nơi cho thấy, người mua hàng sẽ trả lãi suất từ 16-30%/năm dưới hình thức phí khi mua hàng trả góp...
Với mỗi khoản vay, công ty tài chính, dịch vụ hỗ trợ vay tín chấp… lại có những cách tính lãi suất khác nhau, giảm dần hoặc cố định. Tư vấn viên thường ít khi nói ra khoản phí thu hộ hằng tháng đối với những khoản vay trả góp, hoặc cách trả nợ cả vốn gốc và lãi đối với hình thức trả cuối kỳ. Bên cạnh đó, là các khoản phí, bảo hiểm, lãi phạt trả lãi không đúng hạn, lãi phạt trả vốn trước hạn… Có trường hợp người vay vốn chậm trả các khoản vay vốn thì lãi suất và các khoản phí lập tức “leo thang”.
* Có trường hợp bị đe dọa, khủng bố tinh thần khi chậm trả
Theo một số chuyên gia, các công ty tài chính không được trực tiếp huy động vốn từ dân cư như các ngân hàng thương mại, mà phải huy động vốn bằng phát hành trái phiếu từ các tổ chức tài chính khác, nguồn vốn ủy thác nước ngoài nên lãi suất đầu vào thường cao, có thể kéo theo cho vay với lãi suất cao. Bên cạnh đó, các khoản vay tiêu dùng cá nhân thường nhỏ lẻ (dưới 100 triệu đồng/món), nên càng đẩy lãi suất lên. Tuy nhiên, điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Hơn thế nữa, nhiều khách hàng phản ảnh, hợp đồng giao dịch tại một số công ty tài chính thường “mập mờ”, khách hàng có thể chịu thiệt khi phát sinh tranh chấp, thậm chí trong khoảng thời gian chờ giải quyết khiếu nại liên quan đến khoản tiền vay, người vay còn có thể bị đe dọa, “khủng bố” tin nhắn đòi nợ thông qua các tổ chức trung gian…
Biểu đồ thể hiện một số mức lãi suất cho vay phổ biến hiện nay (đơn vị tính: %/năm). (Đồ họa: Hải Quân) |
Chị T.B.H (TT.Long Thành, H.Long Thành) cho hay, khoảng cuối năm 2017, chị có vay một khoản vay tiêu dùng khoảng 16,5 triệu đồng từ dịch vụ của một công ty tài chính có trụ sở ở TP.HCM trả bằng hình thức trừ tiền trong thẻ ngân hàng.
“Lúc ký kết hợp đồng, do chủ quan, không tìm hiểu kỹ về những điều khoản trong hợp đồng nên sau đó tổng số tiền cả vốn lẫn lãi tôi phải trả kèm thêm các khoản phí, tiền phạt lên tới gần 30 triệu đồng. Vào khoảng giữa năm 2019, khi thấy những thẻ ngân hàng liên tục bị trừ tiền không rõ lý do nên tôi liên hệ với nhân viên tư vấn yêu cầu khóa thẻ nhưng không được chấp nhận. Sau đó, tôi không chấp nhận trả tiếp số tiền còn lại và yêu cầu được giải thích cụ thể, rõ ràng các khoản tiền phải trả thì liên tục nhận được các tin nhắn đe dọa, hoặc các hình thức “khủng bố” tinh thần từ nhiều người lạ, công ty đòi nợ thuê yêu cầu phải trả những khoản nợ nói trên… Đến khi tôi gửi đơn khiếu nại lên Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai thì sau đó mới có đại diện của công ty tài chính đến thương lượng và giải quyết sự việc” - chị H. chia sẻ.
Lam Phương