Chiều 12-3, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc "Thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong điều kiện dịch bệnh Covid- 19".
Chiều 12-3, Bộ trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc “Thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong điều kiện dịch bệnh Covid- 19”. Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, ngành nông nghiệp Việt Nam phải khai thác mọi lợi thế, cơ hội để “biến nguy thành cơ” nhằm đảm bảo mục tiêu phát triển trong tình hình khó khăn do dịch bệnh hiện nay.
Nông dân trồng xoài gặp khó khăn về đầu ra do xuất khẩu chậm vì ảnh hưởng dịch Covid-19 Trong ảnh: Thu hoạch xoài tại xã Xuân Bắc, H.Xuân Lộc. Ảnh: B. Nguyên |
Chính phủ rất quan tâm trợ lực cho doanh nghiệp, nông dân bằng nhiều chính sách hỗ trợ về nguồn vốn, về thị trường...
Đồng Nai với vai trò là “thủ phủ” chăn nuôi của cả nước và có nhiều mặt hàng nông sản chủ lực xuất khẩu cũng đã chủ động về giải pháp ứng phó để ngành nông nghiệp vẫn đảm bảo được hoạt động sản xuất và tăng trưởng.
* Nhiều thách thức lớn
Theo Bộ NN-PTNT, đại dịch Covid-19 đang gây ra 2 vấn đề rất nghiêm trọng. Một là đe dọa sức khỏe, tính mạng của con người và hai là tác động đến tất cả các quốc gia, làm rối loạn nền kinh tế toàn cầu khiến nó có xu hướng tăng trưởng chậm. Đáng nói là những tác hại này vẫn chưa lường hết được.
Riêng ngành nông nghiệp vốn rất dễ chịu tổn thương còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn khác là tính cực đoan của thời tiết do tác động của biến đổi khí hậu. Chưa năm nào, ngay sau giao thừa năm 2020, một số tỉnh, thành phố phía Bắc đã xuất hiện mưa lớn, sau đó là mưa đá trên diện rộng làm 12 ngàn ngôi nhà bị thủng mái và hư hỏng. Đây là năm hạn mặn lịch sử khi vừa bước vào vụ đông - xuân cả 3 miền Bắc, Trung, Nam đều gặp hạn nặng. Thách thức lớn khác là dịch bệnh hoành hành, sau thiệt hại nặng nề của dịch tả heo châu Phi là dịch cúm gia cầm.
Bộ trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường yêu cầu các địa phương, doanh nghiệp, đơn vị cần chuẩn bị sẵn cả phương án, kịch bản về nhu cầu lương thực, thực phẩm sẽ tăng cao trong bối cảnh nhiều địa phương công bố dịch Covid-19 do tâm lý và nhu cầu tích trữ phòng dịch của người dân. Theo đó, các địa phương cần quan tâm tổ chức lại hệ thống phân phối gắn kết với người sản xuất. |
Hiện thị trường nông sản có xu hướng giảm vì dịch Covid-19 gây ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu. Giai đoạn này, nếu Việt Nam để gián đoạn việc luân chuyển nguồn hàng, giảm xuất khẩu nông sản thì về lâu dài, nhiều thị trường xuất khẩu sẽ bị mất hoặc thu hẹp lại.
Theo Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công thương) Dương Duy Hưng, trong 2 tháng đầu năm, hầu hết các lĩnh vực trong ngành nông nghiệp đều có mức tăng trưởng tương đối tốt. Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản đạt 5,34 tỷ USD, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, dự báo 10 tháng còn lại của năm 2020, ngành nông nghiệp sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn.
Riêng tỉnh Đồng Nai, trong 2 tháng đầu năm, xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản chủ lực trên địa bàn tỉnh bị giảm sút; nhiều mặt hàng nông sản khác cũng rớt giá do ảnh hưởng của dịch bệnh khiến nhu cầu tiêu thụ chậm. Theo báo cáo của Sở NN-PTNT, về mặt hàng trái cây xuất khẩu chính của Đồng Nai là thanh long, thời gian qua cũng gặp khó khăn về đầu ra do xuất khẩu chậm. Với diện tích trên 1,1 ngàn ha, sản lượng thanh long sẽ thu hoạch khoảng 12,5 ngàn tấn cũng đang lo về vấn đề đầu ra. Nhiều loại trái cây chủ yếu xuất khẩu khác như: xoài, mít... đang tiêu thụ chậm, giá thấp cần thực hiện các giải pháp hỗ trợ tiêu thụ. Một số các loại trái cây sắp vào vụ thu hoạch như: chôm chôm, sầu riêng... cũng gặp rủi ro rất lớn về đầu ra do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Giám đốc Sở NN-PTNT Huỳnh Thành Vinh cho biết, nhiều mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh đang và sẽ gặp khó khăn về đầu ra do ảnh hưởng dịch Covid-19. Cụ thể, hiện diện tích chuối già xuất khẩu trên địa bàn tỉnh đã tăng nóng trên 10 ngàn ha, tăng hàng ngàn ha so với năm trước. Hiện xuất khẩu chuối chủ yếu vẫn qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc, rủi ro thị trường này đóng cửa, ngưng nhập hàng là rất lớn. “Về chăn nuôi, hiện điều kiện thời tiết đêm lạnh, ngày nắng nóng là môi trường cho dịch bệnh phát triển, đặc biệt là dịch cúm gia cầm” - ông Vinh cảnh báo.
* Đảm bảo lương thực, thực phẩm
Dự báo sau khi khống chế được dịch Covid-19, nhu cầu lương thực, thực phẩm trong nước và quốc tế sẽ tăng cao, Bộ NN-PTNT đặt ra mục tiêu phải thúc đẩy phát triển sản xuất ngay trong tình hình dịch bệnh; tập trung cho 3 nhóm trọng tâm là lương thực, rau quả và chăn nuôi.
12,5 ngàn tấn thanh long ruột đỏ sẽ thu hoạch trên địa bàn Đồng Nai lo ngại khó khăn về đầu ra do ảnh hưởng dịch Covid-19. Trong ảnh: Vườn thanh long tại xã Xuân Bảo (H.Cẩm Mỹ) |
Theo doanh nghiệp xuất khẩu gạo, vấn đề đảm bảo an ninh lương thực được đặc biệt quan tâm trong tình hình dịch bệnh như hiện nay. Theo đó, xuất khẩu gạo trong 2 tháng đầu năm đạt 900 ngàn tấn, tăng 19% về sản lượng và tăng 20% về giá trị. Chưa bao giờ thị trường xuất khẩu gạo lại sôi động như hiện nay, giá gạo tăng đều và mạnh ngay vào thời điểm vựa lúa lớn là ĐBSCL đang vào vụ thu hoạch. Nguyên nhân chủ yếu là do các nước tăng nhập khẩu gạo, riêng Trung Quốc vốn là nguồn cung lớn cho thị trường thế giới hiện không kham nổi vai trò chủ lực xuất khẩu về mặt hàng này.
Năm 2020, dự kiến Việt Nam trồng 7,3 triệu ha lúa, sản lượng ước đạt 43,4 triệu tấn, không chỉ đảm bảo nhu cầu trong nước mà còn dồi dào nguồn cung cho xuất khẩu. Về rau màu, với diện tích 980 ngàn ha, sản lượng dự kiến đạt 18,2 triệu tấn, tiêu thụ trong nước khoảng 14 triệu tấn thì mặt hàng này vẫn dư khoảng 4,2 triệu tấn để xuất khẩu. Ngoài ra, diện tích cây ăn trái khoảng 1,1 triệu ha, sản lượng trái cây sẽ đạt 13,3 triệu tấn, tăng 0,8 triệu tấn so với năm 2019.
Về chăn nuôi, dự kiến tổng sản lượng sẽ đạt 5,5 triệu tấn, tăng 16,3%. Bộ trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá: “Chưa bao giờ ngành chăn nuôi có quy mô lớn như vậy, tổng đàn gia cầm tăng kỷ lục nhất từ trước đến nay là 150 triệu con. Năm 2020 này, ngành chăn nuôi chính là cứu cánh của cả ngành nông nghiệp”.
Cũng theo Bộ trưởng NN-PTNT, mục tiêu đặt ra cho ngành nông nghiệp là phải khắc phục khó khăn thúc đẩy sản xuất để có đủ lương thực, thực phẩm cung ứng vững chắc trong mọi hoàn cảnh đối với nhu cầu trong nước, sau đó là xuất khẩu. Vì đây là ngành rất đặc thù, tạo ra khối lượng nông sản, lương thực, thực phẩm đáp ứng cho nhu cầu của con người nên không thể để xảy ra gián đoạn trong sản xuất. Khi dịch lây lan, một số bộ phận người dân đã hoảng loạn, tranh mua, thu gom hàng hóa. Với đất nước 100 triệu dân, nếu không bình tĩnh, cố gắng và không tổng lực đảm bảo về sức sản xuất thì hậu quả rất khó lường.
Theo các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu, chế biến nông sản, cần nhiều giải pháp đồng bộ để ngành nông nghiệp vẫn đảm bảo được hoạt động sản xuất và tăng trưởng trong tình hình dịch bệnh hiện nay. Trong đó, nhóm giải pháp trước mắt như: có chính sách hỗ trợ kịp thời bằng việc giảm các loại phí, thuế, hỗ trợ về nguồn vốn… Trong đó, cần tập trung cho hoạt động xúc tiến thương mại mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản cả trong nước và xuất khẩu. Các giải pháp lâu dài là tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng chuỗi liên kết bền vững; đầu tư cho ngành công nghiệp bảo quản, chế biến… |
Bình Nguyên