Báo Đồng Nai điện tử
En

"Sính" trồng cây giống ngoại, rủi ro chực chờ

04:03, 09/03/2020

Đồng Nai có trên 63 ngàn ha cây ăn trái. Do sản phẩm chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc nên nông dân chặt bỏ hàng loạt cây ăn trái truyền thống để trồng các loại trái cây có nguồn gốc nước ngoài…

Đồng Nai có trên 63 ngàn ha cây ăn trái. Do sản phẩm làm ra chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc nên nông dân chặt bỏ hàng loạt những giống trái cây truyền thống như: chôm chôm nhãn, sầu riêng hạt lớn, mít lá bàng… sang trồng các loại trái cây có giống từ nguồn gốc nước ngoài như: chôm chôm Thái, xoài Thái, xoài Đài Loan, xoài Úc, mít Thái, sầu riêng Thái…

Chôm chôm Thái đang thay dần các giống chôm chôm bản địa. Trong ảnh: Thu hoạch chôm chôm tại nhà vườn ở xã Bảo Hòa (H.Xuân Lộc)
Chôm chôm Thái đang thay dần các giống chôm chôm bản địa. Trong ảnh: Thu hoạch chôm chôm tại nhà vườn ở xã Bảo Hòa (H.Xuân Lộc)

Ngay cả những loại trái cây giống bản địa như: chôm chôm Java, chuối bơm, chuối sứ... có tiềm năng xuất khẩu lớn sang những thị trường khó tính và đưa vào chế biến cũng mất dần “chỗ đứng” vì nông dân đua nhau trồng cây giống ngoại.

* Giống ngoại lên ngôi

Vài năm gần đây, khi thấy chôm chôm Thái cho lợi nhuận tốt hơn so với 2 loại chôm chôm bản địa là chôm chôm nhãn và chôm chôm Java (còn gọi là chôm chôm tróc), nhiều nông dân đua nhau chặt bỏ cây giống nội để trồng chôm chôm giống Thái.

Ông Phùng Thanh Tâm, Giám đốc HTX nông nghiệp, dịch vụ, thương mại Bình Lộc (xã Bình Lộc, TP.Long Khánh) cho biết, chỉ tính riêng xã Bình Lộc trước có trên 1 ngàn ha chôm chôm, chủ yếu là giống Java và chôm chôm nhãn. Nhưng giờ, hơn 50-60% diện tích chôm chôm giống địa phương đã đổi thành giống chôm chôm Thái.

Điều đáng tiếc là 2 giống chôm chôm địa phương của Đồng Nai là đặc sản nổi tiếng và đã được cấp chỉ dẫn địa lý nhưng không tránh khỏi “số phận” đang mất dần “chỗ đứng”. Chia sẻ về lý do bỏ giống chôm chôm bản địa chuyển đổi sang giống mới, ông Nguyễn Văn Quang, nông dân có 3ha chôm chôm tại xã Bình Lộc so sánh: “Trước đây, gia đình tôi chỉ trồng thuần chôm chôm tróc và chôm chôm nhãn. Tuy nhiên, thời gian gần đây do giá 2 loại chôm chôm này không cao bằng chôm chôm Thái nên tôi chặt bỏ vườn chôm chôm cũ chuyển sang giống mới”.

Cùng lý do trên, thời gian gần đây, diện tích xoài Đài Loan của Đồng Nai tăng mạnh do mặt hàng này xuất khẩu tốt sang thị trường Trung Quốc nên có nhiều thời điểm bán được với giá rất cao. Ông Trần Văn Dương, nông dân xã Xuân Bắc (H.Xuân Lộc) cho hay, trước đây nhà vườn chủ yếu chỉ trồng xoài ba mùa mưa và xoài cát Hòa Lộc. Trong đó, xoài cát Hòa Lộc là đặc sản riêng nổi tiếng về chất lượng thơm ngon. Nhưng khi giống xoài Đài Loan xuất khẩu tốt vì được thị trường Trung Quốc ưa chuộng, nhà nhà chặt các loại xoài giống bản địa sang trồng giống mới.

Đây cũng là lý do hàng ngàn ha các loại trái cây giống bản địa như: sầu riêng hạt, chuối sứ, các giống mít bản địa… bị thu hẹp dần diện tích chuyển sang trồng sầu riêng giống Thái, mít Thái siêu sớm, chuối già cấy mô xuất khẩu.

* Nhiều rủi ro

Hiện nông dân trồng xoài Đài Loan đang nếm “trái đắng” của việc đua nhau trồng theo phong trào khi thị trường Trung Quốc giảm tiêu thụ do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Hiện giá xoài Đài Loan giảm về mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây, chỉ có 6 ngàn đồng/kg, thấp hơn rất nhiều so với mức giá trung bình nhiều năm là trên 20 ngàn đồng/kg. Giá thấp kỷ lục nhưng mặt hàng trái cây chuyên xuất khẩu này vẫn khó tiêu thụ vì người tiêu dùng nội địa không chuộng giống ngoại lai này.

Tiếc nuối cho nhiều đặc sản trái cây địa phương dần mai một, ông Phùng Thanh Tâm chia sẻ thêm, chôm chôm nhãn và chôm chôm Java là đặc sản lâu đời của vùng đất Long Khánh. Giống chôm chôm Java vẫn còn nhiều lợi thế cạnh tranh đang bị nông dân bỏ qua như: năng suất cao, chín rộ một lần nên khâu thu hoạch dễ dàng và ít tốn công lao động hơn. Trái chôm chôm này cũng từng xuất khẩu đi Pháp sau khi được kiểm tra chặt chẽ từ mẫu đất, nước, hàm lượng dinh dưỡng... đều đạt chuẩn. Họ cũng đặt bao tiêu sản phẩm để xuất khẩu sang Pháp với sản lượng lớn, nhưng HTX không đáp ứng được yêu cầu có vùng chuyên canh chỉ trồng thuần giống chôm chôm này. “Diện tích chôm chôm Java ngày càng giảm vì nông dân mới nhìn được cái lợi trước mắt khi chuyển đổi cây trồng chứ chưa nhìn xa đến cán cân cung - cầu. Đầu ra của chôm chôm Java rất lớn vì được thị trường xuất khẩu ưa chuộng và có thể đưa vào chế biến” - ông Tâm nói.

Trước đây một số vùng ở Trảng Bom, Thống Nhất cũng chuyên canh cây chuối, chủ yếu trồng các loại chuối bơm, chuối sứ... Tuy giá cả những loại chuối này có lúc trồi, lúc sụt nhưng người trồng không lo đầu ra vì ngoài ăn tươi, đây còn là nguồn nguyên liệu chế biến chuối sấy, chuối chiên.

Cùng nỗi trăn trở trước tình trạng nông dân bỏ dần những giống cây trồng bản địa, bà Trần Thị Hoa, chủ Cơ sở chế biến chuối Cường Hoa (xã Quang Trung, H.Thống Nhất) nhận xét, khi thấy chuối già xuất khẩu bán được giá cao, nông dân đổ xô qua trồng giống mới làm cho diện tích các giống chuối địa phương như: chuối bơm, chuối cau, chuối sứ giảm mạnh...

Thực tế, nông dân Đồng Nai đã nhiều lần phải chặt bỏ vườn chuối già xuất khẩu khi vào vụ thu hoạch vì thị trường Trung Quốc không “ăn hàng”. Loại chuối này lại khó bán cho thị trường nội địa vì người tiêu dùng không ưa chuộng. Theo bà Hoa: “Các mặt hàng chuối chiên, chuối sấy của cơ sở không chỉ tiêu thụ tốt tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước mà còn có đơn hàng xuất khẩu. Hiện khó khăn lớn nhất của các cơ sở chế biến như chúng tôi là thiếu nguồn nguyên liệu”. Để đủ nguồn chuối đưa vào chế biến, cơ sở của bà Hoa phải cố gắng tìm mua tại các địa phương xa hơn với giá ngày càng cao hơn. Có những mùa cơ sở chỉ sản xuất cầm chừng vì khan hiếm nguyên liệu.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều