UBND tỉnh đã chỉ đạo ở những khu vực có nước máy, người dân, doanh nghiệp phải ngưng khai thác nước ngầm để sử dụng nước sạch theo Luật Tài nguyên nước. Thế nhưng, tại H.Nhơn Trạch vẫn còn 1 ngàn hộ dân và 2 khu công nghiệp (KCN) vẫn khai thác nước ngầm dù đã có nước sạch về.
UBND tỉnh đã chỉ đạo ở những khu vực có nước máy, người dân, doanh nghiệp phải ngưng khai thác nước ngầm để sử dụng nước sạch theo Luật Tài nguyên nước. Thế nhưng, tại H.Nhơn Trạch vẫn còn 1 ngàn hộ dân và 2 khu công nghiệp (KCN) vẫn khai thác nước ngầm dù đã có nước sạch về.
Công ty CP Cấp nước Nhơn Trạch đã ngưng khai thác nước ngầm từ năm 2018 và chuyển qua xử lý nước mặt để bán cho các khu công nghiệp và người dân. Ảnh: K.Minh |
Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, vào mùa khô, H.Nhơn Trạch là một trong những nơi có nước ngầm sụt giảm mạnh. Bên cạnh đó, kết quả quan trắc nước ngầm ở một số nơi tại H.Nhơn Trạch không đảm bảo cho việc sử dụng ăn uống, sinh hoạt vì độ pH quá thấp (có axit) sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng. Ngoài ra, một số thông số khác trong nước cũng không đảm bảo là clorua, hàm lượng sulfate, mangan...
* Cả ngàn hộ chưa hoàn toàn dùng nước sạch
Theo Công ty CP Cấp nước Nhơn Trạch (H.Nhơn Trạch), thời gian qua, công ty đã đầu tư mạng lưới phân phối nước sạch về 7 xã và TT.Hiệp Phước trên địa bàn H.Nhơn Trạch. Các hộ đăng ký sử dụng nước sạch được miễn phí 4m ống nhánh và đồng hồ nước. Vì thế, khoảng 11 ngàn hộ gia đình đã đăng ký mua nước sạch và được lắp đặt kết nối với hệ thống cung cấp nước. Dù có nước sạch về, nhưng nhiều hộ dân trên địa bàn huyện vẫn sử dụng nước ngầm, nước sạch chỉ dùng để ăn uống.
Ông Ngô Dương Đại, Giám đốc Công ty CP Cấp nước Nhơn Trạch chia sẻ: “Công ty đã đầu tư hệ thống máy móc, đường ống có thể cung cấp nước sạch khoảng 160 ngàn m3/ngày đêm cho các khu dân cư, khu công nghiệp trên địa bàn H.Nhơn Trạch. Tuy nhiên, công suất sử dụng hiện chỉ được 45 ngàn m3/ngày đêm. Nguyên nhân do còn 1 ngàn hộ dân đã lắp đặt đường ống, đồng hồ nước nhưng không sử dụng. Bên cạnh đó, hàng ngàn hộ khác chỉ dùng nước sạch nhưng khối lượng rất ít, chủ yếu vẫn dùng nước ngầm”.
Qua tìm hiểu tại các hộ dân thuộc các xã Phước Thiền, Phú Hữu, Đại Phước... cho thấy, nhiều hộ vẫn dùng song song nước sạch và nước ngầm, vì nước ngầm chỉ bơm lên sử dụng mà không mất tiền. Do đó, mỗi tháng có gia đình chỉ dùng 1-3m3 nước sạch, còn lại lấy nước giếng khoan.
Theo khuyến cáo của Sở Tài nguyên - môi trường, có 4 địa phương khai thác nước ngầm vượt ngưỡng an toàn là H.Nhơn Trạch, H.Long Thành, TP.Biên Hòa, TP.Long Khánh. Liên quan đến việc có hệ thống nước sạch về đến tận nơi nhưng nhiều hộ gia đình vẫn không sử dụng, Chủ tịch UBND H.Nhơn Trạch Lê Thành Mỹ cho biết: “Huyện đã tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân hiểu và yêu cầu sử dụng nước sạch để đảm bảo sức khỏe. Mặt khác, nguồn nước ngầm ở nhiều nơi trong huyện không đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn quy định của Việt Nam. Tới đây, huyện sẽ bắt buộc những nơi có nước sạch, người dân phải đóng giếng khoan lại để bảo vệ tài nguyên nước ngầm đang có dấu hiệu suy giảm”.
* 2 KCN vẫn dùng nước ngầm
Dù đã có nước sạch về tận nơi, nhưng trong H.Nhơn Trạch vẫn còn 2 KCN khai thác nước ngầm, cung cấp cho các doanh nghiệp đang hoạt động bên trong khu. Cụ thể là ở KCN Nhơn Trạch 1 và KCN Nhơn Trạch 5, lượng khai thác nước ngầm khoảng 33,5 ngàn m3/ngày đêm. Đơn vị đang khai thác nước ngầm với số lượng lớn trên là Công ty TNHH MTV Phát triển đô thị và KCN IDICO (doanh nghiệp đầu tư hạ tầng 2 KCN).
Ông Phan Văn Quang, Giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển đô thị và KCN IDICO bày tỏ: “Trước đây, công ty đầu tư hạ tầng KCN Nhơn Trạch 1, Nhơn Trạch 5 được Bộ Tài nguyên - môi trường cấp phép cho khai thác nước ngầm để phục vụ các doanh nghiệp thứ cấp trong KCN. Do đó, công ty đã bỏ ra hơn 100 tỷ đồng để đầu tư nhà máy và hệ thống cấp nước nên công ty đề nghị các bộ, ngành cho kéo dài thời gian khai thác nước ngầm và cũng đã lên kế hoạch ngưng khai thác nước ngầm theo lộ trình”.
Tuy nhiên, thực tế, khu vực KCN Nhơn Trạch 1 và KCN Nhơn Trạch 5 và một số khu vực khác ở H.Nhơn Trạch được tỉnh xác định là vùng hạn chế khai thác nước dưới đất. Vì thế, ngày 27-3-2018, UBND tỉnh đã có Văn bản số 2884/UBND-CNN gửi Bộ Tài nguyên - môi trường đề nghị xem xét, điều chỉnh rút ngắn thời hạn các giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ. Trong đó, UBND tỉnh đề nghị rút ngắn thời gian khai thác nước ngầm của Công ty TNHH MTV Phát triển đô thị và KCN IDICO đến cuối năm 2018.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh, Công ty TNHH MTV Phát triển đô thị và KCN IDICO được Bộ Tài nguyên - môi trường cấp 2 giấy phép cho khai thác nước ngầm thời hạn đến ngày
20-7-2020 và ngày 10-2-2021. Thời gian qua, UBND tỉnh đã kiến nghị Bộ là không cấp phép tiếp cho khai thác nước ngầm. “UBND tỉnh đã có chỉ đạo các địa phương khi có hệ thống nước sạch về buộc phải ngưng khai thác nước ngầm và tiến hành trám các giếng ngầm để bảo vệ nguồn nước ngầm đang cạn kiệt. Những đơn vị do UBND tỉnh cấp phép đã chấp hành đúng quy định của tỉnh. Vì vậy các đơn vị do Trung ương cấp phép, tỉnh cũng sẽ đề xuất không cấp phép khai thác nước ngầm khi có nước sạch cung cấp đến nơi” - Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh nhấn mạnh.
Theo quy định của Chính phủ, những đơn vị khai thác nước ngầm từ 3 ngàn m3/ngày đêm trở xuống do UBND tỉnh cấp phép, các đơn vị khai thác với công suất trên 3 ngàn m3/ngày đêm do Bộ Tài nguyên - môi trường cấp phép. Đây là khó khăn cho tỉnh trong việc yêu cầu các doanh nghiệp ngưng khai thác nước ngầm với công suất lớn để bảo vệ môi trường. |
Khánh Minh