Nhiều nơi ở Đông Nam bộ đang chịu ảnh hưởng của hạn hán, đối diện nguy cơ thiếu nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp. Các tỉnh trong khu vực đang triển khai nhiều giải pháp kết hợp và tập trung phát huy hết công suất của các công trình thủy lợi để chống hạn.
Nhiều nơi ở Đông Nam bộ đang chịu ảnh hưởng của hạn hán, đối diện nguy cơ thiếu nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp. Các tỉnh trong khu vực đang triển khai nhiều giải pháp kết hợp và tập trung phát huy hết công suất của các công trình thủy lợi để chống hạn.
Người dân xã Thống Nhất (H.Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) phải dẫn nước từ hồ suối để tưới cho hồ tiêu. Ảnh:sggp.org.vn |
* Nguy cơ thiếu nước
Tỉnh Bình Phước có 458.152ha cây trồng, tập trung ở các huyện Lộc Ninh, Bù Đăng, Bù Đốp, cần được cung cấp nước tưới thường xuyên. Tuy nhiên từ đầu năm đến nay, lượng mưa giảm 10-30% , các dòng chảy giảm 30-50%, mực nước tại các hồ đập đang xuống thấp, đe dọa đến sinh trưởng và phát triển của cây trồng.
Mấy năm trước anh Điểu Sa Ry (ngụ xã Lộc Tấn, H.Lộc Ninh) đào một cái ao rộng 50m2 để lấy nước tưới cho vườn cà phê 5ha, nhưng giờ đang thấp thỏm lo lắng vì năm nay thời tiết khô hạn hơn mọi năm. Anh Sa Ry chia sẻ: “Vài tháng trở lại đây mới có một trận mưa lớn, các cơn mưa rải rác không đủ để ao hồ tích trữ nước. Gia đình phải đắp đập trên dòng suối gần vườn để ngăn nước và nối thêm đường ống dẫn để tưới cho cà phê”.
Còn khu vườn 300 trụ tiêu của gia đình anh Điểu Quân (xã Thống Nhất, H.Bù Đăng) đang bắt đầu vàng héo vì thiếu nước tưới. Gia đình đã bỏ 30 triệu đồng mua máy bơm và 12 cuộn ống để dẫn nước tưới từ con đập cách vườn 600m, nhưng đang vào cao điểm mùa khô nên giếng khoan chỉ đủ phục vụ sinh hoạt hằng ngày và nước uống cho gia súc. Dù trang bị hệ thống tưới nước nhưng hơn các dây tiêu đang ngả vàng, có nguy cơ khô héo rồi chết.
Còn tại tỉnh Đồng Nai, gần 6.600ha cây hằng năm cũng đang đối mặt khô hạn. Lượng mưa thiếu hụt so với trung bình nhiều năm nên mực nước tại các hồ chứa xuống thấp, cộng thêm nhiệt độ trung bình trên khu vực từ nay đến cuối tháng 6 phổ biến ở mức cao hơn so với cùng thời kỳ khoảng 0,5-1,50C. Ông Đặng Đức Thuận, Giám đốc HTX Đồng Thuận (H.Tân Phú) cho biết hiện nông dân đều đã xuống giống, cây lúa phát triển tốt nhưng nguồn nước ở các kênh mương, đập thủy lợi không dồi dào bằng mọi năm. Dự báo, mùa khô năm nay nắng hạn hơn mọi năm, nông dân nên chủ động hơn về việc vào vụ cũng như chăm sóc, không để cây trồng bị ảnh hưởng trong trường hợp mùa khô đến sớm.
* Phát huy công năng hồ chứa nước
Tỉnh Bình Phước có 67 công trình thủy lợi, trong đó huyện biên giới Lộc Ninh có 20 công trình cung cấp nước tưới cho hơn 2 ngàn ha cây trồng. Thời điểm này, do phải cấp nước cho nhiều diện tích cây trồng nên mực nước tại các hồ chứa như hồ Tà Tê (xã Lộc Thành), hồ Rừng Cấm (TT.Lộc Ninh)… đang xuống thấp. Tuy nhiên, hàng chục ngàn ha cây trồng đã được cứu nhờ nguồn nước từ các hồ chứa; riêng hồ Rừng Cấm đang phát huy công năng, cung cấp nước sạch người dân ở TT.Lộc Ninh và nước tưới cho 4 xã lân cận trong mùa khô hạn.
Còn H.Bù Đăng có 30 công trình thủy lợi đảm bảo nguồn nước tưới cho 3.163ha gieo trồng. Do xây dựng đã lâu nên nhiều hạng mục của các công trình xuống cấp, không phát huy hết công năng, điển hình là hồ chứa nước xã Phú Sơn. Trước đây, khu vực hồ nhỏ thì mực nước luôn ổn định, nhưng sau khi dự án làm lại đường đã hạ cống xuống sâu khiến mực nước cạn kiệt.
Theo Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước Trần Văn Lộc, tỉnh đang giám sát chặt chẽ tình hình khô hạn, nâng cao năng lực tưới tiêu của các công trình thủy lợi, trong đó phát huy hiệu quả công suất các hồ chứa để đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt, nước tưới, đồng thời khuyến khích nông dân chủ động tích trữ nguồn nước uống và thức ăn cho đàn gia súc, gia cầm trong mùa khô.
Tại Đồng Nai, ngay từ đầu năm, lãnh đạo UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương quan tâm thực hiện các phương án chống hạn tại chỗ, tập trung cho công tác cải tạo, sửa chữa, duy tu công trình thủy lợi; đảm bảo nguồn nước phục vụ cho sản xuất, đặc biệt cho vụ đông - xuân 2019-2020. Trong đó, 2 huyện Long Thành, Nhơn Trạch cần triển khai hiệu quả công tác ngăn mặn, hạn chế tình trạng xâm nhập mặn ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp.
P.V (tổng hợp)