Với các doanh nghiệp (DN) quy mô nhỏ trong lĩnh vực sản xuất hàng hóa, khâu bán hàng có vai trò rất quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của DN. Tuy nhiên, để sản phẩm của mình đến gần hơn với người tiêu dùng là một thách thức rất lớn đối với nhiều DN nhỏ.
Với các doanh nghiệp (DN) quy mô nhỏ trong lĩnh vực sản xuất hàng hóa, khâu bán hàng có vai trò rất quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của DN. Tuy nhiên, để sản phẩm của mình đến gần hơn với người tiêu dùng là một thách thức rất lớn đối với nhiều DN nhỏ.
Phân phối hàng vào siêu thị gặp khó, các doanh nghiệp phải tận dụng mọi cơ hội để gặp gỡ, giới thiệu sản phẩm tới từng đại lý. Trong ảnh: Sản phẩm hàng tiêu dùng của một doanh nghiệp thành viên thuộc Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai. Ảnh: V.Gia |
Nhiều giải pháp đã được đưa ra như: bán hàng truyền thống, bán hàng qua thương mại điện tử, DN đẩy mạnh mua hàng hóa của nhau... đã được thực hiện.
* Gặp khó ở khâu phân phối
Qua khảo sát ở hầu hết các DN trên địa bàn Đồng Nai, đầu ra cho sản phẩm hiện đang là khâu gặp nhiều khó khăn. Thực tế hiện nay, mối quan hệ giữa cung - cầu hàng hóa chưa bình đẳng. Nguyên nhân chính một phần nằm ở chỗ thị trường có quá nhiều nhà sản xuất hàng hóa ở dạng nhỏ lẻ, với năng lực tổ chức sản xuất và cung ứng có hạn. Trong khi đó, hệ thống phân phối kinh doanh theo chuỗi vẫn chưa phát triển đúng tầm nên trong quan hệ, các nhà phân phối vẫn ở thế “kèo trên”, tình trạng “xin - cho” vẫn diễn ra khá phổ biến trong việc đưa hàng hóa vào các kênh phân phối lớn, chẳng hạn như siêu thị.
Là DN khởi nghiệp, nước uống tinh khiết mang thương hiệu Solar của Công ty TNHH Sản xuất thương mại Trần Nguyên Phát (P.Long Bình, TP.Biên Hòa) dù đã bước đầu gầy dựng được hình ảnh của mình trên thị trường Biên Hòa song việc nâng cao doanh số bán hàng cũng rất khó khăn. Nguyên do là bởi DN nhỏ, ít vốn, nếu tự xây dựng hệ thống cửa hàng riêng để bán lẻ thì không đủ sức. Ngay cả việc xây dựng được một số đại lý bán hàng, sản phẩm của DN cũng rất ít khi được chủ đại lý sắp xếp ở vị trí bắt mắt so với các thương hiệu lớn. “Tài chính hạn hẹp là nguyên nhân khiến DN nhỏ như chúng tôi, dù đã có thể sản xuất được sản phẩm chất lượng tốt cũng rất khó để gia tăng số lượng hàng hóa bán ra một cách thuận lợi” - chị Nguyễn Trần Bảo Ngọc, đại diện công ty cho hay.
Tương tự, một DN sản xuất nệm gối non trẻ ở P.Tân Hiệp (TP.Biên Hòa) cũng còn chật vật trong khâu bán hàng. Sản phẩm chủ lực của DN này là nệm gối lông vũ, nguồn nguyên liệu được nhập về từ Hàn Quốc nên chất lượng tốt, các sản phẩm khác cũng đều đi theo hướng phân khúc trung, cao cấp. Trong khi đó, thương hiệu mới nên chưa thể một sớm, một chiều cạnh tranh được với các sản phẩm đã có tên tuổi. “Chúng tôi có thể sản xuất hàng số lượng lớn, tuy nhiên dư địa thị trường vẫn chưa đủ để bung ra sản xuất lớn” - chủ DN này chia sẻ.
Hiện nay, việc bán hàng vào các siêu thị, với những DN, HTX trên địa bàn tỉnh chưa đạt hiệu quả như mong đợi. Ông Lê Bạch Long, Giám đốc Công ty TNHH Nam Long (H.Long Thành), chuyên sản xuất găng tay cao su cho hay DN có sản lượng sản xuất, tiêu thụ lớn sản phẩm, tuy nhiên doanh số bán hàng trong siêu thị chỉ chiếm một phần nhỏ và mang tính chất quảng bá thương hiệu. Phần lớn sản phẩm tiêu thụ nội địa của công ty vẫn là ở các chợ truyền thống, đại lý hoặc phân phối trực tiếp đến DN sản xuất thủy sản.
* Tìm cách mở rộng các kênh bán hàng
Để mở rộng khâu phân phối, ngoài những nỗ lực để tìm kênh bán lẻ hiệu quả, hiện nay, các DN vừa và nhỏ còn tạo thành từng nhóm DN thường xuyên hoạt động, trao đổi kinh nghiệm sản xuất cùng nhau. Thông qua đó, các DN giới thiệu sản phẩm và cung ứng dịch vụ cho nhau ngay tại các hội nghị, hội thảo.
Anh Trần Nhân Giáp, Giám đốc Công ty TNHH Thiết kế xây dựng kiến trúc nội thất truyền thông Gold Home (P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) cho hay anh đã tham gia vào Tổ chức Kết nối thương mại (BNI) Biên Hòa, một tổ chức kết nối DN vừa và nhỏ nhằm nâng cao doanh số kinh doanh của các công ty. “Phần lớn lượng khách của công ty hiện có là được giới thiệu từ thành viên BNI nên tạo dựng được uy tín. Các sản phẩm nội thất chúng tôi cung cấp, các dự án thiết kế thông qua đây được hàng trăm khách hàng tiềm năng tiếp cận” - anh Giáp cho hay.
Việc mua hàng chéo của nhau cũng được Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai hưởng ứng. Chị Nguyễn Thị Kim Tuyến, Giám đốc Công ty TNHH MTV bao bì Ngọc Thanh Phước (Khu công nghiệp Hố Nai) cho hay mỗi năm DN này sản xuất hàng ngàn tấn sản phẩm bao bì các loại như: túi đựng tủ lạnh, quần áo, linh kiện điện tử, màng nhà kính... có thể cung cấp số lượng lớn cho thành viên trong Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai với giá ưu đãi. Thay vì đưa sản phẩm đến các nơi khác thì tận dụng cơ hội hợp tác giữa các thành viên trong Hội vừa tiêu thụ được hàng hóa lại vừa hỗ trợ nhau cùng phát triển.
Theo ông Đặng Văn Ðiềm, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai, lợi ích rõ ràng từ việc hợp tác được chính các DN thừa nhận và nó đóng góp một phần quan trọng vào việc giảm chi phí, gia tăng lợi nhuận hoặc doanh thu cho các bên. DN không chỉ tìm kiếm đối tác mới, mà còn cần hướng đến xây dựng mối quan hệ làm ăn lâu dài, ổn định, chú trọng tạo dựng lòng tin ở nhau.
Để giúp các DN gia tăng bán hàng, Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai cho biết sẽ kêu gọi và sẵn sàng làm cầu nối để các DN có nhu cầu sử dụng những mặt hàng của nhau có thể hợp tác, vừa phát triển sản xuất kinh doanh của từng DN vừa tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa các thành viên. Đây cũng là một trong những giải pháp để tạo động lực cho sự phát triển của cộng đồng DN trên địa bàn tỉnh. |
Văn Gia