Tình trạng "giải cứu" nông sản không ngừng tái diễn trong suốt thời gian qua có nguyên nhân của sự yếu kém về công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch nông sản.
Tình trạng “giải cứu” nông sản không ngừng tái diễn trong suốt thời gian qua có nguyên nhân của sự yếu kém về công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch nông sản.
Chế biến trái cây sấy tại Công ty CP Quỳnh Anh (H.Định Quán). Ảnh: L.Quyên |
[links()]Theo Bộ trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, sự yếu kém của công nghệ bảo quản sau thu hoạch đang khiến nước ta mất hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm.
Phát triển ngành công nghiệp chế biến sâu là hướng đi quan trọng để nông sản Việt Nam hướng đến thị trường toàn cầu; giúp gia tăng giá trị và góp phần giải quyết tình trạng “được mùa rớt giá”.
* Lo khủng hoảng đầu ra
Từ đầu năm đến nay, nhiều mặt hàng trái cây tươi như: thanh long, dưa hấu, xoài… “kêu cứu” vì xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc bị đình đốn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Bộ NN-PTNT dự báo, diễn biến phức tạp, khó lường của dịch Covid-19 sẽ tác động tiêu cực đến thương mại nông lâm thủy sản của Việt Nam và Trung Quốc cũng như nhiều thị trường khác.
Bộ trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định, đầu tư công nghiệp chế biến và thúc đẩy cơ giới hóa trong nông nghiệp là yếu tố căn bản góp phần nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững cho nông sản. Trong đó chú trọng phát triển các cụm liên kết sản xuất - chế biến tại các địa phương, các vùng có lượng nông sản lớn, thuận lợi giao thông, lao động, logistics, có tiềm năng trở thành động lực tăng trưởng cho cả khu vực. Ngoài ra, cần chọn được các doanh nghiệp “đầu tàu” có đủ năng lực về vốn, khoa học công nghệ và thị trường để dẫn dắt chuỗi giá trị vận hành một cách thông suốt, hiệu quả. |
Ông Lại Hồng Chí, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp cây ăn trái Đồi Sabi (xã Xuân Bắc, H.Xuân Lộc) cho biết, cả tháng qua, giá xoài Đài Loan bán tại vườn chỉ có 6 ngàn đồng/kg, thấp hơn nhiều so với mức 25-30 ngàn đồng/kg khi xuất khẩu tốt. Giá rớt nhưng loại trái cây này vẫn khó tiêu thụ vì chủ yếu chỉ xuất khẩu đi Trung Quốc.
Ông Chí lo lắng: “Ngay tại thị trường nội địa, trái xoài cũng chịu áp lực cạnh tranh rất lớn vì xoài keo ở Campuchia cũng không xuất được đi Trung Quốc nên ồ ạt nhập về Việt Nam với giá rất rẻ. Hiện xoài vẫn chưa vào chính vụ nhưng đã gặp cảnh tồn hàng, rớt giá thì không biết ra sao khi rộ vụ thu hoạch”.
So với nhiều mặt hàng trái cây tươi xuất khẩu khác, trái chuối già giống cấy mô vẫn có đầu ra khi Trung Quốc ưu tiên nhập khẩu mặt hàng này. Theo đó, giá chuối già xuất khẩu tuy có thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn có mức giá người trồng đạt lợi nhuận tốt là từ 12-14 ngàn đồng/kg. Ông Vy Đức Hiền, Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng và tiêu thụ chuối xuất khẩu Tân Thành (xã Thanh Bình, H.Trảng Bom) không khỏi lo ngại: “Từ sau Tết Nguyên đán 2020 đến nay, xuất khẩu chuối chậm hơn nhiều so với mọi năm. Với tình hình dịch bệnh đang không ngừng lan nhanh như hiện nay, rủi ro về đầu ra của mặt hàng trái cây tươi này cũng không nhỏ”.
Phơi hạt ca cao sau khi sơ chế tại Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức (H. Định Quán) Ảnh: BÌNH NGUYÊN |
Theo Phó giám đốc Sở Công thương Lê Văn Lộc, dịch Covid-19 đang ảnh hưởng rất lớn đến tình hình kinh tế. Nhiều nông sản có thị trường xuất khẩu chính là Trung Quốc như: xoài, thanh long, dưa hấu... đã xảy ra tình trạng bị ùn ứ, rớt giá. Đồng Nai cũng có nhiều mặt hàng trái cây chủ yếu xuất đi Trung Quốc như: xoài, chuối... Đây là bài toán khó về đầu ra. Sở Công thương, Sở NN-PTNT và các địa phương phải ngồi lại đánh giá, rà soát về sản lượng những nông sản chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc để có giải pháp ứng phó trong thời gian sắp tới.
* Thu hút đầu tư bảo quản, chế biến
Bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó giám đốc Sở Công thương TP.Hồ Chí Minh chia sẻ, khi gặp khó khăn về xuất khẩu, các địa phương trông chờ vào thị trường tiêu thụ nội địa lớn nhất là TP.HCM. Nhưng thực tế, cán cân cung - cầu ở thị trường này đã cân bằng, các loại trái cây tươi lại không phải là mặt hàng thiết yếu nên rất khó tăng thêm lượng tiêu thụ so với nhu cầu hiện có. Bà Trang góp ý: “Sau hàng loạt nông sản “kêu cứu” là bài học để nông dân quyết tâm chuyển sang sản xuất an toàn đạt chuẩn xuất khẩu vào những thị trường khó tính khác ngoài Trung Quốc. Mặt khác, đầu tư cho bảo quản, chế biến cũng góp phần giảm bớt áp lực đầu ra cho rau củ, trái cây tươi”.
Theo Bộ trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, 10 năm trở lại đây, công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản của Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể với tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng đạt từ 5-7%. Hiện nay, tại nhiều địa phương đã hình thành và phát triển hệ thống công nghiệp chế biến nông sản có công suất thiết kế đảm bảo chế biến khoảng 1,2 triệu tấn nguyên liệu nông sản/năm, có trên 7,5 ngàn doanh nghiệp gắn với xuất khẩu. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 145 doanh nghiệp chế biến nông sản và phần lớn có quy mô vừa và nhỏ. Nhiều nhà máy chế biến hoạt động không hết công suất do tính chất mùa vụ. So với tổng sản lượng 25 triệu tấn rau, quả tươi/năm thì sản phẩm chế biến còn quá thấp.
Mô hình trình diễn đóng gói, bảo quản rau củ tự động của doanh nghiệp tại triển lãm và hội nghị quốc tế về công nghệ sản xuất và chế biến rau, hoa, quả (HortEx Vietnam) vừa diễn ra tại TP.HCM |
Cùng quan điểm, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho rằng công nghiệp chế biến đã góp phần tăng sản lượng xuất khẩu nông sản Việt Nam. Trong đó, thủy sản đang là ngành phát triển nhanh nhất. Nhưng đa số nông lâm sản xuất khẩu vẫn dưới dạng sơ chế thô nên giá trị gia tăng ở mức thấp.
* Nhìn ra cơ hội trong khó khăn
Theo nhiều doanh nghiệp, hiện có những thuận lợi khi đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản vì Nhà nước, Chính phủ rất quan tâm và có nhiều chính sách ưu đãi cho lĩnh vực này. Doanh nghiệp đến các tỉnh đầu tư đều được chính quyền các địa phương tạo mọi điều kiện để phát triển. Gần đây, nhiều hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và các nước được ký kết mở ra cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu cũng như khuyến khích đầu tư chế biến nông sản.
GS-TS.Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam góp ý, việc tiếp tục thu hút doanh nghiệp mở rộng đầu tư vào ngành chế biến nông sản là hết sức cần thiết nhưng cũng cần lưu ý là làm sao để các nhà máy hoạt động hiệu quả trong bối cảnh nền sản xuất nhỏ, phân tán. Theo đó, các nhà máy chế biến phải ở ngay tại vùng nguyên liệu để tiết kiệm chi phí. Nhà nước cũng phải định hướng để doanh nghiệp chọn lọc đầu tư vào các mặt hàng có lợi thế, nghĩa là sản phẩm vừa có thị trường, vừa đảm bảo về mặt thời vụ kéo dài chứ không chỉ thu hoạch tập trung vào một giai đoạn ngắn trong năm khiến chi phí duy trì, khấu hao máy móc quá cao. Việc đầu tư nhà xưởng sơ chế, bảo quản cũng cần được quan tâm để đảm bảo nguồn nguyên liệu cho chế biến.
Bình Nguyên