Thị trường trong nước chính là bệ phóng cho sản phẩm Việt Nam trước khi chinh phục thị trường thế giới. Trừ một vài lĩnh vực đặc thù, bước đi của hầu hết các tên tuổi đã thành công của Việt Nam trước hết là đứng vững ở thị trường nội địa.
Thị trường trong nước chính là bệ phóng cho sản phẩm Việt Nam trước khi chinh phục thị trường thế giới. Trừ một vài lĩnh vực đặc thù, bước đi của hầu hết các tên tuổi đã thành công của Việt Nam trước hết là đứng vững ở thị trường nội địa.
Tham gia các hội chợ, tuần hàng Việt Nam chất lượng cao… là một trong những giải pháp để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Ảnh: VĂN GIA |
[links()]Tại Đồng Nai, những năm gần đây, các doanh nghiệp (DN) nội cũng đang có xu hướng xây dựng thương hiệu, củng cố niềm tin của người dùng để phát triển.
* Tăng niềm tin của người mua
Qua khảo sát tại nhiều DN, các nhà sản xuất cho rằng về chất lượng, sản phẩm nội nói chung không thua sản phẩm ngoại quá nhiều, thậm chí có những mặt hàng hơn về chất lượng. Tuy nhiên cái khó là mức độ phổ biến, độ phủ về thương hiệu trong nhận thức của người tiêu dùng thì thua kém hơn hẳn. Điều này một phần do năng lực sản xuất hàng loạt của DN chưa đủ, mặt khác, tâm lý sính ngoại của một bộ phận người tiêu dùng vẫn còn là rào cản đối với nhiều DN nhỏ và vừa.
Trong khi đó, DN ngoại có lợi thế vốn mạnh, trước khi tham gia vào thị trường Việt Nam, họ đã khảo sát nhu cầu người tiêu dùng, đồng thời có nhiều phương thức để quảng bá sản phẩm, từ truyền thông đến quảng cáo trực tuyến, quảng cáo truyền thống… Bên cạnh đó, hàng ngoại được tiếp sức trực tiếp bởi hệ thống phân phối ngoại từ khâu trưng bày, chi phí chiết khấu và cả chiến dịch tiếp cận khách hàng.
Muốn vượt qua khó khăn, đòi hỏi DN Việt phải tìm mọi cách, hợp tác với nhau để có thể tăng độ nhận diện thương hiệu, mở rộng hệ thống phân phối hàng hóa. Các DN cũng cho rằng Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ cho hệ thống bán lẻ nội địa phát triển, tránh tình trạng các địa phương chỉ ưu tiên vị trí mặt bằng thuận lợi cho hệ thống phân phối ngoại, gây thêm khó khăn cho hàng Việt.
Để góp phần hỗ trợ DN, những năm qua, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được coi là “bệ đỡ” để đưa hàng Việt đến gần với người tiêu dùng hơn. Chỉ riêng năm 2019, Trung tâm Xúc tiến thương mại Đồng Nai (Sở Công thương) cũng tổ chức được 7 chuyến xúc tiến thương mại đến các địa phương trên cả nước và 2 chuyến tại Đức và Nhật Bản với khoảng 40 DN, HTX trên địa bàn tỉnh tham gia.
Những nỗ lực đó góp phần thúc đẩy người tiêu dùng lựa chọn hàng Việt, tuy nhiên điều quan trọng là DN phải vừa hạ được giá thành, vừa nâng cao chất lượng sản phẩm thì mới có thể cạnh tranh sòng phẳng với các hàng ngoại nhập vốn có thương hiệu.
* Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm
Muốn củng cố được niềm tin của người tiêu dùng, điều tất yếu phải xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm. Đây là công việc không dễ dàng gì đối với bất cứ một DN, đơn vị sản xuất nào.
Với thương hiệu nấm linh chi Minh Dũng ở TP.Long Khánh, DN này hiện có gần 20 đại lý trên toàn quốc. Tuy nhiên, do chưa có sự bảo đảm về doanh số nên các đại lý vẫn hoạt động chưa hiệu quả vì còn khó khăn về vốn, dẫn tới việc các đại lý không duy trì dòng sản phẩm thường xuyên để phục vụ khách hàng.
Dành một thời gian dài để nghiên cứu sản xuất nhiều sản phẩm nấm linh chi đa dạng theo nhu cầu sử dụng khác nhau của người dùng, điều mà ông Nguyễn Văn Tuệ, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại và dịch vụ linh chi Minh Dũng luôn theo đuổi là việc xây dựng thương hiệu trong mắt người tiêu dùng. Hiện ông đang hoàn thành các thủ tục đăng ký thương hiệu độc quyền, công bố chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, giấy chứng nhận bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cho các dòng sản phẩm của mình.
Thương hiệu Găng tay cao su Nam Long (H.Long Thành) hiện đã là một trong những thương hiệu lớn trong ngành sản xuất găng tay cao su với khoảng 30 triệu đôi mỗi năm và phân chia thị trường 50/50 cho nội địa cũng như xuất khẩu. Câu chuyện xây dựng thương hiệu cho sản phẩm có rất nhiều thăng trầm. Sau nhiều nỗ lực, Nam Long cũng cung cấp sản phẩm của mình cho hàng loạt DN thủy sản ở các tỉnh miền Tây Nam bộ. Chưa dừng lại ở đó, Nam Long trong 9 năm liền đều đạt danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao, coi đây là thước đo sự tín nhiệm, tin tưởng của người tiêu dùng Việt Nam với sản phẩm.
“Chúng tôi đặt ra 3 tiêu chí cơ bản và buộc mình phải làm được là: chất lượng sản phẩm phải đảm bảo; mẫu mã đa dạng, tiện lợi, đẹp để khách hàng có nhiều sự lựa chọn; giá sản phẩm cạnh tranh so với hàng nhập khẩu từ các nước về. Làm được điều này Nam Long đã góp phần giúp thị trường găng tay cao su Việt Nam bớt lệ thuộc vào hàng nhập khẩu. Đó cũng là bệ phóng thương hiệu đưa sản phẩm của chúng tôi có mặt ở hơn 10 nước trên thế giới” - ông Lê Bạch Long, Giám đốc Công ty TNHH Nam Long khẳng định.
Tương tự, thương hiệu Sữa bò Long Thành của Công ty CP Lothamilk đã có vị trí hàng đầu về sữa tươi nguyên chất tại thị trường miền Nam và Nam Trung bộ. Trung bình mỗi tháng, DN này cung cấp cho thị trường hơn 1,5 ngàn tấn sữa thành phẩm các loại.
Theo lãnh đạo DN này, đơn vị phát triển thêm nhiều kênh tiêu thụ khác nhau như: siêu thị, các cửa hàng tiện lợi, bách hóa tổng hợp. Đồng thời xây dựng được hơn 10 trạm dừng chân, kết nối được với gần 20 hệ thống siêu thị, hơn 50 nhà phân phối và hơn 500 điểm bán lẻ khắp cả nước. Mục tiêu trong vài năm tới là đưa Sữa bò Long Thành vào tốp 5 công ty về sữa bò tươi nguyên chất, các sản phẩm liên quan đến sữa bò hàng đầu tại thị trường Việt Nam.
Văn Gia