Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc "4.0 thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản, cơ giới hóa nông nghiệp", Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề ra mục tiêu đến năm 2030, ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ trở thành trung tâm chế biến sâu và logistics nông sản toàn cầu, đứng trong tốp 10 nước hàng đầu thế giới về chế biến.
Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc “4.0 thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản, cơ giới hóa nông nghiệp”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề ra mục tiêu đến năm 2030, ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ trở thành trung tâm chế biến sâu và logistics nông sản toàn cầu, đứng trong tốp 10 nước hàng đầu thế giới về chế biến.
Chế biến gà xuất khẩu tại Công ty TNHH Koyu & Unitek (Khu công nghiệp Long Bình, TP.Biên Hòa) Ảnh: Lê Quyên |
[links()]Trong đó, chính sách phải thực sự là “cú đấm thép” để tháo gỡ vướng mắc, phát triển công nghiệp chế biến nông sản cũng như đẩy mạnh cơ giới hóa trong nông nghiệp.
* Đưa chính sách vào thực tế
Theo doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản, việc hướng dẫn doanh nghiệp trong tìm hiểu chính sách, làm hồ sơ thủ tục để tiếp cận những ưu đãi về chính sách chưa thực sự được quan tâm. Doanh nghiệp rất mong có được sự đồng hành của Nhà nước trong việc xây dựng vùng nguyên liệu cho chế biến. |
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, nông nghiệp Việt Nam còn rất giàu tiềm năng phát triển nếu khắc phục được những hạn chế như: thất thoát trong nông nghiệp vẫn còn cao do yếu trong khâu thu hoạch, bảo quản; cơ giới hóa còn thấp… Tuy thời gian qua, lĩnh vực nông nghiệp đã có nhiều chính sách được ban hành, nhưng chưa tập trung. Thủ tướng giao cho Bộ NN-PTNT chủ trì cùng với các bộ, ngành nghiên cứu, soạn thảo, trình Thủ tướng chỉ thị về chiến lược phát triển công nghiệp chế biến, cơ giới hóa nông nghiệp đến năm 2030 cũng như các nghị định về chính sách cho công nghiệp chế biến và cơ giới hóa trong nông nghiệp…
Ngoài ra, cần tạo được sự đồng bộ trong chính sách về đất đai, tín dụng, khoa học - công nghệ, thị trường… để gỡ dần những nút thắt của ngành nông nghiệp hiện nay như: nông sản xuất khẩu chủ yếu là sản phẩm thô hoặc chỉ qua khâu sơ chế vì chế biến sâu chưa phát triển; chất lượng vùng nguyên liệu chưa đáp ứng được yêu cầu cho cả thị trường xuất khẩu và cho ngành chế biến; thương hiệu nông sản còn yếu và thiếu…
* Cần sự chủ động của địa phương
Để các chính sách đi vào thực tế, sự chủ động, linh hoạt trong vận dụng chính sách của chính quyền địa phương cũng có ý nghĩa quyết định. Đồng Nai không thiếu những vùng nguyên liệu nông sản có quy mô lớn để phát triển ngành chế biến. Nhưng thực tế, ngành chế biến nông sản, thực phẩm của tỉnh vẫn chưa xứng với tiềm năng.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh nhấn mạnh, năm 2020, Đồng Nai sẽ tập trung cho nhiệm vụ phát triển công nghiệp trong nông nghiệp. Trong đó, tỉnh đặc biệt ưu tiên phát triển ngành chế biến nông sản, thực phẩm để nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản, phát triển nông nghiệp bền vững. Trước mắt, Đồng Nai sẽ triển khai thí điểm 2 cụm công nghiệp chế biến nông sản là Cụm công nghiệp Phú Túc (huyện Định Quán) và Cụm công nghiệp Long Giao (huyện Cẩm Mỹ). Ngoài ra, các địa phương có vùng nguyên liệu nông sản lớn cũng đang tập trung rà soát lại tình hình hoạt động của các cụm công nghiệp trên địa bàn, ưu tiên quỹ đất thu hút doanh nghiệp chế biến nông sản. |
Chỉ ra những khó khăn trong đầu tư, ông Hồ Quốc Thái, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Công nghệ thực phẩm Lương Gia
(TP.Long Khánh) chia sẻ: “Chúng tôi đầu tư 2 nhà máy chế biến nông sản ở TP.Long Khánh và H.Nhơn Trạch nên cần vốn đầu tư lớn nhưng rất khó tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Những chính sách hỗ trợ khác của Nhà nước không thiếu và rất tốt nhưng vẫn chưa đi vào thực tế”.
Báo cáo của Sở Kế hoạch - đầu tư cho thấy, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị định 210 năm 2013, Đồng Nai đã ban hành các chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Theo đó, có 12 quyết định hỗ trợ đầu tư đã được ban hành với tổng kinh phí hỗ trợ gần 34 tỷ đồng và 25ha đất miễn tiền thuê đất trong 11 năm. Giai đoạn 2013-2018, nguồn vốn hỗ trợ theo chính sách mới giải ngân được trên 21 tỷ đồng. Những con số trên được đánh giá là quá ít so với nhu cầu của doanh nghiệp và tiềm năng phát triển nông nghiệp của địa phương
Đến năm 2018, Nghị định số 57 của Chính phủ đã có nhiều quy định đặc thù nhằm thu hút tối đa doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Nhưng sau hơn 1 năm triển khai, vẫn còn những lúng túng đối với cả địa phương lẫn doanh nghiệp khi thực hiện chính sách này.
Theo phản ảnh của các doanh nghiệp đang đầu tư hoặc có kế hoạch đầu tư sản xuất nông nghiệp với quy mô lớn tại Đồng Nai, họ đều gặp khó khăn chung là thiếu quỹ đất. Có những vùng quy hoạch chăn nuôi, trồng trọt tập trung có giá thuê và mua đất nông nghiệp lại quá cao tạo nên rào cản không nhỏ. Ngoài ra, tình trạng sản xuất chạy theo phong trào của nông dân cũng là rào cản cho doanh nghiệp muốn đầu tư vào ngành chế biến. Theo các doanh nghiệp, chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho ngành nông nghiệp tuy không thiếu nhưng thường vẫn còn độ chênh khi áp dụng vào thực tế nên hiệu quả chưa được như mong muốn. Trong đó, vấn đề thủ tục hành chính còn phức tạp, nhiêu khê cũng khiến doanh nghiệp còn e dè khi tiếp cận.
Thừa nhận những hạn chế trong việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp tại Đồng Nai, Phó giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư Nguyễn Hữu Nguyên cho hay, Sở đang hoàn thiện danh mục các dự án đầu tư vào nông nghiệp trên địa bàn tỉnh để kêu gọi doanh nghiệp đầu tư. Bên cạnh đó, những vướng mắc khác trong quá trình triển khai Nghị định 57 của Chính phủ cũng sẽ được tổng hợp, báo cáo tỉnh sớm có các giải pháp phù hợp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp dễ tiếp cận hơn những chính sách ưu đãi của Nhà nước.
Văn Gia - Lê Quyên