Báo Đồng Nai điện tử
En

Ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19: Kinh tế chịu nhiều thiệt hại

03:03, 02/03/2020

Hiện nay, kinh tế ở Đồng Nai và các tỉnh, thành trong cả nước đã bắt đầu chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19. Các doanh nghiệp đều đang phải đối mặt với suy giảm về sản xuất, kinh doanh...

Hiện nay, kinh tế ở Đồng Nai cũng như các tỉnh, thành trong cả nước đã bắt đầu chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh Covid-19. Trên các lĩnh vực như: sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu, du lịch, vận tải, dịch vụ, bán lẻ… các doanh nghiệp (DN) đều đang phải đối mặt với suy giảm về sản xuất, kinh doanh.

Công ty cổ phần giày dép  cao su màu (TP.Biên Hòa) là một trong những doanh nghiệp đang lo lắng sẽ bị thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu nếu dịch Covid-19 kéo dài. Ảnh: H.Giang
Công ty cổ phần giày dép cao su màu (TP.Biên Hòa) là một trong những doanh nghiệp đang lo lắng sẽ bị thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu nếu dịch Covid-19 kéo dài. Ảnh: H.Giang

Mới đây, Bộ Kế hoạch - đầu tư đã có kịch bản đánh giá về ảnh hưởng của dịch Covid-19 với kinh tế Việt Nam để Chính phủ kịp thời đưa ra các giải pháp tháo gỡ. Cụ thể, nếu dịch kết thúc cuối quý I-2020, ước kim ngạch xuất khẩu giảm 8,3%, nhập khẩu giảm 3,2% so với cùng kỳ năm trước, ngành du lịch thiệt hại 2,3 tỷ USD.

* Gánh nặng “đè” lên nhiều ngành công nghiệp

Theo Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh, 3 ngành sản xuất chủ lực của Việt Nam là giày dép, dệt may và điện tử có nguyên liệu chỉ đủ sản xuất đến tháng 3, trong khi chưa tìm được những nơi cung ứng thay thế khác sẽ là khó khăn lớn với DN. Dịch bệnh Covid-19 diễn ra ở Trung Quốc, Hàn Quốc đều là đối tác cung ứng sản phẩm đầu vào quan trọng của Việt Nam và toàn cầu nên nguy cơ sẽ ảnh hưởng chung tới cả kinh tế thế giới.

Nhiều DN trên địa bàn Đồng Nai đang có chung lo lắng là nếu dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và chưa có giải pháp hữu hiệu để khống chế thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nguồn cung nguyên liệu đầu vào cho sản xuất công nghiệp trong thời gian tới. Bởi Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản là 3 thị trường nhập khẩu nguyên phụ liệu, máy móc, thiết bị lớn của Đồng Nai.

Đơn cử như ngành dệt may, giày dép, xơ sợi dệt, điện tử, cơ khí... đang phải nhập khẩu nguyên liệu từ 3 nước trên khoảng 60-70%. Thậm chí, những sản phẩm thô đầu vào cho ngành công nghiệp hỗ trợ cũng nhập từ những nước này, vì thế sản xuất công nghiệp đang phải gấp rút tìm nguồn nguyên liệu thay thế.

Ông Châu Minh Nguyện, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đồng Nai cho biết: “Hiện một số DN đã bắt đầu cắt giảm bớt sản xuất vì gần hết nguyên liệu đầu vào. Nếu tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến theo chiều hướng xấu thêm 1-2 tháng nữa, nhiều DN buộc phải tạm dừng sản xuất vì không có nguyên liệu. Theo đó, xuất khẩu sẽ giảm mạnh”. Cũng theo ông Nguyện, muốn tìm nguồn nguyên liệu cùng loại từ các nước khác thời điểm này không dễ, bởi trong một thời gian ngắn đặt hàng với số lượng lớn thì khó đáp ứng nổi. Bên cạnh đó, giá nguyên liệu từ những nước khác thường cao hơn so với nhập từ Trung Quốc, Hàn Quốc, dẫn đến giá thành tăng, gây bất lợi cho xuất khẩu.

Ông Lê Bạch Long, Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai, Giám đốc Công ty TNHH Nam Long chia sẻ: “Nhiều DN đang loay hoay tìm nguồn nguyên liệu để thay thế nhưng chưa có, còn nếu có thì giá khá cao nên phải tính toán lại giá thành sản xuất và có điều chỉnh kế hoạch cho phù hợp.  Đây là cơn sóng lớn mà DN bắt buộc phải vượt qua mới tồn tại được”.

Đồng Nai hiện có 5 mặt hàng xuất khẩu chủ lực đang chiếm hơn 70% tổng kim ngạch xuất khẩu, nhưng tỷ lệ nhập nguyên liệu từ Trung Quốc, Hàn Quốc ở nhóm mặt hàng chủ lực này đang rất cao, do đó nếu 2 quốc gia trên tiếp tục đình trệ sản xuất thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều DN Đồng Nai.

Ông Phan Văn Dân, Trưởng phòng Kế hoạch - tài chính - tổng hợp Sở Công thương nhận xét: “DN Đồng Nai đang nhập rất nhiều vải, sợi, da giày, chất dẻo, hóa chất, sắt thép từ Trung Quốc, Hàn Quốc nhưng dịch bệnh đã làm nguồn cung gián đoạn. Do đó, nhiều DN sẽ thiếu nguyên liệu sản xuất trong cuối quý I và quý II-2020”.

Lượng khách đến mua sắm tại Co.opmart Biên Hòa giảm và chủ yếu mua thực phẩm. Ảnh: KHÁNH MINH
Lượng khách đến mua sắm tại Co.opmart Biên Hòa giảm và chủ yếu mua thực phẩm. Ảnh: KHÁNH MINH

Ngoài ra, các DN cũng lo việc phòng, chống dịch ngay tại công ty vì hiện nguồn cung khẩu trang, nước sát trùng để phun xịt nơi sản xuất, kho hàng khan hiếm. DN phải vất vả tìm kiếm tại nhiều tỉnh, thành mới mua được, nhưng số lượng không đủ phục vụ cho việc sát trùng để phòng dịch.

* Du lịch thiệt hại lớn

Ông Phạm Thế Linh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thế Linh (TP.Biên Hòa) cho biết: “Dịch bệnh kéo dài thêm 1-2 tháng nữa sẽ ảnh hưởng khá lớn đến sản xuất của công ty, bởi nguồn nguyên liệu vải nhập từ Hàn Quốc về sẽ rất khó khăn. Hiện công ty đang tìm thêm nguồn nguyên liệu từ các nước khác để bù lại nhưng không dễ dàng”.

Theo Sở VH-TTDL, tổng lượt khách đến tham quan, vui chơi giải trí và lưu trú tại các khu du lịch trên địa bàn tỉnh trong tháng 2-2020 đạt 285 ngàn lượt, giảm hơn 45% so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, doanh thu dịch vụ du lịch chỉ đạt 116 tỷ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ.

Ông Nguyễn Văn Khiêm, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư du lịch công viên Suối Mơ (H.Tân Phú) cho hay: “Từ khi xuất hiện dịch Covid-19, lượng khách đến Công viên Suối Mơ giảm hẳn. Đây là khó khăn chung của các khu du lịch trong tỉnh cũng như cả nước. Hiện Suối Mơ đang tìm mọi cách kích cầu để người dân an tâm tiếp tục đến vui chơi, nghỉ dưỡng”.

Du lịch bị sụt giảm lượng khách, kéo theo các cơ sở lưu trú, nhà hàng cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Qua khảo sát, lượng khách đến nghỉ tại các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh giảm từ 30-50% so với cùng kỳ năm trước.

Giám đốc Sở VH-TTDL Lê Kim Bằng đánh giá: “Tình hình diễn biến dịch bệnh vẫn còn phức tạp, lĩnh vực du lịch của tỉnh tiếp tục bị ảnh hưởng trong những tháng tiếp theo. Do đó, các khu, điểm du lịch trong tỉnh nên làm tốt công tác phòng, chống dịch và có những chương trình quảng bá để thu hút du khách an tâm đến vui chơi, nghỉ dưỡng”.

Theo dự báo, ở tình huống xấu, dịch Covid-19 có thể kéo dài đến cuối quý II-2020, ngành du lịch Việt Nam có thể thiệt hại lên đến 5 tỷ USD. Tăng trưởng kinh tế của cả nước sẽ chậm lại.

* Vận tải, thương mại sụt giảm

Sản xuất công nghiệp khó khăn, khách du lịch sụt giảm cũng khiến cho vận tải hành khách, hàng hóa bị ảnh hưởng dây chuyền. Phần lớn các công ty vận tải đều khẳng định, lượng hàng hóa, hành khách đi lại giảm từ 20-40%. Do đó, số lượng xe phải “nằm bãi” của DN khá lớn, mất thêm chi phí thuê bãi để xe, công nhân phải cho tạm nghỉ việc nhưng vẫn phải trả lương để “giữ chân” họ.

Ông Trần Văn Danh, Chi hội trưởng Chi hội Vận tải hàng hóa và logistics Đồng Nai, Giám đốc Công ty TNHH Lục Phát cho hay: “Chi hội có gần 20 DN là thành viên hoạt động trên lĩnh vực vận tải. Dịch bệnh Covid-19 đã khiến nhiều DN phải chống đỡ với việc đơn hàng sụt giảm mạnh. Đặc biệt là những DN kinh doanh lĩnh vực vận chuyển hành khách gặp trở ngại lớn, vì các công ty du lịch giảm tour 70-90%, người dân hạn chế đi lại... Có DN số xe không hoạt động lên đến
40-50%”.

Với lĩnh vực thương mại tuy  chưa chịu ảnh hưởng lớn nhưng, doanh thu đã bắt đầu sụt giảm, do người dân ngại đến những nơi đông đúc để mua sắm hàng hóa tiêu dùng.

“Khoảng 90% hàng hóa ở Co.opmart Biên Hòa là hàng Việt nên trước mắt chưa lo thiếu sản phẩm để bán, chỉ có một số mặt hàng điện máy nhập khẩu từ Trung Quốc thì giá tăng và nguồn cung hạn chế. Hiện hàng hóa thiết yếu tại siêu thị vẫn dồi dào, giá ít biến động, nhưng lượng khách đến mua sụt giảm. Khách hàng thường chọn đặt mua những mặt hàng thiết yếu qua kênh bán hàng trực tuyến thay vì đến trực tiếp siêu thị” - ông Trang Phúc, Tổ trưởng Tổ Marketing Co.opmart Biên Hòa nói.

Tuy chưa có tổng hợp đầy đủ, chi tiết về mức độ thiệt hại do Covid-19 gây ra, song tại Đồng Nai trong tháng 2 vừa qua riêng xuất nhập khẩu đã sụt giảm 3-8% so với cùng kỳ năm trước, doanh thu du lịch, vận tải giảm. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp thu nhập của người lao động, lợi nhuận của DN, thu ngân sách...

Ông Nguyễn Công Đoàn, Tổng giám đốc Công ty TNHH Daikan Việt Nam (100% vốn Nhật Bản) ở Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Nguồn nguyên liệu của công ty vẫn đủ hoạt động thêm 1-2 tháng nữa nên rất mong dịch Covid-19 sớm được khống chế để không ảnh hưởng đến sản xuất. Hầu hết các DN phải nhập khẩu nguyên liệu đều lo nơi đối tác cung ứng đầu vào hoặc đầu ra của mình xảy ra dịch bệnh khiến sản xuất bị đình trệ sẽ ảnh hưởng dây chuyền. Công ty lên kế hoạch tìm nguyên liệu, mở rộng thị trường xuất khẩu sang những nước khác nhưng vẫn khó dự báo trước được tình hình”.

Hương Giang

Tin xem nhiều