UBND tỉnh vừa thống nhất sẽ dành 500 tỷ đồng cho dự án Quy hoạch và xây dựng rừng phòng hộ môi trường cảnh quan Biên Hòa, nhằm phát triển du lịch sinh thái và bảo vệ môi trường đô thị.
UBND tỉnh vừa thống nhất sẽ dành 500 tỷ đồng để thực hiện dự án Quy hoạch và xây dựng rừng phòng hộ môi trường cảnh quan Biên Hòa. Mục tiêu là phát triển du lịch sinh thái rừng ngay tại TP.Biên Hòa, góp phần bảo vệ môi trường cho đô thị loại I.
Một góc rừng tại TP.Biên Hòa. Ảnh:H.Giang |
Hiện nay, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp tỉnh (Sở NN-PTNT) đang là đơn vị được giao quản lý rừng phòng hộ Biên Hòa với diện tích hơn 211 ha. Khu rừng này nằm trải dài trên các phường Tân Biên, Trảng Dài, Hố Nai, Tân Hòa (TP.Biên Hòa); xã Hố Nai 3 (H.Trảng Bom) và xã Thiện Tân (H.Vĩnh Cửu).
* Vướng bồi thường tái định cư
Trong dự án Quy hoạch và xây dựng rừng phòng hộ môi trường cảnh quan Biên Hòa có 7 hạng mục chính là: xây dựng rừng sinh cảnh; xây dựng khu sưu tập động thực vật; xây dựng khu hành chính dịch vụ; xây dựng khu tái định cư để di dời các hộ dân ra khỏi khu vực rừng; đầu tư khu nghiên cứu, đào tạo, giáo dục; xây dựng hệ thống đường giao thông xung quanh để phục vụ cho du lịch, nghiên cứu và hạng mục bảo vệ rừng. Dự án đã triển khai được nhiều hạng mục (hơn 70%) hiện chỉ còn “nặng gánh” nhất ở hạng mục bồi thường, tái định cư cho những hộ đang sinh sống trong rừng.
Khu tái định cư gần 6 ha phục vụ cho dự án Quy hoạch và xây dựng rừng phòng hộ môi trường cảnh quan Biên Hòa khi hoàn thành sẽ có 440 lô đất để bố trí di dời các hộ dân trong rừng ra. Tuy nhiên, trong đó chỉ có 250 hộ sẽ được bố trí tái định cư, còn 190 lô tái định cư dư, TP.Biên Hòa có thể bố trí cho những dự án khác. |
Ông Lê Văn Gọi, Phó giám đốc Sở NN-PTNT cho biết: “Qua rà soát, dự án có gần 157 ha rừng với mật độ cây trồng 160-550 cây/ha với hơn 200 loài. Diện tích còn lại 54 ha là đường giao thông, suối và các hộ dân trồng rau, cây ăn trái. Hiện có khoảng 295 hộ đang sử dụng đất rừng trong dự án và sau khi làm việc đã có 198 hộ chấp thuận di dời”.
Dự án được giao cho Trung tâm dịch vụ nông nghiệp tỉnh thực hiện. Dự kiến sau khi hoàn thành việc di dời các hộ dân ra khỏi rừng sẽ tiến hành làm một số đường giao thông xung quanh là có thể đưa vào khai thác du lịch.
Một số công ty lữ hành trong và ngoài tỉnh đánh giá, ngay tại TP.Biên Hòa còn giữ được hàng trăm ha rừng là điều kiện rất lý tưởng cho việc phát triển du lịch. Nếu được đầu tư đúng tầm, đây sẽ là khu du lịch sinh thái thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài tỉnh đến vui chơi, giải trí để tận hưởng không khí trong lành. Hiện nhiều nơi trên thế giới làm du lịch rừng rất hiệu quả và họ luôn thực hiện hài hòa 2 tiêu chí quan trọng là bảo tồn phát triển rừng và thu lợi nhuận cao từ rừng.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh lưu ý: “Chủ đầu tư dự án phải phối hợp với các địa phương, thực hiện nhanh việc di dời các hộ dân trong rừng để đầu tư những hạng mục còn lại. Như vậy mới sớm có thể đưa rừng vào khai thác du lịch. Dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt từ năm 2005 đến nay chưa hoàn thành chỉ vì vướng việc bồi thường, tái định cư”.
* Cần số vốn khá lớn
Trong Dự án quy hoạch và xây dựng rừng phòng hộ môi trường cảnh quan Biên Hòa hiện có 250 hộ có nhà ở trong rừng cần được di dời ra khỏi khu vực thực hiện dự án. Theo đó, UBND tỉnh đã quyết định sẽ giao cho TP.Biên Hòa gần 6 ha đất để làm khu tái định cư cho các hộ dân trên.
Nhân viên trung tâm dịch vụ nông nghiệp tỉnh chăm sóc cây giống cho dự án Quy hoạch và xây dựng rừng phòng hộ môi trường cảnh quan Biên Hòa. Ảnh: H.Giang |
Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Huỳnh Tấn Lộc cho biết: “Theo kết quả tính toán ban đầu thì muốn thực hiện bồi thường, thu hồi đất và làm khu tái định cư để di dời người dân trong rừng ra ngoài sinh sống sẽ mất hàng trăm tỷ đồng. Nếu được giao đất sạch sớm, TP.Biên Hòa sẽ thực hiện nhanh khu tái định cư cho các hộ dân trên”.
Nhiều sở, ngành cho rằng, việc bồi thường, tái định cư cho Dự án quy hoạch và xây dựng rừng phòng hộ môi trường cảnh quan Biên Hòa nếu không được đẩy nhanh tiến độ thì trong thời gian tới có thể phát sinh thêm những hộ mới, lấn chiếm, mua bán “giấy tay” đất rừng thì càng khó xử lý hơn.
Phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Nguyễn Tuấn Anh cho biết: “Sở sẽ nhanh chóng hoàn thành thủ tục giao khu đất làm tái định cư cho TP.Biên Hòa trong quý I-2020. Tuy nhiên, muốn làm nhanh việc này, UBND TP.Biên Hòa phải cùng lúc triển khai song song các bước khác như: lập chủ trương đầu tư, đưa khu tái định cư vào quy hoạch sử dụng đất...”.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh, Sở NN-PTNT nên rà soát lại những hộ dân đang sống trong rừng và những hộ đang sử dụng đất lâm nghiệp của dự án thuộc những đối tượng nào. Trường hợp các hộ dân nhận giao khoán đất rừng đã hết hạn thì tiến hành thanh lý hợp đồng, chưa hết hạn hợp đồng thì vận động các hộ giao trả lại đất rừng để làm dự án. Các trường hợp lấn chiếm đất rừng phải xử lý nghiêm. Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên - môi trường nhanh chóng hỗ trợ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho diện tích đất lâm nghiệp trên để dễ quản lý, tránh lấn chiếm.
Hương Giang