Giá đất đai tại Đồng Nai hiện đã tăng từ 1,5-8 lần so với 3-4 năm trước, do đó công tác quản lý đất đai chịu nhiều áp lực hơn. Các huyện, thành phố đều đã giao cho chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn phải trực tiếp chịu trách nhiệm nếu để xảy ra vi phạm về đất đai.
Giá đất đai tại Đồng Nai hiện đã tăng từ 1,5-8 lần so với 3-4 năm trước, do đó công tác quản lý đất đai chịu nhiều áp lực hơn. Các huyện, thành phố đều đã giao cho chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn phải trực tiếp chịu trách nhiệm nếu để xảy ra vi phạm về đất đai.
Một dự án khu dân cư ở phường Tam Phước (TP.Biên Hòa) được rao bán khi chưa đủ thủ tục pháp lý |
[links()]Theo Sở Tài nguyên - môi trường, trong năm 2019, các địa phương đã tiến hành 533 cuộc kiểm tra về đất đai, môi trường, trong đó phần lớn là đất đai, phát hiện hơn 100 trường hợp vi phạm đã tiến hành xử phạt hành chính. Hiện các xã, phường, thị trấn đều căn cứ vào quy hoạch sử dụng đất, xây dựng để quản lý.
* Quản lý theo quy hoạch
Ông Lê Thanh Tuấn, Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh cho hay, những trường hợp vi phạm về đăng ký đất đai lần đầu hoặc không đăng ký biến động đất đai nếu có thường do các địa phương phát hiện xử lý là chính. Phía văn phòng nếu phát hiện sẽ chuyển những vi phạm trên qua cho thanh tra Sở Tài nguyên - môi trường xử lý. Mức phạt cao nhất ở nông thôn là 5 triệu đồng và ở khu vực đô thị là 10 triệu đồng. |
Tại những khu vực có đông dân cư của Đồng Nai như: TP.Biên Hòa, các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom và Vĩnh Cửu (khu vực gần TP.Biên Hòa), tình trạng biến động đất đai diễn ra thường xuyên. Hình thức vi phạm về đất đai phức tạp gồm: không đăng ký cấp sổ, không đăng ký biến động, lấn chiếm, nhận chuyển nhượng khi chưa đủ điều kiện, sử dụng sai mục đích... Theo Nghị định 91 mới ban hành, có hơn 30 kiểu vi phạm về đất được liệt kê và xử phạt hành chính.
Ông Võ Cao Cường, Chủ tịch UBND phường Tam Phước (TP.Biên Hòa) cho biết: “Địa bàn phường Tam Phước rộng, đông dân cư, do đó công tác quản lý đất đai, xây dựng rất vất vả. Phường dựa theo quy hoạch sử dụng đất để quản lý, trường hợp phát hiện ra vi phạm sẽ dựa vào quy định để xử phạt. Hiện phường đang căn cứ vào Nghị định 91 xử lý một số trường hợp sai phạm về đất đai”.
Ông Quản Hoàng Huynh, cán bộ địa chính xã Long Đức (huyện Long Thành) chia sẻ: “Diện tích của xã hơn 3.043 hécta, nằm trải dài từ đầu đến cuối xã gần 10km, vì vậy việc quản lý tất cả biến động, vi phạm về đất đai rất khó khăn. Xã Long Đức nằm gần dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đất đai rất có giá, chỉ lơ là một chút sẽ xảy ra tình trạng phân lô, bán nền trái phép, sử dụng sai mục đích”. Cũng theo ông Huynh, xã phải phối hợp chặt với các ấp để kịp thời phát hiện các trường hợp vi phạm về đất đai để ngăn chặn từ đầu. Có những đầu nậu đất đai rất khôn ngoan, thường chọn những thửa đất ở xa khu dân cư, nằm sâu trong rẫy để phân lô, bán nền khiến việc phát hiện khó khăn hơn.
* Hạn chế phân lô, bán nền
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh nhận xét, khoảng 3 năm nay, đất ở Đồng Nai có giá, tình trạng phân lô, bán nền đất nông nghiệp diễn ra phức tạp hơn so với những năm trước đó. Vụ việc phức tạp nhất là Công ty cổ phần địa ốc Alibaba bán hàng loạt dự án “ma” trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, các địa phương cũng phát hiện, xử lý nhiều vụ vi phạm về phân lô, bán nền nên tình trạng này đã giảm bớt. Tuy nhiên, thời gian tới, với ưu thế có nhiều dự án giao thông lớn triển khai xây dựng dẫn đến đất đai tiếp tục có giá, việc quản lý đất cần phối hợp chặt chẽ hơn để giảm các vi phạm về đất.
“Phân lô, bán nền đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã lắng xuống nhưng vẫn còn, những đầu nậu đất ngày càng hoạt động tinh vi hơn, các địa phương phải tăng cường lực lượng kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý sớm để giảm ảnh hưởng, thiệt hại. Bên cạnh đó, các thành phố, huyện chú ý đến các dự án trên địa bàn, rà soát lại xem có thực hiện đúng các quy định về đất đai hay không” - Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh yêu cầu.
Qua tìm hiểu, tình trạng phân lô, bán nền đất nông nghiệp tại những khu vực đông dân như: TP.Biên Hòa, các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom, Vĩnh Cửu đã giảm so với đầu năm 2019, nhưng vẫn còn diễn biến khá sôi động. Các đối tượng phân lô, bán nền lợi dụng mạng xã hội, rao bán đất nông nghiệp phân lô theo hình thức giấy tay, đồng sở hữu. Người mua có nhu cầu liên hệ đi xem đất và qua các văn phòng công chứng giao dịch, không qua UBND phường, xã, thị trấn khiến việc phát hiện xử lý khó khăn hơn.
Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Huỳnh Tấn Lộc cho biết: “Năm 2019, thành phố đã phát hiện, xử lý 10 trường hợp phân lô, bán nền đất nông nghiệp. Trong đó, có 8 trường hợp với diện tích từ 1-1,5 hécta, nếu các trường hợp trên không phát hiện và xử lý kịp thời sẽ hình thành những khu dân cư tự phát lớn, phá vỡ quy hoạch của thành phố”.
Khánh Minh