Báo Đồng Nai điện tử
En

Thêm công cụ siết chặt quản lý đất đai

03:02, 21/02/2020

Từ ngày 5-1-2020, Nghị định 91/2019/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai đã có hiệu lực. Theo đó, những trường hợp vi phạm về đất đai có thể bị xử phạt hành chính đến 1 tỷ đồng.

Từ ngày 5-1-2020, Nghị định 91/2019/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai đã có hiệu lực. Theo đó, những trường hợp vi phạm về đất đai có thể bị xử phạt hành chính đến 1 tỷ đồng. Với mức phạt trên, chính quyền các địa phương trong tỉnh có thêm công cụ để siết chặt quản lý, đảm bảo quy hoạch.

TP.Biên Hòa là nơi đông dân cư nên quản lý đất đai rất khó khăn. Ảnh Hương Giang
TP.Biên Hòa là nơi đông dân cư nên quản lý đất đai rất khó khăn. Ảnh: Hương Giang

[links()]Theo Cục Thống kê Đồng Nai, diện tích đất toàn tỉnh là hơn 589.775 hécta, trong đó gồm đất nông nghiệp hơn 469.276 hécta; đất phi nông nghiệp 120.495 hécta. Các địa phương có diện tích đất lớn là huyện Vĩnh Cửu, Định Quán, Tân Phú, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Long Thành. Khoảng 3 năm trở lại đây, đất đai Đồng Nai có giá cao hơn, việc chuyển mục đích sử dụng đất, mua bán diễn ra sôi động, theo đó, vi phạm về đất đai cũng tăng.

* Phạt đến 1 tỷ đồng

Nghị định 91 quy định rất chi tiết và cụ thể các hành vi vi phạm, hình thức xử phạt, mức phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Trong đó, bao gồm vi phạm trong sử dụng đất và vi phạm trong thực hiện các dịch vụ về đất đai. Đối tượng áp dụng là hộ gia đình, cộng đồng dân cư, cá nhân trong nước, nước ngoài, các tổ chức, doanh nghiệp có vốn trong nước, nước ngoài.

Nghị định 91 quy định thẩm quyền xử phạt hành chính với các cấp là chủ tịch UBND cấp xã có quyền phạt vi phạm về đất đai đến 5 triệu đồng, chủ tịch UBND cấp huyện là 50 triệu đồng và chủ tịch UBND cấp tỉnh là 500 triệu đồng. Trường hợp mức phạt vượt quá thẩm quyền áp dụng Khoản 3, Điều 58 của Luật Xử phạt vi phạm hành chính.

Tất cả các vi phạm về đất đai như: đất lúa, đất trồng cây lâu năm, đất trồng cây hằng năm, đất rừng trồng, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, đất sản xuất kinh doanh, đất thương mại dịch vụ, đất ở... đều được quy định rõ mức phạt với từng diện tích. Đồng thời, kèm theo các hình thức phạt bổ sung là tịch thu giấy tờ, tước quyền sử dụng đất, bắt trả lại nguyên trạng, nộp lại khoản tiền thu lợi trái phép từ khi vi phạm đến lúc bị phát hiện. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đất đai là 2 năm.

Giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Đặng Minh Đức đánh giá: “Nghị định 91 phạt đến 1 tỷ đồng với những vi phạm nghiêm trọng về đất đai, cao hơn nhiều so với trước đây. Bên cạnh đó, quy định rõ thẩm quyền xử phạt của các cấp xã, huyện, tỉnh. Đây sẽ là cơ sở để các địa phương và tỉnh quản chặt hơn nữa về đất đai trên địa bàn, đảm bảo quy hoạch chung của tỉnh”.

Cùng một hành vi vi phạm về đất đai, quy định mới sẽ chia thành 4-5 mức xử phạt hành chính khác nhau, tùy theo diện tích lớn nhỏ. Những trường hợp vi phạm bị xử phạt nặng là: lấn chiếm đất chưa sử dụng, đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp tại khu vực đô thị; sử dụng đất trong nhóm đất phi nông nghiệp vào mục đích khác không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép tại khu vực đô thị; chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền trong dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở để bán hoặc bán kết hợp cho thuê không đủ điều kiện; tổ chức thực hiện dự án kinh doanh bất động sản không nộp hồ sơ để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận cho người mua, thuê mua nhà, công trình xây dựng, người nhận chuyển quyền sử dụng đất hoặc không cung cấp, cung cấp không đầy đủ giấy tờ cho người mua, thuê mua nhà, công trình xây dựng thì mức xử phạt tối đa với cá nhân là 500 triệu đồng, tổ chức là 1 tỷ đồng.

* Xử phạt nặng hành vi lấn chiếm đất

Đồng Nai là nơi có hơn 10 ngàn hécta đất công và khá nhiều đất rừng, thời gian qua, tình trạng lấn chiếm, sử dụng sai mục đích đất đai diễn ra ở nhiều nơi. Vì vậy, việc quy định chi tiết các hình thức vi phạm, xử lý sẽ giúp cho các địa phương quản lý đất đai tốt hơn.

Huyện Long Thành có nhiều dự án lớn, đất đai chuyển nhượng sôi động gây khó cho địa phương trong quản lý
Huyện Long Thành có nhiều dự án lớn, đất đai chuyển nhượng sôi động gây khó cho địa phương trong quản lý

Theo Nghị định 91, các trường hợp lấn chiếm đất đai bị xử phạt từ 2 triệu đồng lên đến 1 tỷ đồng. Lấn chiếm đất chưa sử dụng tại nông thôn chia thành 5 mức phạt, nhỏ nhất dưới 500m2 là 3 triệu đồng và cao nhất từ 1 hécta trở lên, tiền phạt là 70 triệu đồng. Đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng trồng, đất lúa lấn chiếm từ 1 hécta trở lên sẽ bị phạt 150 triệu đồng. Những trường hợp lấn chiếm đất phi nông nghiệp ở khu vực nông thôn mức phạt cao nhất là 500 triệu đồng và đất ở đô thị là 1 tỷ đồng.

Phó chủ tịch UBND huyện Tân Phú Nguyễn Văn Nghị nhận xét: “Nghị định mới quy định những trường hợp lấn chiếm đất đai sẽ bị xử phạt hành chính khá nặng và buộc phải khôi phục lại hiện trạng như ban đầu. Với mức phạt trên, hy vọng sẽ hạn chế được tình trạng các cá nhân, hộ gia đình chiếm dụng đất công”.

* Đồng Nai tiếp tục “nóng” về mua bán đất

Gần 3 năm qua, tại Đồng Nai, nhiều dự án hạ tầng giao thông được khởi động dẫn đến đất đai được mua đi bán lại một cách sôi động. Bên cạnh đó, công nghiệp phát triển, người dân di cư từ các tỉnh, thành đến làm việc đông nên nhu cầu về nhà đất cũng tăng cao. Do đó, tình trạng vi phạm về đất đai trên địa bàn tỉnh tương đối nhiều, đặc biệt ở những khu vực đông dân cư như: TP.Biên Hòa, các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom, Vĩnh Cửu.

Cụ thể vào năm 2019, trên địa bàn Đồng Nai diễn ra hàng loạt vi phạm về đất đai như: Công ty cổ phần địa ốc Alibaba (TP.Hồ Chí Minh) bán 29 dự án “ma” tại Đồng Nai, gồm 27 dự án ở huyện Long Thành, 1 dự án ở huyện Xuân Lộc, 1 dự án ở huyện Nhơn Trạch. Ngoài ra, nhiều dự án bán đất khi chưa có đầy đủ giấy tờ về pháp lý; tình trạng phân lô, bán nền đất nông nghiệp cũng diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương.

Ông Lê Hữu Đảng, Phó chủ tịch UBND huyện Trảng Bom cho rằng, Trảng Bom có 4 khu công nghiệp thu hút rất nhiều lao động đến làm việc, sinh sống, lợi dụng điểm này nên một số cá nhân, tổ chức đã phân lô, bán nền đất nông nghiệp, bán đất dự án khi chưa hoàn thành thủ tục. Tuy nhiên, từ giữa năm 2019 đến nay, UBND huyện đã tăng cường công tác quản lý, giao trách nhiệm trực tiếp cho chủ tịch UBND các xã, thị trấn nhằm hạn chế những vi phạm về đất đai. Từ đầu năm 2020, Nghị định 91 có hiệu lực, mức phạt cao cũng khiến các đối tượng vi phạm e dè.

Trong năm 2019, Sở Tài nguyên - môi trường đã tổ chức thanh tra, kiểm tra về công tác quản lý đất đai tại các huyện, thành phố, phát hiện, xử lý 136 trường hợp với số tiền 4,4 tỷ đồng. Phía các địa phương cũng kiểm tra và xử phạt cả trăm trường hợp vi phạm về đất đai. 

Chủ tịch UBND huyện Long Thành Võ Tấn Đức cho biết: “Huyện có nhiều công trình giao thông lớn đang được triển khai nên đất đai trên địa bàn được chuyển nhượng khá sôi động. Người thì mua để ở, người mua đầu tư. Để giảm bớt tình trạng mua bán đất trái phép, vi phạm về đất đai, huyện đã cắm biển cảnh báo tại nhiều nơi cho người dân biết”. Ông Đức còn cho biết thêm, huyện Long Thành thường xuyên nhắc nhở các xã, thị trấn kiểm tra, quản lý chặt đất đai tại địa phương, khi phát hiện vi phạm phải xử lý nghiêm và buộc trả lại nguyên hiện trạng.

Hương Giang      

 

Tin xem nhiều