Báo Đồng Nai điện tử
En

Tăng đầu tư cho khoa học công nghệ

11:02, 13/02/2020

Để hội nhập, tham gia sâu hơn vào chuỗi liên kết toàn cầu, vấn đề đặt ra là phải có được một đội ngũ doanh nghiệp (DN) trong nước mạnh, đủ tiềm năng, năng lực tài chính, nhân sự cạnh tranh sòng phẳng với DN nước ngoài.

Để hội nhập, tham gia sâu hơn vào chuỗi liên kết toàn cầu, vấn đề đặt ra là phải có được một đội ngũ doanh nghiệp (DN) trong nước mạnh, đủ tiềm năng, năng lực tài chính, nhân sự cạnh tranh sòng phẳng với DN nước ngoài.

Dệt may là một trong những ngành có giá trị xuất khẩu cao nhưng cần rất nhiều nhân công. Ảnh: V.Gia
Dệt may là một trong những ngành có giá trị xuất khẩu cao nhưng cần rất nhiều nhân công. Ảnh: V.Gia

[links()]Những năm vừa qua, Việt Nam cũng như Đồng Nai bước đầu đã có một số DN tự lực đổi mới vươn lên, khẳng định được tên tuổi của mình và phần nào đó  tham gia được vào chuỗi cung ứng của thế giới. Điều quan trọng, cộng đồng DN Việt cần đến sự chung tay, giúp đỡ của Nhà nước, xây dựng một môi trường kinh doanh lành mạnh, tạo cơ hội phát triển bình đẳng.

* Làm mới mình để vươn ra biển lớn

Theo ThS.Bùi Thị Phương Thảo, Trung tâm thông tin khoa học, Học viện Chính trị khu vực II, thời gian gần đây, nhiều DN, tập đoàn lớn trong nước như: Vingroup, Viettel, VNPT, TH Truemilk, Thaco… đã có sự chuyển hướng chiến lược, đầu tư cho khoa học công nghệ. Điển hình như Tập đoàn Vingroup đã thành lập viện nghiên cứu dữ liệu lớn và viện nghiên cứu công nghệ cao hướng tới những công nghệ mũi nhọn, dẫn đầu trên thế giới như: trí tuệ nhân tạo, năng lượng mới, công nghệ mới… Các tập đoàn, DN lớn khác cũng chi hàng ngàn tỷ đồng vào nghiên cứu, phát triển. Thống kê của Bộ Khoa học - công nghệ, tỷ trọng đầu tư giữa nhà nước và DN cho khoa học công nghệ đã có sự thay đổi, từ mức 7:3 trước đây, nay đã đạt khoảng 5,2:4,8.

“Chính sự chủ động của DN trong việc đầu tư dài hạn cho nghiên cứu, phát triển đã dẫn tới ngày càng nhiều DN ra đời dựa trên khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu. Năm 2018, Việt Nam xếp thứ 48 trong tổng số 126 nền kinh tế được khảo sát, tăng 2 bậc so với năm 2017” - ThS.Bùi Thị Phương Thảo nhận định.

Tại Đồng Nai, dù chưa thực sự bứt phá mạnh mẽ nhưng các DN cũng bước đầu có sự thay đổi. DN ngày càng mạnh dạn hơn trong việc đầu tư, đổi mới công nghệ để tạo ra những sản phẩm chất lượng ngang tầm thế giới, đồng thời giải quyết được bài toán hậu cạnh tranh bằng nhân lực giá rẻ.

“Hằng năm, may Đồng Nai chi khoảng 10 tỷ đồng để ứng dụng công nghệ, máy móc tiên tiến vào sản xuất. Vừa tiết giảm được lao động trong tình hình thiếu hụt hiện nay, vừa đảm bảo được tính chính xác và đồng thời vẫn đảm bảo tăng năng suất, đáp ứng các đơn hàng lớn hơn” - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tổng công ty may Đồng Nai Bùi Thế Kích cho hay.

* Cần sự đồng hành

Theo các chuyên gia kinh tế, để DN vươn được tầm thế giới, Nhà nước cần coi trọng và khuyến khích sự đổi mới, sáng tạo của DN Việt. Muốn “đi tắt, đón đầu”, phải có những ý tưởng kinh doanh mới, theo hướng công nghệ cao mới có thể định hình được luật chơi. Điều này không dễ có được nếu thiếu sự hậu thuẫn, thậm chí là đồng hành, đầu tư của Nhà nước.

Là một chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ, ông David Ngô, Phó tổng giám đốc phụ trách về công nghệ tại Trung tâm công nghệ cao TP.Hồ Chí Minh, Chủ tịch Tập đoàn Ipplus khẳng định, DN muốn xây dựng được thương hiệu, sản phẩm của mình một cách bền vững phải đặc biệt quan tâm đến sở hữu trí tuệ (SHTT). Chính SHTT với những phát minh, sáng chế, sản phẩm mới được thế giới công nhận và độc quyền mới là con đường nhanh nhất để tiến ra thế giới. Thực tế cho thấy, trên thế giới ngày càng có nhiều công ty công nghệ sau thời gian khởi nghiệp đã có sức mạnh mang tầm quốc tế.

Tuy vậy, các thủ tục để được xác nhận SHTT ở Việt Nam còn mất rất nhiều thời gian, mà việc bảo hộ thương hiệu, bảo hộ sở hữu lại kém khi sự vi phạm xảy ra thường xuyên. DN phải tự tạo rào cản công nghệ để cạnh tranh lẫn nhau, từ đó phân tán nguồn lực. Đây là vấn đề cần sớm được giải quyết nếu không sẽ bỏ lỡ cơ hội phát triển nhanh, bởi các quốc gia khác sẽ tận dụng thành quả của cách mạng công nghệ tốt hơn.

Đối với Đồng Nai, địa phương luôn khẳng định đồng hành, hỗ trợ DN trong sản xuất, kinh doanh, điều này đã thực hiện lâu dài từ trước đến nay, qua nhiều nhiệm kỳ chứ không phải chỉ thực hiện trong giai đoạn ngắn. Từ năm 2016, tỉnh cũng đã ban hành quyết định về Chương trình khoa học công nghệ hỗ trợ DN nâng cao năng lực cạnh tranh, áp dụng quản lý chất lượng tiên tiến, bảo hộ SHTT trong quá trình hội nhập giai đoạn 2016-2020, tuy nhiên, kết quả mang lại vẫn chưa thực sự tốt. Để việc đồng hành, hỗ trợ DN được tốt hơn, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng khẳng định, Đồng Nai mong muốn cộng đồng DN cần mạnh dạn hiến kế, đề xuất với tỉnh các giải pháp nhằm minh bạch hóa thông tin, cải thiện môi trường kinh doanh hơn nữa. DN, doanh nhân, mà “cầu nối” là các hiệp hội, hội ngành nghề cần chủ động để có thể tháo gỡ khó khăn một cách tốt nhất.

Văn Gia

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích