REDD+ là một công cụ vừa giúp giữ rừng, vừa tạo sinh kế cho người dân nghèo tại chỗ để khuyến khích họ bảo vệ môi trường rừng. REDD+ vận hành như một cơ chế tài chính.
REDD+ là một công cụ vừa giúp giữ rừng, vừa tạo sinh kế cho người dân nghèo tại chỗ để khuyến khích họ bảo vệ môi trường rừng. REDD+ vận hành như một cơ chế tài chính.
Du khách tham quan rừng ngập mặn tại huyện Long Thành. Ảnh: Hoàng Lộc |
Hiểu một cách đơn giản, REDD+ được vận hành theo cơ chế các nước phát triển hay các định chế tài chính lập ra một loại ngân quỹ để chi trả cho các nước đang phát triển giữ rừng thông qua đó giảm phát khí nhà kính.
* Mô hình có lợi cho các bên tham gia
Theo kế hoạch hành động REDD+ được UBND tỉnh phê duyệt, tổng nhu cầu vốn đầu tư thực hiện chương trình trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2030 là hơn 1 ngàn tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn từ ngân sách trung ương và địa phương hơn 500 tỷ đồng; vốn dịch vụ môi trường rừng hơn 300 tỷ đồng; vốn ODA hơn 120 tỷ đồng và nguồn vốn huy động từ doanh nghiệp, liên kết và nguồn vốn khác. |
REDD+ là sáng kiến nhằm cung cấp hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển để giảm phát thải khí nhà kính thông qua các hoạt động như: giảm phát thải do mất rừng, giảm phát thải do suy thoái rừng, bảo tồn trữ lượng carbon rừng, quản lý rừng bền vững và tăng cường trữ lượng carbon rừng.
Mục tiêu chính của REDD+ là nhằm góp phần giảm thiểu biến đổi khí hậu toàn cầu. REDD+ cũng mang lại các lợi ích về môi trường, xã hội cho các quốc gia tham gia thực hiện REDD+.
Theo cơ chế hoạt động của REDD+, các nước tham gia sẽ chi trả tài chính cho các nước thực hiện REDD+ dựa trên các kết quả giảm phát thải khí nhà kính được ghi nhận (hay còn gọi là chi trả dựa trên kết quả). “Mỗi nước có một định mức phát thải khí nhà kính cụ thể. Tuy nhiên, đối với các nước phát triển, do hoạt động sản xuất công nghiệp phát triển nên lượng khí nhà kính phát thải lớn mà diện tích rừng không hấp thụ đủ. Do đó, họ sẽ chi trả tiền để các nước tham gia REDD+ giữ rừng và bù đắp vào phần phát thải vượt mức” - ông Lê Văn Gọi, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn cho biết.
Với cơ chế hoạt động này, REDD+ được xem là cơ chế bảo tồn rừng mang lại lợi ích cho tất cả các bên tham gia. Cụ thể, các tổ chức phi chính phủ về môi trường, các quốc gia đang phát triển tham gia REDD+ thì giữ đươc rừng. Trong khi đó, cư dân và chính quyền địa phương lại có thêm tiền để thực hiện các hoạt động bảo tồn rừng, các nước phát triển thì có thêm thị trường mua sản lượng carbon rừng để bù đắp phần phát thải vượt mức.
* Hình thành thị trường tín dụng carbon rừng
Hiện nay, nguồn kinh phí đóng góp cho các nước tham gia REDD+ được chi trả thông qua Ngân hàng Thế giới. Với cơ chế hoạt động “mua - bán”, REDD+ được đánh giá đã tạo ra một thị trường tín dụng carbon rừng. Theo đó, Ngân hàng Thế giới đặt mua một số tín dụng carbon từ một vài công ty hay nhà đầu tư vào các nước đang phát triển để hợp tác với chính quyền địa phương trong các đề án giữ rừng. Các công ty này sẽ được Ngân hàng Thế giới chi trả tiền để mua lại khối lượng khí CO2 mà các khu rừng này hấp thụ.
Năm 2009, Việt Nam là một trong 9 quốc gia đầu tiên được lựa chọn thí điểm Chương trình REDD+ với 6 địa phương được chọn thực hiện thí điểm. 2 năm sau, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định (Quyết định số 419/QĐ-TTg ngày 5-4-2017) phê duyệt Chương trình quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính thông qua hạn chế mất và suy thoái rừng; bảo tồn, nâng cao trữ lượng carbon và quản lý bền vững tài nguyên rừng (Chương trình REDD+) đến năm 2030.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó trưởng phòng Lâm nghiệp và thanh tra phát triển rừng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, sau khi có Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Đồng Nai là một trong những địa phương sớm nhất cả nước phê duyệt kế hoạch hành động REDD+.
Tuy nhiên, chương trình REDD+ tại Đồng Nai hiện nay là một thành phần trong chương trình chung phát triển lâm nghiệp bền vững được triển khai trên địa bàn tỉnh. Thay vì nhận được sự hỗ trợ về tài chính, REDD+ được triển khai tại Đồng Nai hiện vẫn sử dụng chủ yếu nguồn vốn từ ngân sách nhà nước.
Lý giải cho điều này, ông Nguyễn Văn Dũng cho biết, để nhận được sự hỗ trợ tài chính, hay bán định mức carbon rừng, phải xác định được đường định mức hay còn gọi là đường trung bình khí thải CO2. Từ mức này mới tính ra được lượng carbon rừng có thể bán. Tuy nhiên, hiện nay đường định mức chung này lại mới chỉ được tính toán cho mỗi quốc gia mà chưa tính ra được mức cụ thể cho mỗi địa phương. Do đó, các địa phương thực hiện chưa thể tính toán được lượng carbon rừng có thể bán. “Trong tương lai, khi tính toán được định mức này, việc bán định mức carbon rừng mới được thực hiện” - ông Nguyễn Văn Dũng cho hay.
Quỳnh Nhi