Hiện nay, nhiều hợp tác xã, nhà vườn mong muốn tiếp cận được các nơi bán hàng hiện đại như: siêu thị, cửa hàng tiện lợi… để mở rộng thị trường và đa dạng hóa các kênh phân phối hàng hóa.
Hiện nay, nhiều hợp tác xã, nhà vườn mong muốn tiếp cận được các nơi bán hàng hiện đại như: siêu thị, cửa hàng tiện lợi… để mở rộng thị trường và đa dạng hóa các kênh phân phối hàng hóa.
Người tiêu dùng chọn mua các loại nông sản tại MM Mega Market Biên Hòa. Ảnh: H.Quân |
Tuy nhiên, trên thực tế, việc kết nối giữa nhà vườn với các kênh bán hàng này vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhất là các điều khoản về hợp đồng, số lượng đơn hàng, các chi phí liên quan đến đóng gói, vận chuyển và bảo quản sản phẩm...
* Cần thêm cầu nối giữa nông dân và siêu thị
Thực tế, nhiều loại nông sản của Đồng Nai, nhất là các loại trái cây như: sầu riêng, chôm chôm, bưởi… có nhiều tiềm năng để cung ứng. Tuy nhiên, theo các siêu thị và một số hệ thống bán lẻ trong tỉnh, những loại nông sản này vẫn còn “vướng” một số rào cản như: chất lượng chưa đồng đều; một số loại trái cây dù mùi vị thơm ngon nhưng hình dáng, mẫu mã chưa bắt mắt…
Bên cạnh đó, nhiều loại nông sản thu hoạch theo mùa vụ nên chưa đủ nguồn cung ổn định cũng như chưa đảm bảo các tiêu chuẩn, yêu cầu của từng siêu thị, hệ thống bán lẻ… Ngoài chất lượng sản phẩm, nhà cung cấp cũng cần có bao bì đóng gói đẹp mắt và giao hàng kịp thời, đảm bảo tính ổn định trong suốt quá trình sản xuất đến khi tiêu thụ…
Theo nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất nông sản, siêu thị không chỉ là kênh phân phối mà còn là một kênh quảng bá sản phẩm có nhiều lợi thế. Tuy nhiên, các kênh phân phối này cũng không dễ để phát triển thành kênh tiêu thụ ổn định do những yêu cầu cao về mặt tiêu chuẩn kỹ thuật, các chứng nhận cần thiết, một số ràng buộc về số lượng hàng, chi phí phát sinh liên quan… trong quá trình cung ứng.
Đại diện một hợp tác xã chuyên cung cấp các loại sầu riêng, chôm chôm sạch canh tác theo hướng VietGAP ở huyện Long Thành cho hay, hiện sản phẩm của hợp tác xã chủ yếu vẫn được tiêu thụ trực tiếp từ các đơn đặt hàng nhỏ lẻ, chỉ có một lượng nhỏ đơn hàng là cung ứng tới các hệ thống cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini… Một trong những ràng buộc khi muốn đưa hàng vào các siêu thị lớn là chi phí đóng gói, vận chuyển cao nhằm đảm bảo các yêu cầu về chất lượng hàng hóa của các siêu thị, chi phí phát sinh trong việc hạn chế tỷ lệ sản phẩm hư hỏng, không đẹp mắt…
Ông Phạm Văn Hùng, Giám đốc kinh doanh khu vực phía Nam của hệ thống siêu thị MM Mega Market chia sẻ, hiện nay đơn vị mong muốn có thêm nhiều buổi gặp gỡ đối thoại giữa nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, chế biến nông sản để nắm bắt thông tin, tìm hiểu nhu cầu của nhau cũng như tìm phương án gỡ khó những “nút thắt” điều kiện cung ứng sản phẩm vào siêu thị, một số khúc mắc trong hợp đồng... Từ đó, có thể phát triển thêm các kênh bán nông sản chất lượng, đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn đối với các loại nông sản thế mạnh của địa phương, trong đó có Đồng Nai.
Tương tự, ông Nguyễn Lê Cao Tuấn, Giám đốc Lotte Mart Đồng Nai cho hay, siêu thị mong muốn có thêm nhiều dịp để trao đổi, chia sẻ thông tin với nhà vườn, đơn vị sản xuất trong tỉnh để hướng tới phát triển thêm nhiều gian hàng nông sản, đặc sản của địa phương vừa đảm bảo chất lượng, an toàn, vừa đáp ứng các tiêu chuẩn của siêu thị.
* Xây dựng kế hoạch “dài hơi”
Theo các chuyên gia, để hàng hóa địa phương nói chung và các loại nông sản, đặc sản của địa phương có thể phát triển mạnh hơn ở các kênh phân phối hiện đại, nhất là ở các siêu thị, hệ thống bán lẻ thì các doanh nghiệp, nhà sản xuất, hợp tác xã cần chủ động trong việc quảng bá, giới thiệu hàng hóa đến tận các hệ thống siêu thị để kết nối, chứ không nên bị động chờ nhà phân phối đến tìm nguồn hàng. Ngoài ra, vai trò của các cơ quan chức năng, địa phương trong việc kết nối giao thương cũng cần được chú trọng hơn nữa, cần có các kế hoạch “dài hơi”.
Theo Sở Công thương, thời gian qua, Sở đã tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu cho nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã trong tỉnh với các địa phương khác, cũng như nhiều hệ thống bán lẻ. Trong đó, có triển khai hoạt động xúc tiến thương mại chuyên đề Nông dân - nông nghiệp - nông thôn với các chương trình, hội nghị kết nối giao thương giữa các tổ hợp tác, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh với chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây và một số hệ thống siêu thị trong tỉnh; hội thảo về liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản giữa các hợp tác xã, tổ hợp tác, câu lạc bộ, trang trại, nông dân sản xuất giỏi trong tỉnh…
Ông Lê Văn Lộc, Phó giám đốc Sở Công thương cho biết, trong thời gian tới, Sở Công thương sẽ tiếp tục tìm kiếm và hỗ trợ doanh nghiệp trong tỉnh tham gia vào những chương trình giao thương, kết nối hàng hóa, sản phẩm của các địa phương trong và ngoài tỉnh.
Sở dự kiến sẽ phối hợp với các siêu thị, hệ thống bán lẻ và các địa phương có thêm những chuyên đề, phương án tìm hướng phát triển thêm các kênh phân phối đối với các mặt hàng trái cây đặc sản, nông sản của địa phương thông qua những cuộc hội thảo, trao đổi giữa các bên.
Về nhóm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, tạo điều kiện ổn định sản xuất, kinh doanh, Sở Công thương sẽ thường xuyên đổi mới các hình thức xúc tiến thương mại đối với các mặt hàng, ngành chủ lực của tỉnh, đặc biệt là nông sản chủ lực. Trong đó, chú trọng phát triển các thị trường truyền thống, trọng điểm đồng thời phát triển các thị trường mới, tạo sự trao đổi, tìm kiếm cơ hội hợp tác giữa các doanh nghiệp, hình thành các chuỗi giá trị bền vững… |
Hải Quân