Gần 97% số lượng doanh nghiệp (DN) trong tổng số hơn 17 ngàn DN ở Đồng Nai hiện nay là DN vừa và nhỏ. Vốn ít, kỹ thuật, công nghệ kém nên năng suất, chất lượng sản phẩm còn thấp,...
Gần 97% số lượng doanh nghiệp (DN) trong tổng số hơn 17 ngàn DN ở Đồng Nai hiện nay là DN vừa và nhỏ. Vốn ít, kỹ thuật, công nghệ kém nên năng suất, chất lượng sản phẩm còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường khiến cho hoạt động sản xuất gặp nhiều khó khăn.
Nhờ đầu tư máy móc, sản phẩm của Công ty cổ phần Tiến Đạt Đại Thành (TP.Biên Hòa) đã cung cấp được cho nhãn hàng toàn cầu Ikea. Ảnh:V.Gia |
Trong những năm qua, Đồng Nai đã thực hiện một số chính sách nhằm hỗ trợ, thúc đẩy DN đầu tư đổi mới công nghệ, song theo đánh giá của các DN, số lượng và mức hỗ trợ chưa cao, DN cần nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn.
* Hiệu quả của sự cải tiến công nghệ
Năm 2016, anh Ngọc Anh hợp tác cùng cộng sự thành lập Công ty cổ phần Tiến Đạt Đại Thành (phường Tân Biên, TP.Biên Hòa) và trụ sở đặt ngay trong khuôn viên của gia đình. Ban đầu chỉ là xưởng sản xuất nhỏ, sản phẩm chỉ bán quanh quẩn ở địa phương và số lượng không nhiều.
Bước ngoặt lớn của công ty là trong năm 2019 được hợp tác với nhãn hàng Ikea tại Việt Nam để gia công sản phẩm cho tập đoàn này. Đơn hàng với số lượng lớn, sản xuất hàng loạt mang đến “cú hích” và kỳ vọng lớn cho công ty, tuy nhiên khó khăn cũng bắt đầu nảy sinh từ đây.
Nguyên nhân nằm ở chỗ vì là một DN nhỏ tiến đến sản xuất hàng loạt nên nhân công, máy móc không đủ đáp ứng. Đơn hàng yêu cầu thiết kế đơn giản nhưng phải giao hàng thường xuyên, trong khi đó, nếu làm thủ công sẽ rất lâu và các loại máy móc DN hiện có công suất không cao, chất lượng không đảm bảo.
Để khắc phục khó khăn, anh Ngọc Anh nảy ra ý tưởng kết hợp 2 loại máy đục và cắt ván gỗ nhằm sản xuất được mẫu hàng đúng hạn định. Từ ý tưởng của anh, nhà sản xuất máy đã hợp tác và sản xuất ra đúng loại máy mà DN cần, năng suất tăng cao. “Với chiếc máy chạy tự động theo lập trình có sẵn, chỉ cần một người điều khiển, đỡ vất vả hơn nhiều so với máy kiểu cũ. Đôi khi chỉ một ý tưởng cũng mang lại hiệu quả rất lớn” - anh Ngọc Anh chia sẻ.
May mắn hơn anh Ngọc Anh, năm 2018 được hỗ trợ 200 triệu đồng từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương, Công ty TNHH Anh Nghĩa ANCL (xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom) đã mạnh dạn đầu tư 630 triệu đồng để sử dụng máy đo kiểm sản phẩm linh kiện sản xuất xe ô tô, xe máy và các sản phẩm cơ khí chính xác mà DN này sản xuất. Đây là thiết bị đo kiểm hiện đại đáp ứng yêu cầu quản lý chất lượng sản phẩm của công ty cũng như đáp ứng nhu cầu của khách hàng về độ chính xác của thiết bị đo kiểm sản phẩm.
Ông Nguyễn Văn Nghĩa, Giám đốc công ty cho hay, việc đầu tư này giúp giảm chi phí sản xuất từ 10% trong khi năng suất tăng từ 1,2-1,5 lần. Từ đó, không chỉ nâng cao hiệu quả kinh doanh của công ty mà còn tăng đóng góp cho ngân sách địa phương và thu nhập cho người lao động.
* Đẩy mạnh hỗ trợ DN
Ở Đồng Nai, hiện Sở Công thương và Sở Khoa học - công nghệ (KHCN) là 2 đơn vị đảm nhận chính các nhiệm vụ hỗ trợ DN trong việc đầu tư máy móc, đổi mới công nghệ và đào tạo cho chủ DN, người lao động.
Trong đó, chương trình KHCN hỗ trợ DN nâng cao năng lực cạnh tranh, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, bảo hộ sở hữu trí tuệ giai đoạn 2016-2020 do Sở KHCN thực hiện đã hỗ trợ 189 DN với tổng kinh phí hơn 6,3 tỷ đồng. Dự kiến đết hết năm 2020, sẽ có 218 đơn vị, DN được hỗ trợ với kinh phí hơn 12 tỷ đồng.
Bên cạnh việc đào tạo thì nội dung hỗ trợ tập trung vào xây dựng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, hỗ trợ DN tham gia giải thưởng chất lượng, chuyển giao công nghệ, đổi mới công nghệ, chứng nhận hợp chuẩn/hợp quy sản phẩm, bảo hộ sở hữu trí tuệ...
Với ngành Công thương là hỗ trợ kinh phí cho công tác khuyến công. Mỗi năm Trung tâm khuyến công và tư vấn công nghiệp Đồng Nai hỗ trợ được khoảng 6 DN trong đổi mới công nghệ. Song nguồn vốn trợ giúp DN cũng không nhiều, chỉ 100-200 triệu đồng. Với các DN nhỏ và vừa, nguồn vốn đầu tư máy móc có khi lên đến hàng tỷ đồng nhưng năng lực tài chính yếu khiến cho họ ngại ngần khi thay đổi.
Hiệu quả của việc đổi mới công nghệ, tăng năng suất sản phẩm đã rõ nhưng theo bà Nguyễn Thị Hoàng, Giám đốc Sở KHCN, việc triển khai hỗ trợ DN vào thực tế vẫn bộc lộ nhiều khó khăn, rào cản, đặc biệt là hỗ trợ lập dự án đầu tư, đổi mới trang thiết bị công nghệ nhằm hướng tới quy trình sản xuất sạch. Các DN trong nước chưa chú trọng đầu tư, đổi mới trang thiết bị công nghệ, dây chuyền sản xuất cũ còn nhiều. Trong đó, kinh phí hằng năm của chương trình hạn chế nên ảnh hưởng đến kết quả thực hiện. Khắc phục hạn chế trên, Sở sẽ cải tiến cách thức tiếp cận thực hiện nội dung chương trình, đồng thời tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan cung cấp thông tin hỗ trợ rộng rãi đến các DN.
Tương tự, để phát huy hiệu quả một cách tốt nhất, Phó giám đốc Trung tâm khuyến công và tư vấn công nghiệp Đồng Nai cho hay sẽ có sự chọn lọc trong hỗ trợ nhằm lựa chọn ra những DN, đề án có quy mô và sức lan tỏa lớn. Trong đó, ưu tiên thực hiện trong các ngành công nghiệp chủ lực, công nghiệp mũi nhọn, chế biến nông sản, công nghiệp hỗ trợ.
Văn Gia