Trong những năm qua, Đồng Nai chủ động thành lập mới, đầu tư cơ sở hạ tầng… cho nhiều khu công nghiệp (KCN). Tuy nhiên, một số KCN đang đứng trước nguy cơ bị thiếu điện...
Trong những năm qua, Đồng Nai chủ động thành lập mới, mở rộng diện tích, đầu tư cơ sở hạ tầng… cho nhiều khu công nghiệp (KCN) nhằm thu hút đầu tư, đáp ứng nhu cầu về mặt bằng sản xuất của các doanh nghiệp.
Trạm biến áp 110kV trong Khu công nghiệp Giang Điền (huyện Trảng Bom) đã hoàn thành nhưng vẫn chưa được đấu nối điện do những vướng mắc về giải phóng mặt bằng ở phần đường dây đấu nối. Ảnh: Hải Quân |
Tuy nhiên, một số KCN sau khi đi vào hoạt động đang đứng trước nguy cơ bị thiếu điện do nhiều nguyên nhân như ảnh hưởng hệ thống trạm biến áp (TBA), đường dây cung cấp điện, trong khi nhu cầu sử dụng điện để sản xuất của các doanh nghiệp, nhất là vào khoảng thời gian cao điểm trong năm lại tăng cao.
* Dự án điện 4 năm chưa đi vào hoạt động
KCN Giang Điền (huyện Trảng Bom) đang nổi lên là một trong những KCN thu hút nhiều nhà đầu tư vào sản xuất, lấp đầy diện tích đất cho thuê. Nhằm đảm bảo cung cấp nguồn điện ổn định phục vụ sản xuất của các doanh nghiệp trong KCN này, Tổng công ty điện lực miền Nam (EVNSPC) đã triển khai thực hiện đầu tư công trình đường dây và TBA 110kV Giang Điền và đường dây đấu nối khởi công từ tháng 2-2016 thuộc dự án DEP vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB); dự kiến đưa vào khai thác vận hành trong năm 2016.
Theo đơn vị chủ đầu tư dự án là Ban Quản lý dự án điện lực Miền Nam (trực thuộc EVNSPC), tổng kinh phí của dự án khoảng 94,5 tỷ đồng. Dự án gồm phần TBA 110kV Giang Điền có công suất 80MVA và 6 lộ ra 22kV, giai đoạn đầu lắp 1 máy công suất 40MVA. Tuyến đường dây đấu nối dài gần 9,4km trong đó có hơn 7km đi qua TP.Biên Hòa với 29 vị trí móng trụ, phần còn lại đi qua huyện Trảng Bom với 7 vị trí móng trụ và phần TBA 110kV.
Ông Viên Đức Thịnh, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án điện lực Miền Nam cho biết, hiện nay dự án vẫn chưa thể hoàn thành. Cụ thể, phần TBA Giang Điền đã hoàn tất việc xây dựng trạm. Thế nhưng, phần đường dây đấu nối hiện có mặt bằng 30/36 vị trí đã hoàn thành, còn lại 6 vị trí chưa có mặt bằng nên chưa thi công kéo dây.
Theo ông Thịnh, nguyên nhân dẫn đến dự án chậm tiến độ là do công tác giải phóng mặt bằng phục vụ thi công các trụ điện kéo dài quá lâu. Hiện trên địa bàn huyện Trảng Bom vẫn còn 9 hộ dân không đồng ý nhận tiền, không cho kéo dây, tiếp tục khiếu nại với lý do đơn giá bồi thường thấp, không sát với thị trường, đề nghị chủ đầu tư thỏa thuận.
Trong khi đó, trên địa bàn TP.Biên Hòa, dự án còn vướng mắc đối với 6 vị trí móng trụ (6, 10, 11, 16, 23 và 30) và còn một số hộ dân trong hành lang lưới điện chưa đồng ý nhận tiền bàn giao mặt bằng theo đơn giá bồi thường hỗ trợ được duyệt.
Ông Viên Đức Thịnh cho biết thêm, dự án TBA 110kV Giang Điền và đường dây đấu nối cho đến nay đã chậm trễ tiến độ hoàn thành khá lâu do vướng mắc về bồi thường giải phóng mặt bằng. Trong khi đó, hiệp định vay vốn Ngân hàng Thế giới cho dự án đã khóa vào tháng 6-2018, sau thời điểm này đơn vị chủ đầu tư không còn nguồn vốn vay để đầu tư mà phải bố trí nguồn vốn khác để tiếp tục thực hiện khối lượng công việc còn lại của dự án.
Hiện nay, KCN Giang Điền có 45 khách hàng chuyên dùng với tổng công suất lắp đặt hơn 94MVA, trong khi các TBA 110kV lân cận đã vận hành đầy tải, không thể cấp điện tăng thêm cho KCN Giang Điền được. Trước khó khăn trên, liên tục các năm từ 2017-2019, Điện lực Trảng Bom (thuộc Công ty TNHH một thành viên điện lực Đồng Nai - PC Đồng Nai) đã đầu tư xây dựng mới và nâng cấp 3 tuyến đường dây để cấp điện cho các doanh nghiệp trong KCN Giang Điền.
Tuy nhiên, với nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng cao của doanh nghiệp, 3 tuyến đường dây nói trên cũng đang vận hành đầy tải. Vì vậy việc sớm đưa TBA 110kV KCN Giang Điền vào vận hành nhằm đảm bảo cung cấp đủ điện cho các nhà đầu tư trong KCN Giang Điền là hết sức cấp thiết.
Ông Zhang Wei Sheng, Trưởng phòng Công vụ Công ty TNHH cao su Kenda Việt Nam (KCN Giang Điền) cho hay: “Hiện tại, công ty đang sử dụng tổng công suất gần 15MVA để phục vụ sản xuất. Dự kiến từ tháng 4-2020, công ty sẽ tăng công suất sử dụng thêm 15MVA, nâng tổng công suất sử dụng là 30MVA. Trong thời gian qua, khi TBA 110kV Giang Điền với mục đích để cấp điện cho các doanh nghiệp Giang Điền chưa đưa vào vận hành do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng thi công đường dây 110kV, chúng tôi lo lắng là sẽ ảnh hưởng đến việc cấp điện cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhà máy ở KCN Giang Điền”.
* Nhiều công trình khác còn vướng mắc
Theo PC Đồng Nai, ngoài vướng mắc trong công trình đường dây và TBA 110kV Giang Điền, ngành điện của tỉnh cũng đang gặp vướng mắc tương tự tại công trình cải tạo tăng công suất tải đường dây 110kV từ TBA 220kV Long Bình - TBA 110kV Loteco (đoạn số 1) và từ TBA 500kV Sông Mây - TBA 110kV Thống Nhất (đoạn số 2) và công trình cải tạo tăng công suất đường dây 110kV từ TBA 500kV Sông Mây - TBA 110kV Bắc Sơn (đoạn số 1) và từ TBA 110kV Bắc Sơn - TBA 110kV Tân Hòa (đoạn số 2), được khởi công xây dựng từ năm 2017.
Cán bộ kỹ thuật của Công ty TNHH cao su Kenda Việt Nam (Khu công nghiệp Giang Điền, huyện Trảng Bom) kiểm tra vận hành hệ thống điện của công ty. Ảnh: Hải Quân |
Các công trình này sẽ góp phần giải tỏa công suất trạm 500kV Sông Mây, giảm tải cho TBA 220kV Long Bình, máy biến áp AT8, AT9 trạm 220kV Nhà máy thủy điện Trị An và đường dây 110kV Sông Mây - Bắc Sơn, tăng khả năng cấp điện cho các TBA 110kV đảm bảo cung cấp điện cho các nhà đầu tư trong các KCN: Sông Mây, Bàu Xéo, Hố Nai, Loteco… cũng như đảm bảo kịp thời cung cấp điện cho mùa khô năm 2020 và các năm tiếp theo cho phát triển kinh tế địa phương.
Ông Hồ Minh Quang, Phó giám đốc PC Đồng Nai cho hay, hiện nay, các công trình nói trên đang vướng mắc do một số hộ dân trên địa bàn 2 xã Sông Trầu và Bắc Sơn (huyện Trảng Bom) cản trở không cho thi công và đòi bồi thường hỗ trợ hành lang lưới điện.
Theo đó, các tuyến đường dây trên đã được đưa vào vận hành từ năm 2004 và 2006, việc cải tạo đường dây 110kV hiện hữu chỉ tiến hành thi công kẹp thêm dây trên đường dây hiện hữu, không phát sinh hành lang an toàn lưới điện cũng như bị hạn chế, ảnh hưởng công năng nên không được bồi thường, hỗ trợ. Theo PC Đồng Nai, việc các hộ dân nói trên yêu cầu đòi bồi thường hành lang tuyến đường dây 110KV hiện hữu mới cho thi công là không có cơ sở để thực hiện.
Ông Hồ Minh Quang nhấn mạnh, việc một số hộ dân cản trở không cho thi công cải tạo công trình lưới điện hiện hữu đi qua phần đất của các hộ dân đã ảnh hưởng rất lớn đến công tác quản lý vận hành cung cấp điện cho TP.Biên Hòa và các huyện: Long Thành, Trảng Bom, Thống Nhất. Trường hợp các công trình nói trên không đưa vào vận hành thì nguy cơ bị mất điện do quá tải khu vực này vào mùa khô năm 2020 là rất lớn, điều này sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng yêu cầu: “Thiếu hụt nguồn cung cấp điện sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất tại các doanh nghiệp. Năm 2020 rồi mà vẫn để doanh nghiệp lo lắng về điện sản xuất là không được, phải làm ngay. Do đó, các địa phương liên quan, nhất là TP.Biên Hòa cần phối hợp với ngành điện lực sớm giải quyết các kiến nghị của KCN Giang Điền. Bên cạnh các KCN hiện hữu, Đồng Nai đang chuẩn bị thành lập thêm nhiều KCN nhằm đón nhận “làn sóng” đầu tư mới, chất lượng cao. Ngành điện và các bên liên quan có kế hoạch cung ứng điện sẵn tại các KCN chuẩn bị thành lập. Về lâu dài, nguồn cung điện ổn định cho sản xuất cũng góp phần tạo nên sức hút đầu tư của Đồng Nai trong mắt bạn bè, doanh nghiệp quốc tế bên cạnh những lợi thế về giao thông, hạ tầng và đặc biệt là Cảng hàng không quốc tế Long Thành”. Văn Gia |
Hải Quân