Báo Đồng Nai điện tử
En

Bàn phương án thanh lý cây cao su

04:02, 24/02/2020

Do chưa có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về quyền nhận giá trị tận thu tài sản là vườn cây cao su (tiền bán gỗ cây cao su) nên việc thanh lý cây cao su trong quá trình thực hiện giải phóng mặt bằng xây dựng Cảng hàng không quốc tế (Sân bay) Long Thành đang gặp vướng mắc.

Do chưa có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về quyền nhận giá trị tận thu tài sản là vườn cây cao su (tiền bán gỗ cây cao su) nên việc thanh lý cây cao su trong quá trình thực hiện giải phóng mặt bằng xây dựng Cảng hàng không quốc tế (Sân bay) Long Thành đang gặp vướng mắc. Điều này có nguy cơ gây ảnh hưởng đến tiến độ bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án.

Hiện nay Thủ tướng Chính phủ vẫn chưa có ý kiến về quyền nhận giá trị tài sản tận thu khi thực hiện thanh lý vườn cây cao su trong phạm vi dự án Sân bay Long Thành. Ảnh:P. Tùng
Hiện nay Thủ tướng Chính phủ vẫn chưa có ý kiến về quyền nhận giá trị tài sản tận thu khi thực hiện thanh lý vườn cây cao su trong phạm vi dự án Sân bay Long Thành. Ảnh:P. Tùng

* Chưa chốt phương án thanh lý

Trong số hơn 5 ngàn hécta phải thực hiện thu hồi đất, giải phóng mặt bằng để xây dựng Sân bay Long Thành, Công ty TNHH MTV Tổng công ty cao su Đồng Nai (Công ty cao su Đồng Nai) là doanh nghiệp có diện tích đất bị thu hồi lớn nhất. Cụ thể, đơn vị này sẽ có khoảng 1,8 ngàn hécta diện tích vườn cây cao su bị thu hồi để phục vụ xây dựng Sân bay Long Thành và các khu tái định cư nhằm bố trí tái định cư cho người dân vùng dự án.

Theo UBND tỉnh, về quan điểm, Đồng Nai đã đề xuất với Thủ tướng Chính phủ để cho phía Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam được nhận phần tiền là giá trị tận thu tài sản vườn cây cao su. Trường hợp Thủ tướng Chính phủ không đồng ý và giao UBND tỉnh Đồng Nai nhận phần tiền này để nộp vào ngân sách thì UBND tỉnh sẽ thực hiện khấu trừ vào phần tiền đã thực hiện bồi thường, hỗ trợ cho doanh nghiệp khi thực hiện giải phóng mặt bằng.

Đến thời điểm này, UBND tỉnh đã phê duyệt phương án bồi thường và tiến hành chuyển trả tiền bồi thường, hỗ trợ đối với diện tích vườn cây cao su để thực hiện dự án xây dựng Sân bay Long Thành.

Trên thực địa, đến thời điểm này, Công ty cao su Đồng Nai cũng đã thực hiện thanh lý xong vườn cây cao su tại khu đất sẽ xây dựng Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn với diện tích hơn 280 hécta. Sau khi tiếp nhận mặt bằng sạch từ Công ty cao su Đồng Nai, Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh đã làm hồ sơ bàn giao cho chủ đầu tư dự án là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh để chuẩn bị các bước xây dựng hạ tầng cho khu tái định cư này.

Tuy nhiên, việc giải phóng mặt bằng đối với diện tích vườn cây cao su còn lại thuộc phạm vi dự án Sân bay Long Thành hiện đang gặp khó khăn do chưa có hướng dẫn cụ thể từ Thủ tướng Chính phủ về quyền nhận giá trị tận thu tài sản.

Ông Huỳnh Văn Bảo, Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam cho biết, hiện nay, tỉnh Đồng Nai đã có văn bản xin ý kiến và đang chờ ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về quyền nhận giá trị tận thu tài sản là vườn cây cao su.

Trong thời gian chờ ý kiến quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Công ty cao su Đồng Nai khó thực hiện tổ chức cưa, cắt cây cao su để giao mặt bằng cho tỉnh. Bởi, nếu Thủ tướng có ý kiến, tỉnh phải thu hồi giá trị tận thu thì vườn cây cao su là tài sản nhà nước, lúc này tỉnh Đồng Nai phải là đơn vị tổ chức bán. Công ty cao su Đồng Nai không thể thực hiện bán và sau đó nộp lại cho ngân sách tỉnh. Ngoài ra nếu trường hợp UBND tỉnh Đồng Nai giao cho Công ty cao su Đồng Nai thực hiện thanh lý vườn cây cao su thay tỉnh thì cũng gặp vướng mắc vì doanh nghiệp không có chức năng đấu giá tài sản (hiện nay việc thanh lý cây cao su Công ty cao su Đồng Nai phải thuê đơn vị khác tổ chức đấu giá). “Do đó đề nghị tỉnh cần có phương án xử lý phù hợp để bảo đảm tiến độ bàn giao đất sạch cho tỉnh theo đúng tiến độ để triển khai dự án Sân bay Long Thành” - ông Huỳnh Văn Bảo đề nghị.

* Thành lập Ban Chỉ đạo phụ trách thanh lý cây cao su

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, việc thanh lý cây cao su, trong đó có nội dung về quyền nhận giá trị tận thu tài sản, UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã có văn bản xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ. Dự án Sân bay Long Thành là dự án lớn, diện tích vườn cây cao su thu hồi nhiều nên việc thực hiện thanh lý, quyền nhận giá trị tài sản tận thu phải xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, Thủ tướng Chính phủ vẫn chưa có ý kiến chính thức đối với việc thanh lý cây cao su. Trong khi đó, việc thực hiện cưa, cắt cây cao su, bàn giao mặt bằng phải được thực hiện sớm để đảm bảo tiến độ dự án.

Do đó, theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, trong thời gian chờ ý kiến chính thức của Thủ tướng Chính phủ, việc thanh lý vườn cây cao su tiếp tục sẽ do Công ty cao su Đồng Nai thực hiện. Xét về quy định, do Công ty cao su Đồng Nai không có chức năng đấu giá tài sản nên phương án là sẽ thuê đơn vị tư vấn thực hiện đấu giá, thanh lý cây cao su. “Đồng Nai sẽ có văn bản xác nhận phương án này trong lúc chờ ý kiến chính thức của Thủ tướng Chính phủ. Không thể làm chậm hơn vì sẽ ảnh hưởng đến tiến độ dự án Sân bay Long Thành”- Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường cho rằng việc thực hiện thanh lý cây cao su không thể chậm trễ vì sẽ ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án Sân bay Long Thành. Do đó, trong lúc chờ ý kiến Thủ tướng Chính phủ, Công ty cao su Đồng Nai vẫn sẽ tiếp tục thực hiện việc thanh lý cây cao su. Để phù hợp với quy định, đơn vị cần thuê doanh nghiệp tư vấn để thực hiện thanh lý.

Ngoài ra, để giám sát và đôn đốc việc thực hiện thanh lý cây cao su, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường cũng đề xuất giữa Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam và UBND tỉnh Đồng Nai nên thành lập một ban chỉ đạo quy mô nhỏ để phụ trách công việc. “Ban chỉ đạo nhỏ, có đại diện phía Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, Công ty cao su Đồng Nai, đại diện UBND tỉnh Đồng Nai và các sở, ngành liên quan để phụ trách đôn đốc công việc”- Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường nêu quan điểm.

Phạm Tùng

Tin xem nhiều