Báo Đồng Nai điện tử
En

Đồng Nai đã khống chế được dịch tả heo châu Phi

04:02, 05/02/2020

Trước và trong Tết Nguyên đán 2020, giá heo hơi ở trên địa bàn tỉnh không xảy ra hiện tượng tăng "sốc" là do thời gian gần đây, Đồng Nai đã căn bản khống chế được dịch tả heo châu Phi.

Trước và trong Tết Nguyên đán 2020, giá heo hơi không xảy ra hiện tượng tăng “sốc” trên 100 ngàn đồng/kg như dự đoán mà ở mức khá ổn định từ 80-84 ngàn đồng/kg. Có được kết quả này là do thời gian gần đây, Đồng Nai đã căn bản khống chế được dịch tả heo châu Phi.

Nhiều trang trại lớn đang tăng tái đàn sau khi dịch tả heo châu Phi được khống chế. Trong ảnh: Trang trại heo tại huyện Cẩm Mỹ. Ảnh: B.Nguyên
Nhiều trang trại lớn đang tăng tái đàn sau khi dịch tả heo châu Phi được khống chế. Trong ảnh: Trang trại heo tại huyện Cẩm Mỹ. Ảnh: B.Nguyên

Hiện toàn tỉnh có 135/137 xã đã qua 30 ngày không tái phát dịch tả heo châu Phi), 2 xã còn lại gần đây cũng không xuất hiện ổ dịch mới. Nhiều trang trại chăn nuôi lớn đang tăng việc tái đàn nhằm đảm bảo nguồn cung cho thị trường.

* Nhiều địa phương hết dịch

Sau Tết, giá heo hơi cũng dần “hạ nhiệt”, hiện còn 77-80 ngàn đồng/kg, giảm từ 3-4 ngàn đồng/kg so với trước Tết. Nguyên nhân là tổng đàn heo của Đồng Nai vẫn còn nhiều. Theo số liệu từ Cục Thống kê, tổng đàn heo của Đồng Nai hiện vẫn còn hơn 2 triệu con. Tình hình dịch tả heo châu Phi lại được khống chế tạo điều kiện thuận lợi cho người chăn nuôi tái đàn.

Huyện Vĩnh Cửu là một trong những địa phương bị thiệt hại nặng nề do dịch tả heo châu Phi với tổng kinh phí hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi bị thiệt hại khoảng 116 tỷ đồng. Ông Nguyễn Quang Phương, Phó chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu cho biết: “Tình hình dịch tả heo châu Phi trên địa bàn huyện đã căn bản được khống chế. Hiện 11/12 đơn vị xã của huyện đã công bố hết dịch tả heo châu Phi, còn lại 1 đơn vị là thị trấn Vĩnh An thời gian gần đây cũng chưa xuất hiện ổ dịch mới”.

Cùng chung niềm vui trên, ông Lê Khắc Sơn, Phó chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc, thông báo: “Đến nay huyện đã kiểm soát được tình hình dịch tả heo châu Phi với 11 xã công bố hết dịch. Huyện cũng đã hỗ trợ 100% cho các hộ chăn nuôi bị thiệt hại do dịch tả heo châu Phi”.

* Không chủ quan

Tuy đã khống chế được dịch tả heo châu Phi nhưng các địa phương đều không chủ quan trong việc tiếp tục phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm này.

Giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn Huỳnh Thành Vinh khẳng định, tuy dịch tả heo châu Phi đã được khống chế nhưng các địa phương phải thực hiện kiểm soát chặt chẽ việc tái đàn, đặc biệt là không cho tái đàn trong khu dân cư. Vì việc tái đàn trong khu dân cư vừa không kiểm soát được dịch bệnh, vừa gây ô nhiễm môi trường. Các địa phương cũng phải lưu ý đến việc chuyển đổi ngành nghề cho các hộ chăn nuôi heo truyền thống.

Phó chủ tịch UBND huyện Cẩm Mỹ Nguyễn Văn Thắng cho hay, hiện đa số các hộ chăn nuôi heo nhỏ lẻ trên địa bàn huyện không tái đàn do nhiều nguyên nhân như: chủ trương của địa phương là không đủ điều kiện thì không tái đàn; giá con giống hiện quá cao cũng khiến người chăn nuôi e dè. Tuy dịch tả heo châu Phi đã được khống chế nhưng địa phương vẫn tổ chức ra quân đồng loạt dọn dẹp môi trường để phòng, chống dịch.

Phó chủ tịch UBND TP.Long Khánh Lê Văn Thắng chia sẻ, nhờ chủ động tốt trong công tác phòng, chống dịch, TP.Long Khánh là địa phương cuối cùng của Đồng Nai xuất hiện dịch tả heo châu Phi. Tổng lượng heo bị tiêu hủy ở TP.Long Khánh cũng thấp nhất tỉnh, với khoảng 1,8 tỷ đồng hỗ trợ cho người chăn nuôi bị thiệt hại. Tuy đã hết dịch tả heo châu Phi nhưng địa phương đánh giá khả năng tái phát của dịch tả heo châu Phi vẫn rất lớn nên tập trung chỉ đạo công tác tiêu độc, khử trùng và thực hiện các biện pháp sinh học trong chăn nuôi. “Việc tái đàn heo trong năm 2020 được địa phương làm rất chặt chẽ. Cụ thể, qua khảo sát chỉ những cơ sở đủ điều kiện của ngành chăn nuôi thì Long Khánh mới cho tái đàn và phải thực hiện nghiêm túc việc đăng ký” - ông Thắng nói.

Theo bà Nguyễn Thị Giang Hương, Phó chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch, đến nay huyện đã hết dịch và hoàn thành việc hỗ trợ cho các hộ bị thiệt hại. Theo quy hoạch, Nhơn Trạch không phát triển chăn nuôi và đang thực hiện việc di dời tất cả các hộ chăn nuôi ra khỏi khu dân cư và tiếp tục thực hiện việc chuyển đổi nghề nghiệp cho các hộ chăn nuôi heo trên địa bàn. Trong đó, mô hình nuôi trồng thủy sản công nghệ cao đang được khuyến khích nhân rộng. Cụ thể, huyện đã tập trung hỗ trợ cho các hộ nuôi heo tại xã Phước An sang mô hình nuôi tôm công nghệ cao. Hiệu quả mô hình mới này cho hiệu quả kinh tế cao, đạt 15 tấn/hécta/vụ, sau khi trừ các chi phí mang lại lợi nhuận khoảng 1,1 tỷ đồng/hécta/vụ nuôi.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều