Để có thể thâm nhập thành công và có "chỗ đứng" ở thị trường khó tính như EU, đòi hỏi doanh nghiệp (DN) đặc biệt là các DN nhỏ và vừa phải nắm bắt được nhu cầu, thị hiếu khách hàng của từng thị trường.
Để có thể thâm nhập thành công và có “chỗ đứng” ở thị trường khó tính như EU, đòi hỏi doanh nghiệp (DN) đặc biệt là các DN nhỏ và vừa phải nắm bắt được nhu cầu, thị hiếu khách hàng của từng thị trường.
Nhờ hợp tác chặt với đối tác bản xứ ngay từ đầu, sản phẩm của Công ty TNHH Chiếc Lá Xanh (huyện Trảng Bom) đã có mặt ở thị trường Mỹ, châu Âu. Ảnh: Đào Lê |
[links()]Bên cạnh đó, khi Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực, cơ hội xuất khẩu hàng hóa vào thị trường hơn 500 triệu dân với những ưu đãi tốt là rất lớn, do đó ngay từ bây giờ, DN cần tích cực đổi mới công nghệ, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.
* Hợp tác chặt với các đối tác bản xứ
Theo ông Nguyễn Đức Tuấn Hải, Giám đốc Công ty TNHH Chiếc Lá Xanh (Khu công nghiệp Hố Nai, huyện Trảng Bom), hợp tác chặt chẽ với đối tác bản xứ từ thăm dò thị trường đến sản xuất sản phẩm, làm đúng chuẩn ngay từ đầu sẽ dễ thâm nhập hơn vào thị trường khó tính.
Dù chỉ là DN nhỏ nhưng khi làm ăn với đối tác nước ngoài, đặc biệt là Mỹ và EU, Công ty TNHH Chiếc Lá Xanh xem sản xuất bền vững là một yếu tố “sống còn”. Do đó, phần lớn sản phẩm như: thân đèn, đế, phụ kiện được làm từ mây tre đan, lục bình, gỗ và gốm sứ được công ty đặt hàng các làng nghề trong cả nước thực hiện theo dạng thủ công và buộc phải có nguồn gốc gỗ rõ ràng.
Khách hàng từ Mỹ, châu Âu đặc biệt coi trọng nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm. Hằng tháng, hằng quý đều cử người đến kiểm tra quy trình sản xuất của công ty. Nếu DN lơ là trong việc thu mua, kiểm tra nguồn gốc nguyên, vật liệu không được chứng nhận thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đơn hàng và sự hợp tác vì yếu tố sản xuất bền vững ở các nước phát triển rất xem trọng. “Cách tốt nhất để thâm nhập những thị trường như EU là hợp tác chặt chẽ với đối tác trong tất cả các khâu từ nguyên liệu đến xuất sản phẩm hoàn chỉnh. Bởi chỉ có họ mới nắm vững được tâm lý, sở thích riêng của khách hàng ở từng quốc gia” - ông Hải cho hay.
Ở ngành hàng chế biến nông sản, Công ty TNHH thực phẩm GC Food (huyện Trảng Bom) của ông Nguyễn Văn Thứ, đã có hàng chục loại sản phẩm khác nhau, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Ông Thứ cho hay, các khâu từ nguyên liệu đến thu hoạch, sản xuất đều đảm bảo sạch. Khách hàng nội địa, nước ngoài có thể đến tham quan, kiểm tra bất kỳ công đoạn nào trong chuỗi sản xuất. Qua quá trình giám sát các đơn hàng, công ty luôn đảm bảo chất lượng hàng hóa nên khách hàng rất tin tưởng. Thương hiệu của công ty từ đó được nâng dần lên. Sản phẩm vào được thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ nên cũng dễ dàng xuất sang thị trường châu Âu và các nước khác.
Rủi ro từ đầu tư vào nông nghiệp thường cao hơn nhiều so với những ngành khác nên đây có thể là lý do khiến nhiều DN không mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực này. Theo ông Thứ, ngay từ đầu phải nghiên cứu kỹ thị trường xem sản phẩm nào mình đưa ra có khả năng cạnh tranh được, chọn ra một vài loại nông sản chủ lực để tập trung đầu tư, nghiên cứu, chế biến đưa ra thị trường những sản phẩm đa dạng, đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng. “Ngoài những sản phẩm truyền thống, hiện nay, dưa lưới do các đơn vị thành viên của công ty đầu tư nhận được nhiều sự quan tâm từ châu Âu. Chúng tôi hy vọng trong một vài năm tới, sản phẩm dưa lưới của Việt Nam sẽ đến được với các siêu thị lớn trên thế giới, tạo tiếng vang cho thị trường nông sản” - ông Nguyễn Văn Thứ kỳ vọng.
* Tăng năng lực sản xuất qua đầu tư công nghệ
Ở lĩnh vực đồ gỗ, Công ty TNHH Hoài Phú Long (huyện Vĩnh Cửu) mỗi tháng xuất khẩu 40 container sản phẩm. Tuy nhiên đối với thị trường EU, DN này hầu như vẫn đang bước đầu tìm hiểu để bán hàng. Theo ông Tạ Ngọc Hoài, Giám đốc công ty thì để xuất khẩu vào EU, DN phải vượt qua nhiều rào cản kỹ thuật như: đảm bảo truy xuất nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu, tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng sản phẩm, an toàn lao động và môi trường.
“Muốn được cấp đạt các chứng nhận này thường rất khó và mất nhiều thời gian, DN vẫn đang nỗ lực để đổi mới tư duy cũng như nâng cao hiệu quả sản xuất nhằm từng bước phát triển bền vững và chuyên nghiệp hơn” - ông Tạ Ngọc Hoài khẳng định. Cũng theo ông Hoài, hiện DN đang xúc tiến để mở rộng nhà máy, đầu tư công nghệ, hợp tác với đối tác để nâng chất lượng sản phẩm và năng suất sản xuất vì hiện tại, chỉ riêng cung cấp cho các thị trường hiện có đã làm… không xuể.
Trong khi đó, ngành dệt may lại đang gặp khó khăn về nguồn lao động. Ở Công ty cổ phần Tổng công ty may Đồng Nai, dù đơn hàng xuất khẩu của DN năm sau đều cao hơn năm trước nhưng khó khăn lớn nhất lại là nguồn lao động ngày càng sụt giảm về số lượng. Điều này ảnh hưởng đến sản lượng cung ứng sản phẩm cho các đối tác, đặc biệt là vào những lúc cao điểm.
Để giải quyết vấn đề này, từ vài năm lại đây, may Đồng Nai đã dành một phần lợi nhuận thu được hằng năm của DN cho đổi mới công nghệ. Việc áp dụng thành tựu công nghệ, những ứng dụng từ cách mạng công nghiệp 4.0 vừa giúp cho DN tạo ra được sản phẩm tốt, lại thay thế được sức lao động nhờ tự động hóa. “Hằng năm, chúng tôi dành ra khoảng 10 tỷ đồng để đầu tư đổi mới công nghệ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về chất lượng cũng như số lượng sản phẩm của khách hàng” - ông Bùi Thế Kích, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tổng công ty may Đồng Nai cho hay.
Đào Lê