Bên cạnh phát triển vùng công nghiệp trọng yếu lớn nhất cả nước, đã hình thành và liên kết mạng lưới các khu công nghiệp tập trung và phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, vùng Đông Nam bộ đang hướng tới khai thác tối đa lợi thế tự nhiên để phát triển ngành công nghiệp không khói, trở thành động lực phát triển du lịch cả nước với hệ thống sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo, có thương hiệu và sức cạnh tranh.
Bên cạnh phát triển vùng công nghiệp trọng yếu lớn nhất cả nước, đã hình thành và liên kết mạng lưới các khu công nghiệp tập trung và phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, vùng Đông Nam bộ đang hướng tới khai thác tối đa lợi thế tự nhiên để phát triển ngành công nghiệp không khói, trở thành động lực phát triển du lịch cả nước với hệ thống sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo, có thương hiệu và sức cạnh tranh.
Du khách trải nghiệm chèo thuyền ở Vườn quốc gia Cát Tiên. Ảnh: L.A |
* Nhiều tiềm năng, thế mạnh
Không chỉ có nhiều lợi thế trong phát triển công nghiệp, dịch vụ, vùng Đông Nam bộ được đánh giá có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch. Theo đó, vùng có khí hậu thuận lợi, các diễn biến thất thường về khí hậu, thiên tai ở các địa phương trong vùng rất ít. Đây cũng là khu vực có các sông lớn và dài, có nhiều hồ lớn và hệ sinh thái rừng đa dạng. Vùng Đông Nam bộ có chiều dài bờ biển gần 180km với nhiều bãi biển đẹp, nước trong tại Bà Rịa - Vũng Tàu, hệ sinh thái rừng ngập mặn tại Cần Giờ (TP.Hồ Chí Minh). Tài nguyên du lịch sinh thái gắn liền với vườn quốc gia, khu dự trữ sinh quyển, khu bảo tồn, các khu rừng ngập mặn cũng rất phong phú như: Khu Dự trữ sinh quyển Đồng Nai, Khu Dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, Vườn quốc gia Cát Tiên, Vườn quốc gia Côn Đảo, Vườn quốc gia Bù Gia Mập, Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát. Ngoài ra, vùng Đông Nam bộ cũng có nguồn tài nguyên du lịch gắn liền với cảnh quan núi, cảnh quan, hệ sinh thái sông, hồ đa dạng.
Theo Chiến lược và quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Đông Nam bộ được xác định là một trong 7 vùng phát triển du lịch có vai trò quan trọng đối với du lịch cả nước. Các sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng là: du lịch đô thị, du lịch MICE (hội họp, hội nghị, triển lãm), tìm hiểu văn hóa lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng và sinh thái biển, đảo... |
Là cái nôi của phong trào cách mạng trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm đã để lại rất nhiều tài nguyên di tích lịch sử, văn hóa cách mạng tại các địa phương trong vùng, trong đó nhiều di tích lịch sử được công nhận cấp quốc gia đặc biệt. Bên cạnh đó, các lễ hội văn hóa dân gian, ẩm thực, nghề thủ công truyền thống phục vụ du lịch trong vùng cũng rất đa dạng, nhiều màu sắc. Đặc biệt, điều kiện về hạ tầng, vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch của vùng được đánh giá đứng đầu cả nước với hệ thống cảng hàng không, đường thủy, tàu hỏa, đường bộ nối các tỉnh, đô thị, các khu vực trong vùng và hệ thống đường đến các khu tuyến, điểm du lịch.
Với tiềm năng và lợi thế đó, những năm gần đây, ngành du lịch vùng Đông Nam bộ đã có bước phát triển mạnh mẽ, đội ngũ lao động có trình độ, kỹ năng tay nghề ngày càng cao; cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch có chất lượng cao nhất cả nước, đặc biệt là số lượng cơ sở lưu trú được xếp hạng sao, nhà hàng đạt tiêu chuẩn quốc tế và nhiều cơ sở vui chơi giải trí hiện đại.
* Liên kết để xây dựng sản phẩm đặc trưng
Dù hội tụ đa dạng tài nguyên du lịch với lợi thế rừng, biển, sông, hồ, hệ thống di tích văn hóa, lịch sử, làng nghề để phát triển nhiều loại hình du lịch nhưng do sự phát triển manh mún, chưa có sự gắn kết giữa các địa phương với hai trung tâm du lịch lớn là TP.Hồ Chí Minh và Bà Rịa - Vũng Tàu nên hiện vùng Đông Nam bộ vẫn chưa có những sản phẩm chung gắn kết liên tuyến đủ sức hấp dẫn du khách, nhất là du khách quốc tế. Bên cạnh đó là tình trạng thiếu sự phân công đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng, trùng lặp về sản phẩm du lịch... dẫn đến hiệu quả đầu tư và tính hấp dẫn chung của cả vùng chưa cao.
Nhiều ý kiến cho rằng TP.Hồ Chí Minh là cửa ngõ giao thông chính trong việc đón khách quốc tế của cả vùng nên rất phù hợp với vai trò trung tâm. Bên cạnh đó, những hiệp hội du lịch của các tỉnh, thành cũng phải chủ động để kết nối, ngồi lại với các công ty du lịch để căn cứ vào thế mạnh mỗi địa phương từ đó tạo ra các tour liên tuyến, tổng hợp nét độc đáo riêng biệt của mỗi địa phương, đáp ứng nhu cầu đa dạng như: tham quan, khám phá, mua sắm... của du khách. Trong đó có việc quy hoạch, kêu gọi đầu tư tạo thêm sản phẩm mới trên tuyến du lịch đường sông từ TP.Hồ Chí Minh đến TP.Biên Hòa thăm thú các di tích văn hóa như: Cù lao Phố, Khu du lịch Bửu Long, Văn miếu Trấn Biên rồi ngược dòng sông Đồng Nai lên hồ Trị An, Vườn quốc gia Cát Tiên; hay từ sông Sài Gòn ra sông Soài Rạp, ra biển đi dọc biển Vũng Tàu để nối kết với một loạt khu nghỉ dưỡng, vui chơi cao cấp như Hồ Tràm, Bình Châu...
TP.Hồ Chí Minh cũng vừa tổ chức lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Chiến lược phát triển du lịch thành phố đến năm 2030. Theo đó, Chiến lược phát triển du lịch TP.Hồ Chí Minh đến năm 2030 là hướng đến xây dựng sản phẩm du lịch hấp dẫn, đặc trưng, chủ lực; tập trung nâng chất các sự kiện và biến sự kiện trở thành sản phẩm quảng bá, thu hút du khách quốc tế đến TP.Hồ Chí Minh. Ông Hà Văn Siêu, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam cho rằng, việc xây dựng chiến lược phát triển du lịch TP.Hồ Chí Minh đến năm 2030 là đóng góp chung cho phát triển du lịch Việt Nam. Vai trò của du lịch TP.Hồ Chí Minh vô cùng to lớn trong sự liên kết vùng Đông Nam bộ nói riêng, đóng góp cho toàn ngành du lịch cả nước nói chung.
Đại diện Sở Văn hóa - thể thao và du lịch tỉnh Tây Ninh đánh giá, TP.Hồ Chí Minh có ngành du lịch phát triển nhất vùng, vì vậy có thể kéo du lịch các địa phương khác phát triển theo. Tỉnh Tây Ninh có các điểm du lịch như: núi Bà Đen cao nhất Đông Nam bộ; hồ Dầu Tiếng, công trình thủy nông nhân tạo lớn nhất Đông Nam Á; Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Căn cứ Trung ương Cục miền Nam cùng nhiều danh lam thắng cảnh, ẩm thực đặc trưng... rất phù hợp liên kết phát triển du lịch với TP.Hồ Chí Minh.
Còn theo ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, để du lịch Đông Nam bộ bứt phá thì phải gấp rút đẩy mạnh hơn nữa công tác đào tạo nguồn nhân lực cho ngành. Với sự phát triển nhanh và mạnh của ngành du lịch vùng trong thời gian tới, việc thiếu hụt đội ngũ lao động giàu tay nghề, kinh nghiệm của mỗi địa phương sẽ làm yếu đi sức cạnh tranh của vùng. Do đó, phải tăng cường hơn nữa công tác phối hợp, mở các lớp bồi dưỡng kỹ năng cho hướng dẫn viên cũng như chuẩn hóa giáo trình giảng dạy nâng cao tay nghề đội ngũ làm du lịch...
Thảo Nguyên (tổng hợp)