Báo Đồng Nai điện tử
En

Chậm triển khai cụm công nghiệp

03:02, 06/02/2020

Từ hàng chục cụm công nghiệp (CCN) được quy hoạch ban đầu, hiện nay số lượng CCN của tỉnh được rút gọn còn 27 do công tác thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng CCN gặp nhiều khó khăn,...

Từ hàng chục cụm công nghiệp (CCN) được quy hoạch ban đầu, hiện nay số lượng CCN của Đồng Nai đã được rút gọn còn lại 27. Dù đã có nhiều nỗ lực, song công tác thu hút nhà đầu tư nhằm phát triển, xây dựng hạ tầng CCN còn gặp rất nhiều khó khăn, không đạt yêu cầu đề ra.

Sau nhiều năm khởi động, Cụm công nghiệp Quang Trung, huyện Thống Nhất (vị trí đất cao su) vẫn chưa hoàn thành. Ảnh: Vương Thế
Sau nhiều năm khởi động, Cụm công nghiệp Quang Trung, huyện Thống Nhất (vị trí đất cao su) vẫn chưa hoàn thành. Ảnh: Vương Thế

[links()]Cũng chính sự chậm trễ trong công tác đầu tư hạ tầng mà vấn đề triển khai đề án hỗ trợ phát triển CCN tại Đồng Nai chưa đạt kết quả. Giai đoạn 2016-2020, tỉnh đặt kế hoạch hỗ trợ cho 10 CCN đầu tư hạ tầng nhưng chỉ mới có 1 đơn vị được hỗ trợ.

* Hàng loạt CCN tiếp tục chậm tiến độ

Theo Sở Công thương, trong số 27 CCN được quy hoạch nhằm phục vụ phát triển công nghiệp địa phương, hiện có 14 CCN thu hút 195 dự án đi vào hoạt động  sản xuất. Tổng diện tích đất cho thuê là trên 355 hécta, lấp đầy khoảng 68% diện tích đất công nghiệp cho thuê của 14 cụm và khoảng 37,7% của toàn bộ 27 cụm đã được quy hoạch.

Doanh nghiệp thứ cấp được hỗ trợ di dời

Theo Nghị quyết 94/2017 của HĐND tỉnh, các DN, cơ sở sản xuất kinh doanh khi thực hiện dự án di dời vào CCN được ngân sách tỉnh hỗ trợ chi phí tháo dỡ, bốc xếp, vận chuyển di dời, xây dựng cơ sở là 30 ngàn đồng/m2 tính theo diện tích thuê lại. Đối với DN vừa, mức hỗ trợ không quá 10 ngàn m2 diện tích và không quá 300 triệu đồng/DN. DN nhỏ, mức hỗ trợ không quá 5 ngàn m2 diện tích và không quá 150 triệu đồng. Hộ kinh doanh không quá 2 ngàn m2 và không quá 60 triệu đồng/hộ. Các hợp tác xã, tổ hợp tác được hỗ trợ như đối với DN nhỏ và vừa.

 

Mặc dù việc cho thuê đất công nghiệp tương đối khá, tuy nhiên thực tế, hiện nay mới chỉ có 4 CCN được đầu tư hạ tầng cơ bản đồng bộ. Nhiều CCN dù có doanh nghiệp (DN) hoạt động nhưng chưa được đầu tư xây dựng hạ tầng, nhiều CCN khác dù đã có quy hoạch nhưng do vướng công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) nhiều năm nên vẫn chưa hoàn thành.

Cụ thể, CCN Dốc 47 được quy hoạch trên diện tích 88,4 hécta, hiện đã có 27 DN đăng ký đầu tư, trong đó 19 DN đang hoạt động trong khi hạ tầng của CCN này chưa được triển khai đầu tư. Tháng 10-2018, UBND tỉnh đã giao cho TP.Biên Hòa điều chỉnh lại quy hoạch chi tiết 1/500, giảm diện tích của CCN này xuống còn 75 hécta đồng thời lập hồ sơ thành lập CCN. Tuy nhiên, đến cuối năm 2019 TP.Biên Hòa vẫn chưa hoàn thành.

Cũng tại TP.Biên Hòa, CCN gốm sứ Tân Hạnh dù đã đầu tư hạ tầng đồng bộ, có 37 DN đăng ký đầu tư vào sản xuất, kinh doanh nhưng nhiều DN vẫn chậm di dời, thậm chí có DN không thực hiện đúng mục tiêu đầu tư (sản xuất gốm). Từ thực trạng đó, TP.Biên Hòa kiến nghị thu hồi đất của 4 đơn vị đã được chấp thuận đầu tư nhưng chậm di dời và sử dụng đất sai mục đích đăng ký.

Tại huyện Trảng Bom, CCN An Viễn có diện tích 50 hécta do Công ty cổ phần kiến trúc và nội thất Nano làm chủ đầu tư lại gặp khó khăn do biến động giá đất xung quanh vị trí quy hoạch tăng lên rất cao so với thời điểm DN đăng ký đầu tư. Do không đủ kinh phí để thực hiện, DN này xin chuyển vị trí sang xã Đồi 61, thuộc phần đất của Nông trường cao su Trảng Bom quản lý. Tỉnh đã có văn bản gửi Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam xem xét nhưng hiện vẫn đang chờ ý kiến trả lời.

Tương tự, Vĩnh Cửu là địa phương có số lượng CCN nhiều nhất cả tỉnh với 6 cụm nhưng đến nay vẫn chưa có CCN nào hoàn thành do khó khăn về công tác đền bù, GPMB. Đơn vị có tiến độ triển khai thực hiện khá nhất là CCN vật liệu xây dựng Tân An diện tích 50 hécta, hiện đã bồi thường được trên 47 hécta, phần diện tích còn lại không xác định được chủ sở hữu và có sự chồng lấn về ranh giới đất nên chưa đạt được thỏa thuận bồi thường. Đây cũng là một trong 2 cụm cùng với CCN Thạnh Phú - Thiện Tân có nhiều DN sản xuất đã đi vào hoạt động. Những CCN còn lại là Tân An, Vĩnh Tân, Trị An và Thiện Tân đang ở các giai đoạn bồi thường khác nhau.

Theo Phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Vĩnh Cửu, nguyên nhân là do thủ tục đầu tư xây dựng CCN rất phức tạp, trong khi đó các thủ tục, chính sách hỗ trợ đầu tư và phát triển CCN lại chưa phát huy hiệu quả. Trên địa bàn huyện, một số CCN có một phần diện tích là đất lúa, đất rừng, đất công do Nhà nước quản lý. Những phần đất này phải tiến hành làm nhiều thủ tục mới có thể chuyển đổi công năng sử dụng, có những thủ tục đến nay vẫn chưa được cơ quan chức năng hướng dẫn thực hiện. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng kết nối đến các CCN còn thiếu, vị trí quy hoạch cụm cũng chưa hấp dẫn, do đó triển vọng để nhanh chóng hoàn thành xây dựng CCN là rất khó.

“Để đẩy nhanh tiến độ, huyện Vĩnh Cửu đề xuất rà soát, loại bỏ một số thủ tục pháp lý không cần thiết trong đầu tư, nhất là thủ tục thành lập CCN và cấp quyết định chủ trương đầu tư do có nhiều thủ tục khác nhau. Đồng thời, xây dựng lại bảng giá đất sát giá trị thực tế và quy trình bồi thường, GPMB phù hợp để có mặt bằng bàn giao chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án” - ông Lê Quang Hiển, Trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Vĩnh Cửu đề xuất.

* Đề án hỗ trợ phát triển CCN không đạt

Vấn đề khó khăn nhất của DN nhỏ, siêu nhỏ hiện nay là đất xây dựng nhà xưởng để sản xuất. Do đó, tỉnh xây dựng Đề án Phát triển CCN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020 nhằm xây dựng hạ tầng, thu hút DN vào thuê đất, mở nhà máy, mỗi năm hỗ trợ khoảng 2 CCN. Cụ thể, để khuyến khích chủ đầu tư hạ tầng CCN, tỉnh có chính sách hỗ trợ cho mỗi CCN khoảng 15-20 tỷ đồng nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án, sớm hoàn thành hạ tầng thu hút nhà đầu tư thứ cấp là DN nhỏ. Những huyện vùng sâu, vùng xa khó thu hút nhà đầu tư, tỉnh sẽ hỗ trợ việc bồi thường GPMB và giá đất sạch cho đơn vị đầu tư.

Đồ họa thể hiện số lượng các cụm công nghiệp đã có doanh nghiệp đăng ký đầu tư hạ tầng, cụm công nghiệp chưa có chủ đầu tư do vị trí quy hoạch không thuận lợi trong tổng số các cụm công nghiệp đã được  quy hoạch trên địa bàn tỉnh. (Thông tin: Vương Thế - Đồ họa: Hải Quân)
Đồ họa thể hiện số lượng các cụm công nghiệp đã có doanh nghiệp đăng ký đầu tư hạ tầng, cụm công nghiệp chưa có chủ đầu tư do vị trí quy hoạch không thuận lợi trong tổng số các cụm công nghiệp đã được quy hoạch trên địa bàn tỉnh. (Thông tin: Vương Thế - Đồ họa: Hải Quân)

Tại Nghị quyết số 94/2017/NQ-HĐND ngày 8-12-2017 của HĐND tỉnh về sửa đổi, bổ sung Điều 1 Nghị quyết số 189/2015/nq-hđnd ngày 11-12-2015 của HĐND tỉnh về một số chính sách hỗ trợ phát triển CCN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020 và Quyết định số 24/2018/QĐ-UBND ngày 7-5-2018 của UBND tỉnh về  sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định trình tự thủ tục thực hiện một số chính sách hỗ trợ phát triển CCN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020 ban hành kèm theo Quyết định số 32/2016/qđ-ubnd ngày
19-5-2016 của ubnd tỉnh đều quy định cụ thể, chi tiết về điều kiện được hỗ trợ.

Trên cơ sở đó và sự hướng dẫn của Sở Công thương, trong 2 năm (2018, 2019) đã có 6 CCN đăng ký đề nghị hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, tuy nhiên ngoài 1 CCN được hỗ trợ (năm 2018) là CCN Phú Thạnh - Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch thì có 5 CCN đã đăng ký (năm 2019) nhưng chưa được hỗ trợ do chưa đạt tỷ lệ khối lượng thi công đầu tư hạ tầng tối thiểu 20%).

Ngoài ra, tỉnh đã chọn 2 CCN Phú Túc (huyện Định Quán), diện tích hơn 48 hécta và Long Giao (huyện Cẩm Mỹ) có diện tích 57,3 hécta để thí điểm đầu tư, phát triển ngành công nghiệp chế biến nông sản. Các CCN này được ưu tiên tạm ứng kinh phí hỗ trợ bồi thường, GPMB từ Quỹ Phát triển đất của tỉnh nhằm kịp hình thành các CCN chế biến nông sản vào năm 2020 theo mục tiêu nghị quyết.

Nhìn chung, tiến độ triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng CCN còn chưa đáp ứng được mặt bằng sản xuất kinh doanh cho DN, nhất là DN nhỏ và vừa, do nhiều nguyên nhân mà nguyên nhân chủ yếu nhất vẫn xoay quanh vấn đề đất đai, bồi thường GPMB, tạo quỹ đất sạch để đầu tư hạ tầng CCN. Bên cạnh đó còn 4 cụm đã quy hoạch nhưng chưa mời gọi được nhà đầu tư hạ tầng do vị trí không thuận lợi. Do đó, công tác hỗ trợ không đạt tỷ lệ theo nghị quyết đề ra (chỉ hỗ trợ được 1 CCN so mục tiêu đề ra hỗ trợ 10 cụm, tỷ lệ 10%).

Để khắc phục những hạn chế trên, bà Nguyễn Hoàng Quyên, Trưởng phòng Quản lý công nghiệp (Sở Công thương) cho biết, Sở sẽ phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan tham mưu, đề xuất UBND tỉnh giải quyết các vướng mắc trong công tác bồi thường, GPMB trong quá trình đầu tư xây dựng hạ tầng, sớm thực hiện được đề án hỗ trợ phát triển CCN của tỉnh.

Vương Thế

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích