Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần hệ sinh thái cho nông nghiệp công nghệ cao

11:02, 17/02/2020

Thời gian qua, Đồng Nai luôn tích cực hỗ trợ, khuyến khích nông dân, doanh nghiệp phát triển các mô hình nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) nhưng sự phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng.

Thời gian qua, Đồng Nai luôn tích cực hỗ trợ, khuyến khích nông dân, doanh nghiệp phát triển các mô hình nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) nhưng sự phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng.

Đồng Nai quan tâm thu hút nông dân, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Trong ảnh: Nông dân các địa phương tham gia buổi trình diễn công nghệ phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy bay tự động tại xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc. Ảnh: B.Nguyên
Đồng Nai quan tâm thu hút nông dân, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Trong ảnh: Nông dân các địa phương tham gia buổi trình diễn công nghệ phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy bay tự động tại xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc. Ảnh: B.Nguyên

[links()]Theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp, cần xây dựng được một hệ sinh thái riêng cho NNCNC phát triển bền vững; phát huy được vai trò của cả Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân.

* Chọn lựa giải pháp phù hợp

Hiện sản xuất nông nghiệp có quá nhiều công nghệ cao và ở giai đoạn đầu tiếp cận, nhiều nông dân còn khá lúng túng trong chọn lựa công nghệ và giải pháp phù hợp nhất với điều kiện sản xuất tại địa phương. Theo một số doanh nghiệp đầu tư NNCNC trên địa bàn Đồng Nai, yêu cầu của đầu tư NNCNC là nguồn vốn lớn, lộ trình dài hơi. Nhưng nông dân vẫn có thể mạnh dạn tham gia với khởi đầu từ sản xuất nhỏ lẻ, nghiên cứu bằng phương pháp thủ công rồi đầu tư từng bước phát triển lên.

Cùng quan điểm, TS.Bùi Xuân Khôi, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu - phát triển bền vững (xã Trung Hòa, huyện Trảng Bom) cho rằng: “Điều quan trọng nhất để NNCNC phát triển vẫn là yếu tố con người, sẵn sàng thay đổi tư duy, mạnh dạn ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất”. Tri thức ứng dụng công nghệ cao với nông dân có thể bắt đầu từ việc trang bị những kiến thức về trồng trọt như: chọn giống mới, sử dụng đúng loại và đúng liều lượng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… vì dễ dàng ứng dụng cho đại trà nông dân.

Bàn về giải pháp căn cơ để phát triển NNCNC, TS.Lê Quý Kha, Phó viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam cho rằng một trong những điểm yếu hiện nay chính là ở đội ngũ lao động nông nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu. Đây là nguyên nhân chính khiến năng suất lao động của nông dân Việt Nam thua kém hẳn nông dân các nước. TS.Kha gợi ý: “Việt Nam nên đầu tư đào tạo nguồn nhân lực để tạo ra lớp nông dân trẻ thông minh. Lớp nông dân trẻ này phải được đào tạo bài bản về kiến thức trong sử dụng thiết bị công nghệ, máy móc hiện đại; về tư duy tiếp cận NNCNC…”.

* Tạo bệ đỡ thiết thực

Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Phú Cường tại xã Sông Ray (huyện Cẩm Mỹ) vừa được thành lập cũng với mục tiêu liên kết nông dân lại cùng phát triển NNCNC. Theo ông Phạm Phú Cường, Giám đốc Hợp tác xã NNCNC Phú Cường, ứng dụng công nghệ cao nhưng vẫn sản xuất với quy mô từng hộ nhỏ lẻ rất khó xây dựng được thương hiệu cũng như mở rộng thị trường tiêu thụ. Việc thành lập hợp tác xã giúp các xã viên có nhiều cơ hội tiếp cận các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước cũng như có tư cách pháp nhân tốt hơn trong tìm cơ hội đầu tư, hợp tác với doanh nghiệp. “Nông dân chúng tôi mong muốn các chính sách hỗ trợ của Nhà nước phải thiết thực hơn, nhất là sự hỗ trợ về nguồn vốn ưu đãi cũng như trong tìm đầu ra ổn định hơn cho sản phẩm NNCNC” - ông Cường nói.

Dưới góc độ từng địa phương, Trưởng phòng Nông nghiệp - phát triển nông thôn huyện Vĩnh Cửu Nguyễn Trần Phước Lộc cho biết, hiện vùng phát triển cây sầu riêng theo hướng công nghệ cao bền vững trên địa bàn các xã Tân An, Trị An, Vĩnh Tân đã thu hút doanh nghiệp đầu tư được khoảng 50 hécta. Một số diện tích sầu riêng chuyển đổi từ đất trồng tràm kém hiệu quả đã cho thu hoạch với giá trị cao đạt gần 2 tỷ đồng/năm/hécta. “Tuy nhiên, dự án này đang gặp khó khăn về quy hoạch; chưa được đầu tư về đường, điện hạ thế, thủy lợi… mong UBND tỉnh quan tâm hỗ trợ cho vùng phát triển NNCNC này tiếp tục được nhân rộng” - ông Lộc kiến nghị.

Tại hội nghị ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp tại Đồng Nai diễn ra đầu năm 2020, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp đánh giá, sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch; góp phần phát triển sản xuất, không ngừng nâng cao thu nhập cho nông dân. Tuy nhiên, phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh vẫn chưa xứng với tiềm năng. Đồng Nai sẽ quan tâm tổ chức các hội nghị ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp, tạo kết nối giữa nhà khoa học, nhà quản lý để tăng cường sự trao đổi, hợp tác giữa các bên về ứng dụng công nghệ cao; phương pháp tổ chức quản lý, khai thác nông nghiệp thông minh trong và ngoài nước. Trên cơ sở đó, các nhà lãnh đạo, quản lý của tỉnh xem xét, đề xuất những cơ chế chính sách để hỗ trợ phát triển và ứng dụng rộng rãi NNCNC vào thực tế sản xuất.

Lê Quyên

 

 

 

Tin xem nhiều