Báo Đồng Nai điện tử
En

Băn khoăn thị trường nước rửa tay

09:02, 20/02/2020

Thời gian gần đây, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang có nhiều diễn biến phức tạp, ngoài khẩu trang y tế, dung dịch sát khuẩn thì nước rửa tay khô hiện đang trong tình trạng "cháy" hàng.

Thời gian gần đây, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang có nhiều diễn biến phức tạp, ngoài khẩu trang y tế, dung dịch sát khuẩn thì nước rửa tay khô hiện đang trong tình trạng “cháy” hàng ở phần lớn các cửa hàng, nhà thuốc ở TP.Biên Hòa nói riêng và nhiều địa phương trên địa bàn Đồng Nai nói chung.

Các sản phẩm nước rửa tay giá rẻ được quảng cáo trên một trang Facebook chuyên kinh doanh các loại nước rửa tay, khẩu trang y tế... Ảnh: Chụp màn hình
Các sản phẩm nước rửa tay giá rẻ được quảng cáo trên một trang Facebook chuyên kinh doanh các loại nước rửa tay, khẩu trang y tế... Ảnh: Chụp màn hình

Do đó, nhiều người không còn cách nào khác là lựa chọn hình thức mua các loại nước rửa tay khô, dung dịch sát khuẩn thông qua các kênh bán hàng trực tuyến, mạng xã hội hoặc mua từ các “mối” không rõ nguồn gốc, chất lượng...

* Lập lờ nguồn gốc, chất lượng

Khi tìm kiếm cụm từ khóa “nước rửa tay khô” trên mạng xã hội, có vô số kết quả hiện ra với đa dạng các sản phẩm nước rửa tay cùng rất nhiều nhãn hiệu mà đa phần người tiêu dùng đều không biết đến. Các sản phẩm này được quảng cáo là chiết xuất từ trà xanh, nha đam, hương hoa, hương trái cây..., đóng theo lọ từ dung tích nhỏ 29ml đến các lọ 100, 120, 250 hay 500ml. Công dụng chung là dùng để rửa tay khô mọi lúc mọi nơi mà không cần rửa lại bằng nước, giúp làm sạch, kháng khuẩn giữa thời điểm dịch bệnh Covid-19.

Bên cạnh những sản phẩm được rao bán trên mạng xã hội, trên một số trang thương mại điện tử, các loại dung dịch rửa tay khô cũng được rao bán khá nhiều, từ hàng ngoại cho đến hàng Việt như: Bath&Body Works, Dettol, Assanis, Green Cross, S.P.Ca...

Theo nhiều chủ tài khoản mạng xã hội Facebook hoặc Zalo có kinh doanh nước rửa tay khô, hầu hết những sản phẩm này được mô tả là hàng “xách tay” từ nước ngoài hoặc có đảm bảo chứng nhận y tế, nhưng thực tế những thông tin này đều chưa được kiểm chứng hay xác thực, vì thế chất lượng và giá bán vẫn rất mập mờ, khó kiểm tra, đối chiếu.

Chị Phan Minh Hà, nhân viên văn phòng tại phường Quyết Thắng, TP.Biên Hòa chia sẻ: “Trước đây, cả nhà tôi không có thói quen sử dụng nước rửa tay khô. Nhưng giữa thời điểm dịch bệnh phức tạp, tôi phải trang bị cho cả gia đình mỗi người một lọ. Hiện tại, thị trường khan hàng, tôi chỉ có thể mua được nước rửa tay khô qua mạng, dù biết giá thành gấp 2-3 lần so với giá niêm yết, nguồn gốc xuất xứ chỉ mới đọc qua phần giới thiệu của người bán nhưng cứ bất chấp mua dùng trước cho an tâm”.

* Nước rửa tay sản xuất, kinh doanh tự phát liệu có an toàn?

Hiện nay, có rất nhiều đơn vị, cá nhân sản xuất mang tính tự phát, không đảm bảo điều kiện sản xuất, không kiểm soát chặt chẽ nguyên liệu đầu vào. Chính sự xuất hiện của những sản phẩm dung dịch rửa tay không rõ nguồn gốc xuất xứ, được rao bán tràn lan này đang làm loạn thị trường.

Dược sĩ Nguyễn Duy Văn, Phó phòng Nghiệp vụ (Sở Y tế) nhấn mạnh, nước rửa tay nhanh phải được pha theo đúng công thức của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) để đảm bảo chất lượng. Tại các cơ sở y tế, khoa dược có trách nhiệm pha chế dung dịch này trong tình huống cấp bách do dịch bệnh và thị trường khan hiếm, không đáp ứng được nhu cầu. Pha chế dung dịch này, các bệnh viện phải xây dựng quy trình chuẩn, có trang thiết bị y tế đạt chuẩn và được hội đồng khoa học kỹ thuật của bệnh viện duyệt. Dù vậy, sản phẩm chỉ được lưu hành nội bộ.

Còn người dân tự pha chế nước rửa tay khô có thể tham khảo công thức trên mạng. “Nhưng công thức có đúng theo khuyến cáo của WHO hay không thì không ai chắc chắn được. Do đó, chất lượng, vấn đề vệ sinh, trình độ của người pha chế sẽ khó kiểm soát. Họ muốn bán sản phẩm này trên thị trường bắt buộc phải làm thủ tục công bố chất lượng tại Sở Y tế” - dược sĩ Văn nói.

Đến nay, Đồng Nai chỉ có một số cơ sở lớn đăng ký chất lượng về nước rửa tay khô như cồn 70o theo quy định công bố chất lượng của các sản phẩm không phải là thuốc tại Sở Y tế.

Ông Võ Văn Tỉnh, Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Đồng Nai chia sẻ, người tiêu dùng nên chọn mua các loại dung dịch sát khuẩn, nước rửa tay khô, khẩu trang y tế ở những cửa hàng, nhà thuốc, chuỗi cung cấp có uy tín. Trước khi chọn mua sản phẩm, người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ các thông tin liên quan về nguồn gốc, thành phần, các tiêu chuẩn thể hiện trên nhãn sản phẩm, xem xét hàng hóa trước khi thanh toán, yêu cầu có hóa đơn mua hàng...

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Cục Quản lý thị trường Đồng Nai sẽ tăng cường công tác rà soát, kiểm tra và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm về niêm yết giá, găm hàng, kinh doanh các mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ... trong hoạt động kinh doanh khẩu trang y tế, nước sát khuẩn nhanh...

Bệnh viện tự điều chế nước rửa tay

Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp khiến thị trường nước rửa tay khô rơi vào tình trạng khan hiếm. Để chủ động phòng dịch, trên địa bàn tỉnh, Bệnh viện đa khoa Đồng Nai và Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh đều sử dụng công thức của WHO để điều chế nước rửa tay khô này. Các bệnh viện này đã đầu tư mua dụng cụ pha chế dung dịch này. Dung dịch này bao gồm: cồn (ethanol), tinh dầu tràm... được điều chế trong 3 ngày mới được sử dụng.

Bác sĩ Lê Thị Phương Trâm, Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa Đồng Nai chia sẻ, sau khi thông tin dịch Covid-19 xuất hiện ở Việt Nam, nguồn cung cấp các loại nước rửa tay theo kế hoạch hằng năm của bệnh viện hiện không đủ. Do đó, bệnh viện phải tự điều chế để sử dụng cho cả nhân viên bệnh viện lẫn bệnh nhân, thân nhân bệnh nhân.

“Đây là trường hợp bất ngờ vì dịch bệnh. Chúng tôi chỉ sử dụng nội bộ, không bán ra ngoài nên không đăng ký về chất lượng mà chỉ pha chế theo công thức của WHO” - bác sĩ Trâm nhấn mạnh.

Lam Phương - Khánh Ngọc

Tin xem nhiều