Báo Đồng Nai điện tử
En

Xu hướng phát triển các cụm công nghiệp chuyên ngành

09:01, 13/01/2020

Trong xu thế phát triển công nghiệp hiện nay, cụm công nghiệp chuyên ngành sẽ góp phần giải quyết vấn đề mặt bằng sản xuất, cũng như thúc đẩy doanh nghiệp phát triển...

Trong xu thế phát triển công nghiệp hiện nay, cụm công nghiệp chuyên ngành sẽ góp phần giải quyết vấn đề mặt bằng sản xuất, cũng như thúc đẩy doanh nghiệp phát triển. Các cụm công nghiệp chuyên ngành sẽ thu hút các doanh nghiệp hỗ trợ nhau trong một lĩnh vực nào đó để tạo thành chuỗi sản xuất.

Huyện Định Quán mong muốn Cụm công nghiệp Phú Túc (nơi ưu tiên bố trí ngành nghề liên quan đến chế biến nông sản) sớm được triển khai để tạo điều kiện phát triển ngành công nghiệp chế biến nông sản của địa phương. Trong ảnh: Công nhân đang sơ chế ca cao tại một công ty chế biến nông sản ở huyện Định Quán. Ảnh: L.Phương
Huyện Định Quán mong muốn Cụm công nghiệp Phú Túc (nơi ưu tiên bố trí ngành nghề liên quan đến chế biến nông sản) sớm được triển khai để tạo điều kiện phát triển ngành công nghiệp chế biến nông sản của địa phương. Trong ảnh: Công nhân đang sơ chế ca cao tại một công ty chế biến nông sản ở huyện Định Quán. Ảnh: L.Phương

Trên thực tế, hiện nay, Đồng Nai cũng đang hướng tới phát triển các cụm công nghiệp chuyên ngành.

* Mang lại nhiều lợi thế

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có một số cụm công nghiệp chuyên ngành như: Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh, Cụm công nghiệp vật liệu xây dựng Hố Nai đã đi vào hoạt động. Ngoài ra, một số cụm công nghiệp chuyên ngành khác như gỗ và chế biến nông sản cũng đang được đầu tư xây dựng.

Theo Sở Công thương, Đồng Nai có 27 Cụm công nghiệp đã được quy hoạch. Trong đó có 8 cụm công nghiệp chuyên ngành gồm: 2 cụm công nghiệp chuyên ngành vật liệu xây dựng, 1 cụm công nghiệp chuyên ngành gốm sứ, 2 cụm công nghiệp về chế biến gỗ, 1 cụm công nghiệp về cơ khí ô tô và 2 cụm công nghiệp đa ngành nhưng chủ yếu bố trí ngành dệt may. 

Việc phát triển các cụm công nghiệp chuyên ngành sẽ giúp cho các doanh nghiệp cùng lĩnh vực, các doanh nghiệp “vệ tinh” hoạt động sát nhau, tạo thuận lợi cho quá trình sản xuất và hoàn thiện sản phẩm, từ đó tạo ra các lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

Ông Châu Minh Nguyện, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh chia sẻ, xu hướng phát triển các cụm công nghiệp chuyên ngành sẽ giải quyết được nhiều vấn đề liên quan đến mặt bằng sản xuất đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, công tác xử lý chất thải, thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ. Đơn cử như hoạt động sản xuất linh kiện về cơ khí thì sẽ có doanh nghiệp khác làm khâu xi mạ... Do đó, nếu kết nối các doanh nghiệp này vào một cụm thì rất thuận lợi trong hoạt động cũng như có phương án xử lý chất thải tập trung, phù hợp riêng trong cụm công nghiệp chuyên ngành về cơ khí. Điều này cũng đúng với các cụm công nghiệp về dệt may, chế biến thực phẩm, chế biến gỗ...

gốm sứ Tân Hạnh (TP.Biên Hòa) là một trong những cụm công nghiệp chuyên ngành trên địa bàn tỉnh đã đi vào hoạt động. Trong ảnh: Sản xuất gốm sứ tại cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh. (Ảnh: Hương Giang)
Gốm sứ Tân Hạnh (TP.Biên Hòa) là một trong những cụm công nghiệp chuyên ngành trên địa bàn tỉnh đã đi vào hoạt động. Trong ảnh: Sản xuất gốm sứ tại cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh. (Ảnh: Hương Giang)

Theo Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai (Dowa), dù tình hình xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ đang có nhiều thuận lợi, tuy nhiên hiện các doanh nghiệp vẫn gặp một số khó khăn trong quá trình sản xuất. Trong đó, vấn đề mặt bằng sản xuất đang là khó khăn lớn nhất đối với các doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Quý, đại diện của Dowa chia sẻ, do thuận lợi trong xuất khẩu, đơn hàng dồi dào nên các doanh nghiệp có nhu cầu lớn về mở rộng sản xuất, tuy nhiên hiện việc tìm mặt bằng đáp ứng nhu cầu này gặp nhiều khó khăn. Vậy nên, việc phát triển các cụm công nghiệp chuyên về chế biến gỗ sẽ góp phần giải quyết được những khó khăn này.

Bên cạnh đó, ngành gỗ yêu cầu cao về phòng cháy, chữa cháy, do đó khi xây dựng hạ tầng cho cụm công nghiệp chuyên ngành gỗ nhà đầu tư cũng sẽ chú trọng đầu tư cho công tác này hơn bình thường. Do đó, khi xây dựng các cụm công nghiệp chuyên ngành về gỗ sẽ tạo điều kiện hỗ trợ tốt cho các doanh nghiệp thực hiện các quy định của Nhà nước về môi trường, phòng cháy, chữa cháy...

* Gặp khó trong quá trình triển khai

Đồng Nai là một trong những địa phương chú trọng nhân rộng mô hình để thực hiện chủ trương phát triển ngành công nghiệp chế biến nông sản, giải quyết việc tiêu thụ các sản phẩm nông sản theo hướng chế biến sâu, bền vững trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tỉnh đã chọn 2 cụm công nghiệp: Cụm công nghiệp Phú Túc (huyện Định Quán) được quy hoạch diện tích hơn 48 hécta và Cụm công nghiệp Long Giao (huyện Cẩm Mỹ) có diện tích 57,3 hécta để thí điểm đầu tư, phát triển ngành công nghiệp chế biến nông sản.

Tuy nhiên, trên thực tế việc triển khai 2 cụm công nghiệp này vẫn đang tồn tại những khó khăn, nhất là vấn đề liên quan đến giải phóng mặt bằng. Đơn cử, Theo Sở Công thương, Cụm công nghiệp Phú Túc (huyện Định Quán) được quy hoạch diện tích hơn 48 hécta, dự kiến sẽ dành 60% quỹ đất công nghiệp để ưu tiên bố trí ngành nghề liên quan đến chế biến nông sản, thực phẩm. 40% diện tích đất công nghiệp còn lại sẽ bố trí cho việc xây dựng kho bãi, kho đông lạnh dùng để chứa và bảo quản nguyên liệu trước và sau khi chế biến, cũng như bố trí một số ngành công nghiệp có lợi thế ở địa phương...

Mặc dù địa phương mong muốn Cụm công nghiệp Phú Túc sớm được triển khai, tuy nhiên, việc triển khai cụm công nghiệp này vẫn còn gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng cũng như kêu gọi các doanh nghiệp có tiềm năng vào cụm công nghiệp này.

Tương tự, Cụm công nghiệp Thiện Tân (Vĩnh Cửu) với diện tích 75 hécta để đáp ứng nhu cầu mặt bằng sản xuất đối với các doanh nghiệp gỗ cũng đang chậm tiến độ do các vướng mắc về quá trình giải phóng mặt bằng và hạng mục thoát nước ngoài ranh cụm công nghiệp... Ngoài ra, cụm công nghiệp đặc thù dành cho ngành nghề truyền thống như Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh (TP.Biên Hòa), dù đã đi vào hoạt động nhưng cũng còn gặp khó khăn như một số doanh nghiệp gốm sau khi di dời vào đã hoạt động sản xuất - kinh doanh không đúng ngành nghề; những doanh nghiệp không thuộc diện di dời cần xử lý việc cho thuê đất, chi phí hạ tầng...

Bà Nguyễn Hoàng Quyên, Trưởng phòng Quản lý công nghiệp (Sở Công thương) chia sẻ, trong thời gian tới, Sở sẽ phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan tham mưu, đề xuất UBND tỉnh giải quyết những khó khăn, vướng mắc, nhất là những vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng trong quá trình đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp nói chung và các cụm công nghiệp chuyên ngành đang bị chậm tiến độ triển khai hoặc gặp khó trong quá trình hoạt động nói riêng...

Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh yêu cầu Sở Công thương phối hợp với các sở, ngành, địa phương tiếp tục rà soát lại hiệu quả đầu tư của các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh; trong đó cần đẩy nhanh tiến độ triển khai và có kế hoạch phát triển phù hợp đối với các cụm công nghiệp về chế biến gỗ, gốm sứ, chế biến thực phẩm... đang còn vướng mắc, nhằm tạo thêm mặt bằng sản xuất ổn định, đảm bảo các quy định về môi trường, phòng cháy, chữa cháy... để thu hút các doanh nghiệp. Từ đó, kết hợp chặt chẽ việc phát triển hạ tầng cụm công nghiệp với việc thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo định hướng chung của tỉnh.

Lam Phương

Tin xem nhiều