Báo Đồng Nai điện tử
En

Thanh toán không dùng tiền mặt: Vẫn ít người dùng

03:01, 07/01/2020

Thanh toán không dùng tiền mặt là mục tiêu của Chính phủ nhằm hạn chế khối lượng tiền mặt lưu thông và minh bạch hóa các dòng tiền trong nền kinh tế.

Thanh toán không dùng tiền mặt là mục tiêu của Chính phủ nhằm hạn chế khối lượng tiền mặt lưu thông và minh bạch hóa các dòng tiền trong nền kinh tế. Mới đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2020.

Người dân sử dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt khi mua sắm tại Co.opmart Biên Hòa. Ảnh: H.Quân
Người dân sử dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt khi mua sắm tại Co.opmart Biên Hòa. Ảnh: H.Quân

[links()]Trong đó, có nhiệm vụ đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt là thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công; đảm bảo các hệ thống thanh toán, hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán ổn định, an toàn và hiệu quả.

Trong thời gian qua, các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, nhất là hình thức thanh toán qua thẻ tín dụng đang dần gia tăng. Tuy nhiên, trên thực tế, tỷ lệ người sử dụng tiền mặt vẫn còn cao.

* Rất ít người chịu “quẹt thẻ”

Trên thực tế, trong các loại hình dịch vụ, mua sắm, phần đông người tiêu dùng vẫn giữ thói quen chi tiêu bằng tiền mặt. Đặc biệt, ở các khu vực nông thôn, số lượng người không có tài khoản tại ngân hàng còn nhiều nên hình thức thanh toán không dùng tiền mặt vẫn còn chưa phổ biến.

Một trong những khó khăn trong việc nâng cao tỷ lệ khách hàng áp dụng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt là các ứng dụng thanh toán này đòi hỏi người dùng am hiểu về công nghệ, có tài khoản tại các ngân hàng liên kết. Hơn thế nữa, phần lớn khách hàng ở khu vực nông thôn với mật độ dân thưa, chưa tiếp cận được với các hình thức thanh toán điện tử.

Nhiều siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn tỉnh đã triển khai các hình thức thanh toán như: thẻ ngân hàng qua máy POS, ví điện tử, chuyển khoản trực tiếp… cũng như có thêm các chương trình ưu đãi, chính sách hợp tác với ngân hàng để tích điểm cho chủ thẻ, hoàn tiền, giảm giá, ưu đãi khi sử dụng thẻ ngân hàng để thanh toán; phát hành thẻ thành viên, thẻ khách hàng thân thiết... Tuy nhiên, lượng khách hàng sử dụng các hình thức không dùng tiền mặt vẫn không được như kỳ vọng.

Ông Trang Phúc, Trưởng phòng Marketing của Co.opmart Biên Hòa cho biết, siêu thị có khoảng 30 máy POS, mở rộng việc triển khai thanh toán bằng ví điện tử để hỗ trợ khách hàng sử dụng phương thức thanh toán bằng các loại thẻ ngân hàng. Hiện nay mỗi ngày, siêu thị có khoảng 3-4 ngàn lượt giao dịch, tỷ lệ giao dịch bằng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt chỉ đạt khoảng 600-800 giao dịch/ngày.

Bà Nguyễn Thị Kim Hoàng, Giám đốc Siêu thị Hoàng Đức (TP.Long Khánh) cho hay, tỷ lệ khách hàng thanh toán bằng các hình thức không dùng tiền mặt như quẹt thẻ, sử dụng các ứng dụng thanh toán trực tuyến tại siêu thị còn thấp, mới chỉ khoảng 3-5% tổng số giao dịch của siêu thị. Có những trường hợp khách hàng là công nhân, người lao động, nhân viên văn phòng vẫn xếp hàng dài chờ rút tiền ở trụ ATM để thanh toán tiền tại siêu thị, dù siêu thị có tư vấn sử dụng hình thức quẹt thẻ nhanh, gọn…”.

Đồ họa thể hiện sự gia tăng số lượng máy cà thẻ ngân hàng hỗ trợ thanh toán tiền hóa đơn, dịch vụ hàng hóa như: POS, EFPPOS, EDC... và số lượng đơn vị chấp nhận thanh toán bằng thẻ ngân hàng trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2016-2019. Nguồn: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai. (Đồ họa: HẢI QUÂN)
Đồ họa thể hiện sự gia tăng số lượng máy cà thẻ ngân hàng hỗ trợ thanh toán tiền hóa đơn, dịch vụ hàng hóa như: POS, EFPPOS, EDC... và số lượng đơn vị chấp nhận thanh toán bằng thẻ ngân hàng trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2016-2019. Nguồn: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai. (Đồ họa: HẢI QUÂN)

Ông Bùi Ngọc Hưng, Giám sát khu vực của chuỗi hệ thống cửa hàng thực phẩm Co.op Food ở Đồng Nai chia sẻ, chuỗi cửa hàng Co.op Food khuyến khích các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt như thanh toán thông qua máy POS, ví điện tử… Tuy nhiên, trên thực tế, tỷ lệ khách hàng sử dụng các hình thức này chưa được như mong đợi, mới chỉ khoảng 10% tổng số giao dịch.

Tương tự, khảo sát tại nhiều cửa hàng nhỏ, quán cà phê, trà sữa, nhà hàng, quán ăn gia đình, việc áp dụng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt vẫn chưa phổ biến, chủ yếu khách hàng vẫn ưu tiên lựa chọn phương thức “tiền trao cháo múc”.

* Vẫn nhiều băn khoăn

Vấn đề khiến phần lớn người tiêu dùng còn ngại sử dụng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt là về bảo mật. Bên cạnh đó, còn có những lý do phổ biến như: lo ngại sẽ chi tiêu “quá tay” khi sử dụng thẻ, kết nối các loại thẻ; các chương trình ưu đãi khi sử dụng thẻ còn hạn chế, chưa đồng bộ...

Bà Thúy Nga (ngụ phường Tân Phong, TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Tôi có thẻ để quẹt khi mua sắm nhưng vẫn thường sử dụng tiền mặt để thanh toán khi đi chợ, đi siêu thị do thói quen tiêu dùng từ xưa đến giờ vẫn hay sử dụng tiền mặt. Hơn nữa, tôi cũng không rành về công nghệ nên không an tâm khi “quẹt thẻ”, sợ bị mất tiền oan…”.

Chị Trúc Ngọc (ngụ phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Tuy sử dụng thẻ có nhiều tiện ích nhưng vẫn có một số bất lợi, rủi ro nhất định. Chưa kể, lãi suất phạt quá hạn thanh toán thẻ tín dụng khá cao”.

Ông Phạm Quốc Bảo, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai cho biết, qua khảo sát tại các ngân hàng thương mại, các cơ quan, đơn vị cho thấy, số lượng giao dịch không dùng tiền mặt có tăng lên trong thời gian qua, tuy nhiên trên thực tế, tỷ lệ sử dụng tiền mặt của người dân vẫn còn cao do thói quen tiêu dùng và những lo ngại về các loại phí phát sinh... Hơn thế nữa, nhiều doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh còn ngần ngại sử dụng dịch vụ này vì còn “ngại” công khai doanh thu, cũng như chi trả các loại phí trong quá trình giao dịch…

* Cần lộ trình phù hợp

Hiện nay, nhiều dịch vụ công, các dịch vụ y tế, giao thông… trên địa bàn tỉnh đã triển khai các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt. Tuy nhiên, việc triển khai này vẫn chưa diễn ra trên diện rộng hoặc thí điểm ở một vài cơ sở lớn. Hơn nữa, nhiều người dân vẫn còn bỡ ngỡ khi thanh toán bằng các hình thức mới.

Theo TS-BS.Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế, thực tế, lượng tiền mặt chi trả các dịch vụ y tế, phí bảo hiểm y tế là rất lớn. Các cơ sở y tế cũng gặp khó khăn về kiểm đếm, chuyên chở, bảo quản tiền và nhất là cần nhân lực lớn cho công tác tài chính. Do đó, thanh toán viện phí không dùng tiền mặt sẽ là xu hướng chung mà các cơ sở y tế “buộc” phải triển khai. Tuy nhiên, ngành Y tế sẽ không triển khai ồ ạt mà phụ thuộc vào tình hình thực tế của mỗi đơn vị và đặc tính của người dân mỗi địa phương.

Ví dụ, các bệnh viện lớn như: Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh có thể triển khai thanh toán viện phí không dùng tiền mặt sớm do các đơn vị này có số lượng bệnh nhân đông, các ngân hàng sẽ hỗ trợ. Còn các trung tâm y tế tuyến huyện vẫn chưa thể triển khai ngay vì chưa có nguồn lực kinh tế để đầu tư cho hệ thống này.

Hiện nay, Bệnh viện đa khoa Đồng Nai là đơn vị đầu tiên trong tỉnh triển khai hình thức thanh toán viện phí không dùng tiền mặt. Bác sĩ Lê Thị Phương Trâm, Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa Đồng Nai chia sẻ, nhằm hạn chế tình trạng bệnh nhân xếp hàng chờ đợi và bị mất trộm khi sử dụng tiền mặt trong khám, chữa bệnh, từ tháng
12-2019, bệnh viện bắt đầu triển khai phát hành thẻ khám bệnh, thanh toán viện phí.

Thẻ khám bệnh này giống như thẻ ATM chứa thông tin người bệnh, mã số thẻ bảo hiểm y tế (đối với người khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế) hoặc mã số bệnh nhân (đối với người không có bảo hiểm y tế) và tiền trong tài khoản. Người dân chỉ cần quẹt thẻ để đăng ký, thanh toán viện phí khi thực hiện các kỹ thuật cận lâm sàng, thuốc, tạm ứng viện phí. Sau đó, hệ thống sẽ gửi thông báo số tiền bệnh nhân bị trừ qua tin nhắn điện thoại.

“Trong thời gian đầu thực hiện, bệnh viện đang cử một tổ hướng dẫn cho người dân đến khám ở bệnh viện. Tuy nhiên, đa số bệnh nhân làm thẻ này chỉ để đăng ký khám, chữa bệnh nhanh mà không nạp tiền vào thẻ. Sau đó, nhân viên của bệnh viện phải giải thích, động viên để bệnh nhân nộp tiền ngay khi làm thẻ. Đa phần bệnh nhân đã đồng ý” - bác sĩ Lê Thị Phương Trâm cho hay.

Trong khi đó, việc thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng là một chủ trương lớn của Chính phủ, khi thực hiện đồng loạt sẽ góp phần giảm ùn tắc giao thông, giảm thanh toán tiền mặt… Tuy nhiên, sau 3 năm triển khai trên cả nước nói chung và ở Đồng Nai nói riêng, việc thu phí theo hình thức này vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập.

Ông Lê Quang Vinh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần đầu tư xây dựng cầu Đồng Nai cho biết, từ tháng 2-2018, Trạm thu phí cầu Đồng Nai đã phối hợp với Công ty TNHH thu phí tự động VETC triển khai thu phí tự động không dừng. Đến nay, lượng phương tiện dán thẻ thu phí tự động Etag đạt khoảng 35%, chiếm 1/3 trong tổng số lượt xe qua trạm nhưng lượng phương tiện kích hoạt thẻ để thanh toán còn rất ít.

Theo nhiều doanh nghiệp vận tải, ngay cả khi doanh nghiệp tự nguyện mua thẻ Etag, nếu các trạm thu phí BOT trên cả nước chưa được lắp đặt hệ thống thu phí không dừng đồng bộ thì một thẻ không thể đi qua được tất cả các trạm thu phí. Muốn đi được, doanh nghiệp phải mua nhiều thẻ khác, từ đó sẽ tốn thêm chi phí trả tiền trước. Chính những tồn tại, bất cập này khiến các doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải, nhiều nơi chưa mua thẻ Etag hoặc phải bỏ dang dở việc sử dụng dịch vụ thu phí không dừng để chuyển sang mua vé giấy, nhất là các đơn vị giao thông công cộng.

Hoàng Hải - Khánh Ngọc - Võ Nguyên

 

 

Tin xem nhiều