TP.Hồ Chí Minh định hướng phát triển khu phía Đông thành đô thị sáng tạo, nhằm tạo sự tương tác giữa các lĩnh vực nghiên cứu và phát triển, đào tạo nguồn nhân lực, ứng dụng khoa học công nghệ.
TP.Hồ Chí Minh định hướng phát triển khu phía Đông thành đô thị sáng tạo, nhằm tạo sự tương tác giữa các lĩnh vực nghiên cứu và phát triển, đào tạo nguồn nhân lực, ứng dụng khoa học công nghệ.
Nút giao Cát Lái trên xa lộ Hà Nội. Ảnh: sggp.org.vn |
Thời gian qua, khu Đông được xem là điểm sáng về phát triển hạ tầng với hàng loạt dự án quy mô lớn đã và đang được triển khai xây dựng.
* Đổi thay từng ngày
Tuyến xa lộ Hà Nội sau khi được nâng cấp, mở rộng, cầu Sài Gòn 2 và cầu Rạch Chiếc xây mới đưa vào sử dụng đã góp phần giảm áp lực giao thông, khắc phục ùn tắc tại cửa ngõ phía Đông TP.Hồ Chí Minh. Phương tiện di chuyển rất thuận tiện, giao thông thông thoáng khác hẳn với hình ảnh ùn tắc giao thông liên tiếp như trước đây.
Mới đây, hầm chui trên quốc lộ 1, đoạn qua Khu du lịch Suối Tiên (quận 9) - nút giao Đại học quốc gia (thuộc dự án mở rộng xa lộ Hà Nội) được đưa vào sử dụng sau hơn 3,5 năm thi công. Công trình có chiều dài hơn 1,8km, nằm trên địa bàn quận 9, quận Thủ Đức và TX.Dĩ An (tỉnh Bình Dương) với 8 làn xe được rải nhựa mới rộng thênh thang.
Sức bật hạ tầng khu Đông TP.Hồ Chí Minh đã góp phần quan trọng trong việc kết nối giao thông trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đặc biệt là Đồng Nai - địa phương giáp ranh với khu Đông TP.Hồ Chí Minh. |
Tầng dưới hầm hở, ô tô, xe tải, xe container chạy rất thông thoáng. Tầng trên, hai bên là đường song hành, dành cho xe máy và ô tô sang đường, hình thành dòng lưu thông liên tục. Với 8 làn xe chính, chưa kể 6 làn đường song hành hai bên, đây là một trong những tuyến quốc lộ có lộ giới rộng nhất, đáp ứng tốt nhất nhu cầu đi lại, trung chuyển hàng hóa giữa các tỉnh miền Đông, TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây Nam bộ.
Ngoài trục chính xa lộ Hà Nội, khu Đông còn có hàng loạt trục giao thông chiến lược như: đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây (đoạn 4km đầu), metro Bến Thành - Suối Tiên, vành đai 2, Mai Chí Thọ, Đồng Văn Cống, mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh… là cú hích tạo động lực phát triển khu vực này.
Bên cạnh đó, giao thông khu Đông còn có thể dễ dàng di chuyển về các hướng cầu Phú Mỹ, Thủ Thiêm, hầm Thủ Thiêm, đại lộ Võ Văn Kiệt... với thời gian vào khu trung tâm TP.Hồ Chí Minh khoảng 15-20 phút. Ngoài ra, việc kết nối cầu Phú Mỹ với tuyến đường vành đai giúp giao thông giữa khu Đông và Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng cũng như các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An trở nên thuận tiện.
Không chỉ đường bộ, khu vực này còn hội tụ được các tuyến giao thông huyết mạch cả đường thủy, tạo cầu nối giao thương hàng hóa từ các cảng xung quanh và nổi bật với hoạt động du lịch, giải trí đường thủy trên sông...
* Khẩn trương hoàn thành các dự án
Hiện nay, TP.Hồ Chí Minh tỏ rõ quyết tâm sẽ xây dựng dự án đô thị sáng tạo tại khu Đông dựa trên lợi thế về vị trí trung tâm kết nối tứ giác kinh tế năng động gồm: TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu. Do vậy, để xây dựng nền tảng cho đô thị sáng tạo, hạ tầng giao thông là một trong những yếu tố then chốt.
Bên cạnh việc hoàn thành tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên, TP.Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục triển khai hàng loạt dự án hạ tầng ở khu Đông như làm đường song hành đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh; mở rộng đường Nguyễn Thị Định; khép kín đường vành đai 2; xây dựng đường vành đai 3... Đặc biệt, dự án giao thông huyết mạch nhất của khu Đông là xa lộ Hà Nội và khép kín đường vành đai 2 kéo dài hơn một thập niên qua vẫn chưa hoàn thành.
Ông Nguyễn Thanh Nam, Giám đốc Ban Điều hành dự án xa lộ Hà Nội, cho biết nút giao thông Đại học quốc gia TP.Hồ Chí Minh nằm trong dự án nâng cấp, mở rộng xa lộ Hà Nội và quốc lộ 1 (đoạn từ cầu vượt Trạm 2, TP.Hồ Chí Minh). Đến nay đã xây dựng xong và đưa vào sử dụng toàn bộ phần trục chính xa lộ Hà Nội. Hiện dự án vẫn còn một số hạng mục chưa hoàn tất do vướng mặt bằng và trùng lắp mặt bằng với các dự án khác.
Sau nhiều năm triển khai, dự án đường Vành đai 2 còn nhiều km chưa được đầu tư khép kín do vướng cơ chế. Nhằm tháo gỡ ách tắc này, UBND TP.Hồ Chí Minh đồng ý để các đơn vị nghiên cứu triển khai song song 2 phương thức sử dụng vốn ngân sách cho công tác đền bù giải tỏa, đồng thời thực hiện hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) đối với gói thầu xây lắp.
Theo Sở Giao thông - vận tải TP.Hồ Chí Minh, việc xây dựng khép kín đường vành đai 2 sẽ được đầu tư toàn bộ bằng vốn ngân sách. Ban Quản lý dự án các công trình giao thông TP.Hồ Chí Minh sẽ trình báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng 3 đoạn của đường vành đai 2 nhằm khép kín đường này với tổng chiều dài 64km cho 8-10 làn xe lưu thông.
Trong đó, đoạn 1 từ cầu Phú Hữu đến nút giao thông Bình Thái (quận 9) dài 3,8km, rộng 67m; đoạn 2 từ nút giao thông Bình Thái đến ngã ba Linh Đông (quận Thủ Đức) dài 2km, rộng 67m; đoạn 3 từ nút giao An Lập đến đường Nguyễn Văn Linh dài 5,3km, rộng 60m. Tổng mức đầu tư 3 đoạn đường vành đai 2 khoảng 14 ngàn tỷ đồng bằng nhiều hình thức đầu tư, trong đó phần lớn chuyển sang sử dụng vốn ngân sách thay vì xã hội hóa như trước đây.
Theo kế hoạch trước đây, dự án đường vành đai 2 hoàn thành vào năm 2018, nhưng sau đó được điều chỉnh thời gian hoàn thành trước năm 2020, nay tiếp tục điều chỉnh đến năm 2022. Nhiều chuyên gia về cầu đường cho rằng để dự án hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng các đơn vị và địa phương phải phối hợp vừa thi công vừa cung cấp dịch vụ cho người dân sử dụng. Do vậy, TP.Hồ Chí Minh phải có đơn vị điều phối và chủ trì vấn đề này để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành tuyến đường quan trọng đúng như kế hoạch đề ra.
L.V (tổng hợp)