Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhiều đơn hàng đầu năm

10:01, 20/01/2020

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh đã nhận được đơn hàng sản xuất đến giữa năm hoặc cuối năm. Dự báo, năm 2020 kim ngạch xuất khẩu của Đồng Nai cũng như cả nước tăng khá. Đồng Nai sẽ tiếp tục nằm trong tốp 5 tỉnh, thành xuất khẩu lớn nhất cả nước.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh đã nhận được đơn hàng sản xuất đến giữa năm hoặc cuối năm. Dự báo, năm 2020 kim ngạch xuất khẩu của Đồng Nai cũng như cả nước tăng khá. Đồng Nai sẽ tiếp tục nằm trong tốp 5 tỉnh, thành xuất khẩu lớn nhất cả nước.

Sản xuất trong Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 giai đoạn 2. Ảnh: H.Giang
Sản xuất trong Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 giai đoạn 2. Ảnh: H.Giang

Theo UBND tỉnh, kế hoạch năm 2020 là kim ngạch xuất khẩu của Đồng Nai đạt từ 21,7-21,9 tỷ USD, tăng 10-11% so với năm 2019 (cao hơn so với mục tiêu cả nước từ 3-4%). Những ngành công nghiệp xuất khẩu chủ lực của tỉnh là: giày dép, dệt may, xơ sợi dệt, sản phẩm từ gỗ, máy móc thiết bị linh kiện và phụ tùng, máy tính, điện tử và linh kiện.

* Nhận nhiều đơn hàng lớn

Mới tháng 1-2020 nhưng nhiều DN ở tỉnh đã nhận được các đơn hàng lớn sản xuất đến giữa năm, cuối năm. Đây là một tín hiệu vui, giúp DN yên tâm sản xuất, đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm. Trong đó, nhiều DN đang kỳ vọng Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU) sẽ có hiệu lực vào giữa năm nay, như vậy thị trường xuất khẩu sẽ được mở rộng hơn. Vì đây là thị trường lớn của Đồng Nai chỉ sau Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản. Tới đây, khi Hiệp định Thương mại tự do với EU có hiệu lực, các dòng thuế về 0% ngay hoặc giảm dần sẽ giúp DN tăng thêm sức cạnh tranh khi đưa hàng hóa vào thị trường này.

Ông Nguyễn Thành Nhân, chủ Cơ sở sản xuất gỗ mỹ nghệ Thành Nhân ở xã Bình Minh (huyện Trảng Bom) cho biết: “Cơ sở của tôi chuyên sản xuất các mặt hàng gỗ mỹ nghệ xuất khẩu sang Hoa Kỳ, châu Âu và những nước khác. Hiện chúng tôi đã nhận đơn hàng đến hết năm 2020, dự tính qua Tết Nguyên đán sẽ tuyển thêm lao động để đáp ứng được các hợp đồng giao hàng cho đối tác”. Ông Nhân hiện đang liên kết với một số cơ sở gỗ mỹ nghệ khác để chia sẻ bớt đơn hàng của khách nước ngoài và trong nước.

Ông Nguyễn Văn Hoàng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đồng Tiến ở Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa) cho biết: “Sản phẩm quần áo công ty sản xuất ra chủ yếu xuất sang thị trường châu Âu, Hoa Kỳ. Năm 2019, xuất khẩu của công ty tăng hơn 10%. Công ty đang tiếp tục mở rộng sản xuất vì đã nhận được nhiều đơn hàng lớn đến cuối năm”. Tương tự, nhiều DN trên lĩnh vực giày dép, sản phẩm gỗ, máy móc, thiết bị và phụ tùng... cho hay, đều đã nhận được đơn hàng cho quý III, quý
IV-2020. Một số công ty phải từ chối bớt đơn hàng do không đáp ứng được về thời gian, số lượng hàng hóa. Đồng thời có những công ty tiếp tục mở rộng sản xuất để nâng công suất như: Công ty TNHH Chang Shin Việt Nam, Công ty TNHH máy tính Fujitsu Việt Nam, Công ty TNHH Schaffler, Công ty TNHH Powerknit Việt Nam, Công ty TNHH Pou Phong Việt Nam...

Tổng giám đốc Công ty TNHH Chang Shin Việt Nam Bang Jin Woo ở Khu công nghiệp Thạnh Phú (xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu) nói: “Công ty đầu tư 100 triệu USD xây dựng thêm nhà máy sản xuất giày tại Khu công nghiệp Tân Phú, dự định trong tháng 3-2020 sẽ hoàn thành và bắt đầu sản xuất. Mục tiêu của công ty là tăng sản lượng đáp ứng các đơn hàng lớn đã nhận được đến đầu năm sau”.

* Cơ hội kèm thách thức

Theo Bộ Công thương, bên cạnh những thuận lợi từ các hiệp định thương mại tự do đã ký kết, giúp cho giao thương giữa Việt Nam với các nước nằm trong hiệp định được mở rộng thì năm 2020, dự báo tình hình xuất khẩu có thể tiếp tục khó khăn vì ảnh hưởng  từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và tình hình kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại. Tuy nhiên, các DN có kế hoạch, giải pháp từ đầu năm thì sẽ tận dụng được các cơ hội mang lại. Thực tế, các đơn hàng đang có xu hướng tiếp tục dịch chuyển về Việt Nam trong đó có Đồng Nai.

Ông Peter Wu, Hội trưởng Hiệp hội Thương mại Đài Loan tại Đồng Nai nhận xét: “Nhiều đơn hàng lớn đã được dịch chuyển từ nước ngoài về Đồng Nai, tạo thuận lợi cho các DN trên địa bàn. Các DN không nên ồ ạt tăng công suất để đáp ứng các đơn hàng mà nên lựa chọn tăng sản lượng đi đôi với đảm bảo chất lượng để giữ uy tín lâu dài với khách hàng. Ngoài ra, có một số DN gặp khó khăn vì hàng hóa vào thị trường Trung Quốc bị thu hẹp lại hoặc sang những thị trường khác bị cạnh tranh gay gắt với hàng Trung Quốc”.

Năm 2019, Đồng Nai đã giải ngân vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài trong các khu công nghiệp  đến 1,65 tỷ USD, gấp hơn 1,5 lần kế hoạch năm. Nguồn vốn trên phần lớn được DN dùng xây dựng nhà xưởng, lắp đặt máy móc thiết bị đưa vào sản xuất.

Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai Cao Tiến Sỹ cho rằng, các dự án đầu tư vào khu công nghiệp giải ngân nhanh sẽ giúp DN sớm đi vào hoạt động. Như vậy, năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh sẽ tăng, góp thêm nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Hương Giang

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích