Báo Đồng Nai điện tử
En

Ngành gỗ miền Đông tính chuyện hợp tác

04:01, 16/01/2020

Đồng Nai, Bình Dương và TP.Hồ Chí Minh là 3 địa phương có sự phát triển mạnh về ngành sản xuất, chế biến các sản phẩm gỗ, chiếm phần lớn sản lượng, giá trị xuất khẩu gỗ của Việt Nam. Tuy nhiên, trên thực tế, giá trị gia tăng của các doanh nghiệp (DN) gỗ vẫn chưa cao.

Đồng Nai, Bình Dương và TP.Hồ Chí Minh là 3 địa phương có sự phát triển mạnh về ngành sản xuất, chế biến các sản phẩm gỗ, chiếm phần lớn sản lượng, giá trị xuất khẩu gỗ của Việt Nam. Tuy nhiên, trên thực tế, giá trị gia tăng của các doanh nghiệp (DN) gỗ vẫn chưa cao.

Song song với đẩy mạnh xuất khẩu, ngành gỗ đang tìm cách cân bằng lại ở thị trường nội địa. Trong ảnh: Làng nghề gỗ nội thất Hố Nai (TP.Biên Hòa) đang vào tâm điểm phục vụ Tết cho người dân. Ảnh:V.Thế
Song song với đẩy mạnh xuất khẩu, ngành gỗ đang tìm cách cân bằng lại ở thị trường nội địa. Trong ảnh: Làng nghề gỗ nội thất Hố Nai (TP.Biên Hòa) đang vào tâm điểm phục vụ Tết cho người dân. Ảnh:V.Thế

Trong xu thế mới, DN và các hiệp hội chuyên ngành của 3 tỉnh, thành đang tính toán để thúc đẩy liên kết, hợp tác, hình thành nên liên minh hiệp hội ngành gỗ Đông Nam bộ.

* “Thủ phủ” gỗ cần sự đồng hành của Nhà nước

Đồng Nai, Bình Dương là các địa phương tập trung nhiều DN sản xuất, chế biến các sản phẩm từ gỗ lớn nhất nước (chiếm hơn 50% sản lượng và hơn 70% giá trị xuất khẩu cả nước). Sự tăng trưởng mạnh của ngành chế biến gỗ xuất khẩu không chỉ tăng thu ngoại tệ cho quốc gia mà còn tạo điều kiện để phát triển gỗ và trồng rừng, tạo nhiều việc làm cho người lao động. Trong khi đó, TP.Hồ Chí Minh dù không có số lượng DN sản xuất, chế biến sản phẩm từ gỗ đông đảo như Bình Dương, Đồng Nai nhưng nơi đây lại có thế mạnh về thương mại, quan hệ quốc tế và bán buôn các mặt hàng máy móc ngành gỗ...

Mặc dù được cho là “thủ phủ” ngành gỗ nhưng trên thực tế, sản xuất, chế biến gỗ ở khu vực này còn gặp nhiều hạn chế. Trong đó, một bất cập đối với các DN tại Bình Dương, Đồng Nai hiện nay chính là năng lực sản xuất và khâu quản trị, chất lượng nhân sự. Bên cạnh đó, thị trường nội địa đang có phần bị lơ là khi nhiều DN quá quan tâm đến xuất khẩu, nhưng xuất khẩu thì chỉ dừng lại ở gia công.

Nhận định về vấn đề này, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (Vifores) cho rằng, phần lớn DN gỗ Việt Nam đều đang ở trong giai đoạn tập trung sản xuất - gia công, công đoạn mang lại lợi nhuận thấp nhất trong chuỗi giá trị toàn ngành nội thất. Trong khi đó, các DN quốc tế đã tiến đến những giá trị cao nhất của chuỗi, họ có kinh nghiệm đầu tư vào thương hiệu, thiết kế, phân phối... “Thời gian qua, không ít các thương vụ chuyển giao DN Việt sang nhà đầu tư nước ngoài. Vấn đề này cần cân nhắc cẩn trọng hơn. Chúng ta phải làm sao giữ được ngành, giữ cho được cái tem “made in Vietnam” trên từng sản phẩm nội thất, là thành quả, sản phẩm của người Việt chứ không chỉ là sản xuất tại nhà máy đặt ở Việt Nam” - Chủ tịch Vifores trăn trở.

Cũng theo ông Lập, để giải quyết thực trạng này, không còn cách nào khác là phải làm cho ngành chế biến gỗ hấp dẫn hơn. Ngành gỗ đang khởi xướng chiến lược phát triển thương hiệu ngành thay cho việc chỉ chú trọng số lượng gia công, xuất khẩu, chọn cách phát triển bền vững thay cho chinh phục thành tích xuất khẩu hằng năm. Nhà nước cần chủ động trong việc hỗ trợ thiết lập chuỗi liên kết cho ngành gỗ. Cụ thể như xây dựng các thủ phủ của ngành ở những địa phương thích hợp. Trong đó, Đồng Nai, Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh là những địa phương truyền thống, cần sự hợp tác chặt chẽ với nhau để cùng phát triển.

Đồng quan điểm, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.Hồ Chí Minh (Hawa) Nguyễn Quốc Khanh cho rằng, ngành gỗ may mắn có được sự quan tâm của Nhà nước, đặc biệt là ý tưởng xây dựng Việt Nam trở thành trung tâm nội thất của thế giới, nhưng chất lượng nhân lực của ngành gỗ hiện nay cần được nâng cao hơn. Nhu cầu nhân lực không chỉ là lao động phổ thông mà ở tất cả các ngành, từ thiết kế, sáng tạo đến kinh doanh, tài chính, công nghệ... Nếu có sự đồng hành và chung tay của Nhà nước cùng DN trong đào tạo nhân lực thì ngành sẽ có bước đi dài và ổn định hơn trong những năm tới.

* Hợp tác dựa trên thế mạnh của từng địa phương

Từ thực tế sản xuất, xuất khẩu gỗ trong những năm qua, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (Bifa) Điền Quang Hiệp chia sẻ rằng, ngành gỗ lớn mạnh được, hạn chế phụ thuộc DN nước ngoài chỉ khi DN trong nước lớn mạnh. Trước sự cạnh tranh gay gắt và mượn “mác” xuất xứ thì vai trò của các hiệp hội gỗ cần phải được nâng cao hơn. Hợp tác giữa các DN với nhau, giữa các hiệp hội là điều cần thiết đưa ngành gỗ không chỉ “đề kháng” được với thách thức bên ngoài mà còn thể hiện được khát vọng “cất cánh”.

Trong việc hợp tác giữa các hiệp hội với nhau, Đồng Nai là địa phương đang tích cực, chủ động. Ông Lê Xuân Quân, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai (Dowa), Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần kiến trúc và nội thất Nano cho hay, ngành gỗ cần một chiến lược phát triển và tầm nhìn xa mới. Để sớm hình thành liên minh Hiệp hội Gỗ Đông Nam bộ (gồm Hawa, Bifa và Dowa), Hiệp hội đã đề xuất liên kết hợp tác vì sự phát triển của cộng đồng DN gỗ vùng Đông Nam bộ; thúc đẩy phát triển sản xuất, xuất khẩu gỗ và thủ công mỹ nghệ; phát triển công nghiệp hỗ trợ cho ngành cũng như các hoạt động dịch vụ...

Về phương hướng hợp tác, liên kết, ông Võ Quang Hà, Phó chủ tịch Dowa, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tân Vĩnh Cửu đề xuất, cần thúc đẩy liên kết theo chiều dọc và chiều ngang cho ngành gỗ Việt Nam. Trong đó, theo chiều “dọc” là thúc đẩy liên kết từ khâu trồng rừng đến chế biến và khai thác gỗ, hoàn thiện sản phẩm và tìm kiếm thị trường. Liên kết “ngang” là các hiệp hội DN gỗ trong nước cần đẩy mạnh các hoạt động, liên kết lại với nhau, thể hiện rõ vai trò của mình với các DN thành viên, trong đó bao gồm cả việc làm việc với cơ quan chức năng, đề xuất các chính sách tạo thuận lợi cho ngành gỗ phát triển.

“Bình Dương có thế mạnh lớn nhất là xuất khẩu gỗ với tỷ trọng chiếm một nửa cả nước. Đồng Nai tuy xuất khẩu không quá nhiều như Bình Dương nhưng cũng là địa phương xếp thứ 2. Bù lại, Đồng Nai là tỉnh cân bằng được xuất khẩu và thị trường nội địa bởi có khu làng nghề mộc Hố Nai nổi tiếng cùng với các DN phân phối nguyên liệu. Trong khi đó TP.Hồ Chí Minh có thế mạnh về xúc tiến thương mại, quan hệ quốc tế, tổ chức triển lãm, tham quan... Sự hợp tác giữa các địa phương phải dựa vào thế mạnh của mỗi hiệp hội để bổ sung cho nhau” - ông Võ Quang Hà nhấn mạnh.

Vương Thế

Tin xem nhiều