Tại Đồng Nai, một số doanh nghiệp khởi nghiệp đang "ăn nên làm ra" với mô hình kinh doanh theo chuỗi cho biết, nếu có chiến lược hoạt động phù hợp, đặc biệt là "đánh" vào thị trường ngách thì mô hình này sẽ phát triển khá tốt giữa thời cạnh tranh gắt gao với các chuỗi cửa hàng của những "đại gia" trong và ngoài nước.
Tại Đồng Nai, một số doanh nghiệp khởi nghiệp đang “ăn nên làm ra” với mô hình kinh doanh theo chuỗi cho biết, nếu có chiến lược hoạt động phù hợp, đặc biệt là “đánh” vào thị trường ngách thì mô hình này sẽ phát triển khá tốt giữa thời cạnh tranh gắt gao với các chuỗi cửa hàng của những “đại gia” trong và ngoài nước.
Chuỗi điện máy Gia Vĩnh đang hướng tới mục tiêu phủ sóng các vùng ven đô Đồng Nai với hàng chục cửa hàng trong thời gian tới. Ảnh: V.Gia |
* Chuỗi kinh doanh hấp dẫn chủ đầu tư
Bắt đầu từ một cửa hàng điện máy nhỏ tại khu vực phường Long Bình, TP.Biên Hòa cách đây 10 năm, anh Bùi Đức Vĩnh, ông chủ của hệ thống Điện máy Gia Vĩnh đã xây dựng được 16 cửa hàng tại Đồng Nai và một số tỉnh khác như: Thanh Hóa, Nam Định, Đắk Lắk...
Sau đó, anh Vĩnh dốc sức vào xây dựng hệ thống cửa hàng của mình. Tính đến cuối năm 2019, hệ thống Điện máy Gia Vĩnh đã xây dựng thành chuỗi 16 cửa hàng, chuyên cung cấp các sản phẩm điện máy như: tivi, tủ lạnh, máy điều hòa, máy giặt… của các hãng nổi tiếng.
Tiếp đà thành công, anh Vĩnh cùng cộng sự của chuỗi Điện máy Gia Vĩnh đang tăng tốc để tiếp tục mở rộng thêm cửa hàng điện máy tại các địa phương. Mục tiêu trong những năm tới của anh Vĩnh là mỗi năm mở được thêm 5 cửa hàng điện máy nhằm “phủ sóng” ngày càng rộng hơn thương hiệu của mình.
Trong khi đó, ở lĩnh vực thực phẩm, đồ uống, dù mới bắt đầu “chen chân” vào được 1 năm nhưng anh Nguyễn Thế Lâm đã xây dựng cho mình được 2 quán La-man Café ở Biên Hòa. Nét riêng tại các quán này là sự giao thoa giữa phong cách nước Pháp lãng mạn, tinh tế và phong cách cổ điển của Việt Nam nên đã nhanh chóng trở thành “điểm hẹn” của nhiều vị khách ở TP.Biên Hòa.
Với “tham vọng” lớn hơn, anh Lâm cho biết sẽ phát triển thương hiệu cà phê La-man của mình thành hệ thống với nhiều quán hơn trong khu vực Biên Hòa cũng như lân cận. Không những thế, mong muốn của anh là đưa La-man trở thành một chuỗi kinh doanh dịch vụ, từ ẩm thực cà phê đến ăn uống, tập luyện thể dục, thể thao nhằm giúp cho khách hàng giữ gìn sức khỏe.
Tại TP.Biên Hòa, ngoài các điểm kinh doanh theo chuỗi của các thương hiệu lớn, hiện khá nhiều doanh nghiệp nhỏ đã bắt đầu tham gia thị trường một cách khá thận trọng và hiệu quả, như chuỗi Z-Cafe, chuỗi Hamburger Việt, chuỗi cà-phê Arobi, Thời trang Nguyệt…
* Cần chiến lược đúng và quản trị chuyên nghiệp
Kinh doanh theo chuỗi là phương thức kinh doanh rất phổ biến trên thế giới và đã có nhiều hãng, nhiều hình thức kinh doanh áp dụng thành công. Tại Việt Nam, nhiều thương hiệu đi lên từ kinh doanh theo chuỗi và phát triển mạnh như: Điện Máy Xanh, Thế giới Di động, Điện máy Chợ Lớn, Điện máy Trần Anh… và đã cạnh tranh được với chuỗi siêu thị của nước ngoài. Tuy nhiên, cũng có không ít các nhà đầu tư có kết quả kinh doanh không được như ý, thậm chí thoái lui, rút khỏi lĩnh vực “màu mỡ” này.
Theo các chuyên gia kinh tế, cửa hàng mở theo chuỗi dù có tỷ suất lợi nhuận cao nhưng cũng khó tồn tại lâu dài. Bởi, mở một cửa hàng có thể có lợi nhuận nhưng mở nhiều cửa hàng cùng một lúc thì chi phí hoạt động, khấu hao, lương nhân viên… lại là vấn đề lớn, càng mở nhiều càng lỗ. Điều đó đòi hỏi phải có chiến lược kinh doanh đúng đắn.
Chia sẻ về bí quyết thành công của mình, ông chủ của chuỗi cửa hàng Điện máy Gia Vĩnh cho hay khi khảo sát thị trường, tìm kiếm địa điểm thì Gia Vĩnh không cạnh tranh trực diện với các hệ thống lớn mà đi vào thị trường ngách. Theo đó, Gia Vĩnh lấy vùng ven đô, khu dân cư, đô thị mới để xây dựng, phát triển các cửa hàng và tiết giảm được các chi phí không cần thiết và đắt đỏ ở khu vực trung tâm. Bên cạnh đó, anh Bùi Đức Vĩnh đang dần hướng tới cổ phần hóa để thu hút thêm sự góp vốn từ các nhà đầu tư khác, trong tháng 10 vừa qua, đã ký kết với một chủ đầu tư góp vốn 5 tỷ đồng để mở thêm các cửa hàng khác.
Tương tự, với anh Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên xe đạp thời trang Duy Anh thì sau nhiều thăng trầm, anh Dũng đã dần tích lũy vốn liếng để có trong tay gần 10 cửa hàng, showroom kinh doanh xe đạp điện ở khu vực TP.Biên Hòa và huyện Trảng Bom. Để đạt hiệu quả kinh doanh tối ưu nhất, ngoài mục tiêu doanh số cao, công ty luôn đặc biệt quan tâm đến việc đào tạo, quản lý nhân viên theo hướng chuyên nghiệp và có văn hóa, bởi mọi thứ đều xuất phát từ con người. “Tôi luôn quan tâm để có được đội ngũ thợ gắn bó với công ty, coi công việc bán xe, chăm sóc khách hàng như là một niềm đam mê. Ðãi ngộ tốt thôi là chưa đủ mà luôn phải truyền cảm hứng cho nhân viên, bản thân tôi luôn là một người bạn biết sẻ chia” - anh Dũng chia sẻ về kinh nghiệm của mình.
Theo chuyên gia kinh tế, TS.Lê Đăng Doanh, để kinh doanh theo chuỗi thành công và bền vững thì công tác quản trị phải thực hiện nghiêm túc, công khai minh bạch, luôn công bố đầy đủ, chính xác các thông tin và tình hình kinh doanh để các nhà đầu tư biết. Nếu có xảy ra vấn đề gì tất cả các thành viên hay cổ đông cùng tham gia “cứu vãn”, giải quyết. Do đó, theo ông Doanh, trước khi rót vốn đầu tư cần nghiên cứu thị trường, cần năng động và linh hoạt để đáp ứng các nhu cầu của người tiêu dùng. |
Văn Gia