Với lợi thế về đất đai và khí hậu, trong điều chỉnh quy hoạch chung, TP.Long Khánh được định hình trở thành "đô thị xanh" nơi cửa ngõ phía Đông của vùng TP.Hồ Chí Minh.
Với lợi thế về đất đai và khí hậu, trong điều chỉnh quy hoạch chung, TP.Long Khánh được định hình trở thành “đô thị xanh” nơi cửa ngõ phía Đông của vùng TP.Hồ Chí Minh.
TP.Long Khánh là đô thị trung tâm vủng phía Đông của tỉnh Đồng Nai và cũng là cực phát triển phía Đông của TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Lò Văn Hợp |
* 3 “từ khóa” cho đô thị Long Khánh
TP.Long Khánh là đô thị trung tâm vùng phía Đông của tỉnh Đồng Nai và cũng là cực phát triển phía Đông của vùng TP.Hồ Chí Minh. Do đó, Long Khánh có vị trí rất quan trọng trong các trục kết nối giao thông. Ngoài ra, với nền nhiệt độ bình quân thấp hơn các khu vực khác trong vùng và diện tích đất sản xuất màu mỡ, Long Khánh cũng được đánh giá có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế.
Xuất phát từ những lợi thế trên, trong phương án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung TP.Long Khánh đến năm 2035 và định hướng đến năm 2050, đơn vị tư vấn quy hoạch, Công ty Nikken Sekkei Civil Engineering (Công ty NSC, Nhật Bản) cho rằng, việc phát triển đô thị này cần bám chặt và phát huy những tiềm năng sẵn có.
Ông Norikazu Inuzuka, Chủ nhiệm đồ án quy hoạch chung TP.Long Khánh điều chỉnh cho hay, về cấu trúc đô thị Long Khánh, đơn vị đưa ra 2 phương án gồm cấu trúc tập trung trung tâm và cấu trúc đô thị tập trung đa cực. Trong đó, với phương án cấu trúc tập trung trung tâm, đô thị Long Khánh sẽ được mở rộng về hướng Tây và hướng Nam, hình thành vùng đô thị tập trung lớn. Với phương án cấu trúc đô thị tập trung đa cực, đô thị Long Khánh được mở rộng về phía Tây, hình thành các khu vực phát triển đô thị vệ tinh xung quanh khu đô thị trung tâm tại các phường Suối Tre, Xuân Lập, Bàu Sen, Xuân Tân, Bảo Vinh và 2 xã Hàng Gòn, Bình Lộc.
Theo ông Norikazu Inuzuka, trong 2 phương án này, phương án cấu trúc tập trung trung tâm được ưu tiên lựa chọn vì sẽ giúp kết nối được với đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây đã hoàn thành và đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây sắp xây dựng. “Ngoài ra, với phương án này, phường Xuân Lập và 2 xã Hàng Gòn, Bình Lộc sẽ không tập trung phát triển đô thị để tạo ra sự cân bằng”- ông Norikazu Inuzuka cho hay.
Về định hướng phát triển đô thị, đơn vị tư vấn đưa ra 3 định hướng phát triển chính cho đô thị Long Khánh gồm: nông nghiệp đô thị, công nghiệp và dịch vụ du lịch.
Lý giải cho sự lựa chọn này, phía Công ty NSC cho rằng, Long Khánh có điều kiện đất đai, khí hậu thích hợp sản xuất nông nghiệp. Cùng với đó, địa phương cũng có hạ tầng nông thôn tốt, đường giao thông cấp vùng và giao thông nông thôn đã được xây dựng. Đặc biệt, thương hiệu nông sản Long Khánh hiện cũng đã được thị trường biết đến nhiều. Do đó, Long Khánh có tiềm năng lớn để phát triển nông nghiệp đô thị.
Nông nghiệp đô thị cũng sẽ tạo điều kiện cho các mô hình du lịch, nhất là du lịch vườn và du lịch trải nghiệm có tiềm năng để phát triển.
Đối với công nghiệp, do tuyến đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây đã hoàn thành và đưa vào sử dụng nên đã tăng cường kết nối giữa TP.Long Khánh và TP.Hồ Chí Minh. Đây là điều kiện để thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư, sản xuất. “Nông nghiệp đô thị, công nghiệp và du lịch là 3 từ khóa chính để phát triển đô thị Long Khánh” - ông Norikazu Inuzuka nhấn mạnh.
* Không bỏ sót tiềm năng
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, phương án điều chỉnh quy hoạch chung của Công ty NSC cơ bản đã đánh giá và định hình đúng hướng phát triển cho đô thị Long Khánh. Tuy nhiên, có những tiềm năng mới được kết hợp từ thế mạnh vốn có và điều kiện mới hình thành vẫn chưa được đánh giá đúng mức.
TP.Long Khánh được định hướng quy hoạch trở thành “đô thị xanh” vùng cửa ngõ phía Đông Trong ảnh: Một góc đô thị Long Khánh. Ảnh: Hải Quân |
Lấy dẫn chứng cho điều này, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho rằng, Long Khánh có lợi thế có nền nhiệt thấp hơn khoảng 20C so với các khu vực xung quanh. Cùng với đó, địa phương cũng có diện tích cây xanh bao phủ rất lớn tạo ra khí hậu rất trong lành. Đây là những thế mạnh vốn có của TP.Long Khánh. Việc kết hợp với tuyến đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây đã hoàn thành và đưa vào sử dụng mở ra cơ hội rất lớn cho Long Khánh phát triển mô hình biệt thự vườn. “Hiện nay nhu cầu săn lùng biệt thự vườn tại TP.Long Khánh từ các khách hàng ở TP.Hồ Chí Minh đang tăng. Sắp tới, khi tuyến đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây được xây dựng, nhu cầu sẽ còn tăng thêm”- Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, tiềm năng phát triển này lại chưa được nhìn nhận, đánh giá đúng. Do đó, trong phương án quy hoạch của Công ty NSC, việc phát triển nông nghiệp vẫn dành phần lớn quỹ đất cho cây cao su. Do đó, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng đề nghị đơn vị tư vấn xem xét điều chỉnh giảm diện tích cây cao su để phát triển mô hình biệt thự vườn. “Nếu để diện tích cây cao su lớn sẽ không phát huy được giá trị quỹ đất. Tuy nhiên, khi giảm diện tích cây cao su thì cũng phải điều chỉnh thay thế bằng diện tích cây công nghiệp khác, nhất là cây ăn quả để Long Khánh giữ được thế manh về điều kiện khí hậu” - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng đề nghị.
Góp ý cho đồ án điều chỉnh quy hoạch chung đô thị Long Khánh, Phó giám đốc phụ trách Sở Xây dựng Lê Mạnh Dũng cũng cho rằng, đơn vị tư vấn cần tính toán lại phương án cấp nước cho đô thị này. “Long Khánh là địa phương không có trữ lượng nước ngầm dồi dào. Do đó, trong phương án cấp nước cho đô thị này không nên định hướng khai thác nguồn nước ngầm” - ông Lê Mạnh Dũng góp ý.
Phương án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung TP.Long Khánh đến năm 2035 và định hướng đến năm 2050 được lập trên phạm vi 11 phường và 4 xã của TP.Long Khánh có diện tích hơn 190km2 và quy mô dân số dự kiến khoảng 260 ngàn người. |
Quỳnh Nhi