Theo nhiều doanh nghiệp xuất khẩu, trái cây Việt Nam mua tại vườn của nông dân rất thấp nhưng đến tay người tiêu dùng các nước lại rất cao vì chi phí trung gian quá lớn.
Theo nhiều doanh nghiệp xuất khẩu, trái cây Việt Nam mua tại vườn của nông dân rất thấp nhưng đến tay người tiêu dùng các nước lại rất cao vì chi phí trung gian quá lớn.
Chế biến nông sản tại Công ty cổ phần Quỳnh Anh, huyện Định Quán |
[links()]Bài toán khó cần giải quyết hiện nay là không chỉ mở rộng kênh xuất khẩu trái cây tươi mà cần đầu tư vào khâu chế biến, bảo quản.
* Bảo quản yếu là rào cản lớn nhất
Theo Phó giám đốc Sở kế hoạch - đầu tư Trần Vũ Hoài Hạ, Đồng Nai đang thực hiện thí điểm 2 cụm công nghiệp chế biến nông sản là Cụm công nghiệp Phú Túc (huyện Định Quán) và Cụm công nghiệp Long Giao (huyện Cẩm Mỹ). Về cơ chế chính sách, Trung ương và tỉnh đều có nhiều chương trình ưu đãi thu hút đầu tư như: miễn thuế đất, phí thuê mặt nước và nhiều ưu đãi khác hỗ trợ bằng tiền, về mặt chính sách tín dụng, về thị trường… |
Khâu bảo quản yếu đang là rào cản lớn nhất cho xuất khẩu trái cây tươi hiện nay. Ông Bùi Xuân Hoàng, Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên khoa học công nghệ Hoàn Vũ (quận Tân Phú, TP.Hồ Chí Minh) cho biết, hiện 90% sản lượng thanh long của Việt Nam không có chất lượng cao, chỉ khoảng 10% đủ chuẩn xuất khẩu vào châu Âu và các thị trường khó tính khác. Ông Hoàng dẫn chứng, hiện 1kg thanh long bán lẻ ở thị trường châu Âu lên đến 12 USD, nếu kéo xuống còn 6-7 USD sẽ khác. Bài toán khó là Việt Nam chỉ mới bảo quản được trái thanh long trong 35 ngày; thời gian vận chuyển bằng tàu biển mất khoảng 30 ngày nên trái thanh long chỉ có 5 ngày bày trên kệ hàng bán cho khách mua lẻ. “Nếu thời gian bảo quản của trái thanh long kéo dài được lên khoảng 45 ngày thì thời gian bán lẻ sẽ kéo dài lên 2 tuần, giá rẻ hơn thì người tiêu dùng châu Âu tiêu thụ trái thanh long hiện không chỉ dừng ở mức dưới 10% mà có thể tăng lên gấp nhiều lần” - ông Hoàng nói.
Đây cũng đang là mối quan tâm hàng đầu của nông dân trồng cây ăn trái Đồng Nai. Ông Nguyễn Thế Bảo, Giám đốc Hợp tác xã xoài Suối Lớn (xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc) cho biết, khó khăn lớn hiện nay trong xuất khẩu trái xoài là khâu bảo quản còn lạc hậu. Vì với trái xoài tươi bán trong nước, cần bảo quản dưới 1 tuần, nhưng với xoài xuất khẩu, ít nhất phải bảo quản được trên 30 ngày, đòi hỏi công nghệ cao. Hợp tác xã rất quan tâm đầu tư vào khâu bảo quản. “Thời gian qua, một số nhà khoa học cũng có các nghiên cứu, hỗ trợ chúng tôi về công nghệ bảo quản xoài, chuối... Trước mắt, chúng tôi muốn và sẽ tìm cách hợp tác với doanh nghiệp để thực hiện công đoạn này, bởi nếu chỉ dựa vào sức nông dân thì rất khó” - ông Bảo chia sẻ.
* Đầu tư sâu cho chế biến
Đâu tư cho chế biến cũng là lời giải để trái cây tươi không phải rơi vào cảnh được mùa mất giá. Ông Nguyễn Ngọc Thanh Trung, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam - Hàn Quốc tại TP.Hồ Chí Minh chỉ ra, nông dân và doanh nghiệp Việt Nam quá chú trọng số lượng, chỉ làm và xuất khẩu sản phẩm thô nên giá trị thương mại thấp. Nếu đầu tư phát triển khâu chế biến thì đầu ra cho trái cây tươi không chịu cảnh bấp bênh như hiện nay. Việt Nam cần thu hút đầu tư cho khâu chế biến, đặc biệt khuyến khích những sáng tạo sản phẩm mới từ những nguồn nguyên liệu có sẵn.
Đồng quan điểm, Phó giám đốc Sở Công thương Thái Thanh Phong thừa nhận, thực tế thị trường hiện nay vẫn còn tình trạng thương lái ép giá khi mua nông sản của nông dân. Thời gian tới, Sở Công thương sẽ đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ nông dân tiếp cận thị trường, hạn chế thấp nhất tình trạng thương lái ép giá. Sở cũng phối hợp với các sở, ngành liên quan mời gọi các doanh nghiệp chế biến trên địa bàn tham gia chuỗi liên kết tiêu thụ để đảm bảo đầu ra ổn định và tăng giá trị cho nông sản.
Lê Quyên