Các nước châu Á và châu Âu (Á - Âu) là hai thị trường quan trọng cho xuất nhập khẩu mặt hàng rau quả của Việt Nam khi chiếm một phần lớn trong tổng tỷ trọng xuất khẩu.
Các nước châu Á và châu Âu (Á - Âu) là hai thị trường quan trọng cho xuất nhập khẩu mặt hàng rau quả của Việt Nam khi chiếm một phần lớn trong tổng tỷ trọng xuất khẩu.
Trái cây Đồng Nai có tiềm năng lớn để xuất khẩu nhưng vẫn chưa được như mong đợi. Ảnh:V.Thế |
Trong đó, Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA), Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA) giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu cùng các hiệp định thương mại đa phương và song phương khác với các nước châu Á được cho là sẽ mang lại nhiều cơ hội cho rau quả Việt Nam.
* Nhiều cơ hội lớn
Bà Đặng Thị Thanh Phương, Phó trưởng phòng Trung Quốc, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công thương) cho hay, rau quả là một trong những ngành hàng xuất khẩu ổn định và có tốc độ tăng trưởng cao của ngành nông nghiệp Việt Nam, với mức tăng 26,5%/năm.
Năm 2018 với kim ngạch đạt 3,81 tỷ USD, tăng 8,8% so với năm 2017, rau quả đã vượt các mặt hàng như: gạo, hạt tiêu, chè để trở thành một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực nhất Việt Nam.
Cũng theo bà Thanh Phương, các mặt hàng rau quả của Việt Nam được xuất khẩu đến 55 quốc gia và vùng lãnh thổ. Giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 3,81 tỷ USD, trong khi đó, tổng dung lượng của thị trường rau quả thế giới hằng năm khoảng 240 tỷ USD. Vì vậy, cơ hội xuất khẩu cho hàng rau quả của Việt Nam còn rất lớn.
Một nghịch lý là dù đã tiếp cận đến 55 thị trường nhưng xuất khẩu rau củ, trái cây hiện nay vẫn còn phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc. Thị trường này hiện chiếm tới 2,78 tỷ USD, tương đương 73,1% tổng giá trị xuất khẩu.
Với hàng loạt nước còn lại, nhu cầu về nhập khẩu tuy cao nhưng lượng trái cây Việt Nam đưa được vào các nước trên rất ít. Ở mỗi nước, mới chỉ có một vài mặt hàng như: xoài, thanh long, nhãn, vải, sầu riêng... được phép thâm nhập thị trường. Ngay cả đối với thị trường Trung Quốc, phần lớn nông sản, trái cây Việt Nam cũng xuất sang bằng đường tiểu ngạch.
Tương tự, ông Willem Schoustra, Tham tán nông nghiệp phụ trách thị trường Việt Nam và Thái Lan (Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan) nhận định, thị trường châu Âu nói riêng và Á - Âu nói chung là thị trường tiềm năng vô cùng lớn của Việt Nam. Các thị trường này cần rất nhiều sản phẩm nông nghiệp mà Việt Nam đang có như: hạt điều, gạo, rau, hoa quả...
Chẳng hạn, với Hà Lan, Hiệp định EVFTA và IPA sẽ đem lại rất nhiều cơ hội giao thương cho các doanh nghiệp của hai thị trường. Để nắm bắt cơ hội, ông Willem Schoustra cho rằng, Việt Nam cần cải thiện thêm về chất lượng nông sản, nhất là vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm đạt được những tiêu chuẩn gắt gao của châu Âu.
“Hà Lan là đất nước phát triển vững mạnh về lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, sự thành công này không đến chỉ “qua một đêm”. Nông sản của Hà Lan xuất khẩu toàn thế giới là những sản phẩm ngoài đảm bảo chất lượng, còn có tính sáng tạo và tính bền vững. Đầu tư công nghệ mới, thiết bị hiện đại trong sản xuất và chế biến sâu hàng hóa, đồng thời tăng cường hợp tác và kết nối với các đối tác trong chuỗi cung ứng là giải pháp để nâng cao năng lực xuất khẩu” - ông Willem Schoustra khuyến nghị.
* Phải đảm bảo đúng các quy chuẩn
Mặc dù triển vọng lớn, song thị trường Á - Âu đang ngày càng trở nên “khó tính” với các loại nông sản khi hàng rào kỹ thuật của nhiều nước đặt ra mỗi lúc một khắt khe hơn. Điều này đặt ra yêu cầu cho các doanh nghiệp Việt Nam phải thay đổi tư duy sản xuất, làm đúng ngay từ đầu những tiêu chuẩn khắt khe mà các nước đặt ra.
TS.Lê Thanh Hòa, Phó cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn) nhận định, những yêu cầu khắt khe và chuyển biến mới của thị trường Á - Âu đòi hỏi Việt Nam phải thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp.
Yêu cầu cấp thiết về tiêu chuẩn hóa thị trường cũng buộc doanh nghiệp phải cải tiến sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, áp dụng công nghệ cao trong sản xuất. Từ khâu chế biến, bảo quản, đóng gói, vận chuyển... đều phải làm một cách chuyên nghiệp, bài bản thì mới tham gia được vào chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như cạnh tranh trên thị trường nội địa trước sản phẩm nhập khẩu.
Là địa phương có trên 49 ngàn hécta cây ăn trái có thế mạnh về xuất khẩu, Đồng Nai đã ký kết hợp tác với các nước Nhật Bản, Hàn Quốc... trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có các nội dung hỗ trợ về thị trường. Cụ thể, Nhật Bản đã chấp nhận mở cửa cho trái xoài Đồng Nai. Trái chôm chôm của Đồng Nai cũng từng được chào đón tại thị trường Pháp, trái sầu riêng xuất khẩu đi Mỹ... Nhưng đến nay, việc mở rộng kênh xuất khẩu trái cây theo đường chính ngạch vẫn chưa được như mong muốn. Giá trị xuất khẩu rau quả vẫn chưa thể so sánh được với một số mặt hàng nông sản khác.
Kinh nghiệm tại Hợp tác xã thương mại, dịch vụ, nông nghiệp Quyết Tiến (huyện Cẩm Mỹ) cho thấy, việc đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe ngay từ đầu là bài học “sống còn”. Ông Phạm Thanh Đồng, Giám đốc Hợp tác xã cho hay, đơn vị đã xuất khẩu được chuối sang Hàn Quốc, Trung Quốc, Trung Đông... Việc sản xuất an toàn với quy mô hàng hóa lớn, xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ chính là cơ hội để tham gia thị trường thế giới. Năm 2019, dự kiến hợp tác xã sẽ có sản lượng khoảng 10 ngàn tấn, trong đó 95% là xuất khẩu. Đơn vị cũng đang trồng một diện tích lớn bưởi da xanh để nhắm tới xuất khẩu.
“Cách thức quan trọng nhất để xuất khẩu tốt mặt hàng chuối vào thị trường khó tính đơn giản chỉ là đáp ứng đúng yêu cầu của khách ngay từ đầu. Chúng tôi đưa khách về tận cánh đồng, biết rõ yêu cầu của khách từ tiêu chuẩn về chất lượng, hình thức sản phẩm cho đến khâu thu hoạch, đóng gói... Nhờ vậy, tình hình xuất khẩu rất tốt ngay vụ thu hoạch đầu tiên” - ông Phạm Thanh Đồng khẳng định.
Vương Thế