Theo kế hoạch năm 2019, Đồng Nai sẽ thu hồi hơn 19,3 ngàn hécta đất để thực hiện hơn 1,2 ngàn dự án trên địa bàn tỉnh. Trong đó, có nhiều dự án lớn về hạ tầng kỹ thuật được đầu tư bằng nguồn vốn NSNN.
Theo kế hoạch năm 2019, Đồng Nai sẽ thu hồi hơn 19,3 ngàn hécta đất để thực hiện hơn 1,2 ngàn dự án trên địa bàn tỉnh. Trong đó, có nhiều dự án lớn về hạ tầng kỹ thuật được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, do vướng giải phóng mặt bằng nên nhiều dự án bị chậm tiến độ.
Vướng mắc về giải phóng mặt bằng nên dự án gia cố bờ kè sông Đồng Nai (TP.Biên Hòa) đang còn ngổn ngang. Ảnh: H.GIANG |
Theo UBND tỉnh, các dự án về hạ tầng giao thông trên nếu hoàn thành sớm sẽ tạo ra bước đột phá trong phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh và của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Dự án bị kéo dài sẽ bị “đội” vốn đầu tư lên cao, ảnh hưởng đến đời sống của nhiều người dân ở những khu vực gần dự án.
* Vướng mắc vì giá bồi thường
Những địa phương có nhiều dự án đang triển khai là TP.Biên Hòa, huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom và Định Quán. Các dự án phần lớn bị “ách tắc” ở khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng. Hiện tiến độ thu hồi đất của các dự án chỉ đạt 30-60% so với kế hoạch. |
Đồng Nai là nơi tập trung rất nhiều dự án lớn cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp huyện như: đường cao tốc Bắc - Nam; cao tốc Dầu Giây - Liên Khương; cao tốc Bến Lức - Long Thành; đường vành đai 4; hương lộ 10, đường vào Cảng Phước An; kè gia cố bờ sông Đồng Nai; chống ngập úng suối Chùa, suối Bà Lúa; nâng cấp mở rộng hồ Suối Tre; xây dựng hồ Cầu Dầu...
Tuy nhiên, hầu hết các dự án đều đang vướng mắc ở khâu bồi thường, giải tỏa mặt bằng. Nguyên nhân chính nằm ở chỗ nhiều người dân cho rằng, giá bồi thường của các diện tích đất Nhà nước thu hồi thấp hơn nhiều so với giá chuyển nhượng trên thị trường.
Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Phạm Anh Dũng đánh giá: “Nhiều dự án trọng điểm của tỉnh, thành phố bị chậm là do công tác bồi thường. Hiện nay, đa số các trường hợp đều tính giá bồi thường của dự án thấp hơn giá thị trường, đặc biệt trong các khu đô thị khi thu hồi đất thực hiện các dự án. Thậm chí, trên cùng một địa bàn xã, phường nhưng giá bồi thường có sự khác nhau dẫn đến sự so bì giữa dự án này với dự án khác”.
Việc trên cùng một địa bàn, xã, phường nhưng mỗi dự án tính một giá khác nhau không chỉ xảy ra ở TP.Biên Hòa mà còn ở các địa phương khác. Vấn đề này đã khiến một số người dân bị thu hồi đất thiếu đồng thuận, dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện kéo dài ảnh hưởng đến tiến độ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Biểu đồ thể hiện cơ cấu vốn đầu tư công của Đồng Nai trong năm 2019. (Thông tin: Hương Giang - Đồ họa: Hải Quân) |
Mới đây, trong báo cáo gửi HĐND tỉnh về tiến độ triển khai các dự án đầu tư công, UBND TP.Long Khánh đã nêu rõ, địa phương đang triển khai 10 dự án hạ tầng kỹ thuật bằng nguồn vốn ngân sách tỉnh, song lại gặp nhiều khó khăn trong thu hồi đất. “Công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án hay bị khiếu nại ở khâu giá bồi thường đất. Nhiều hộ dân chưa đồng ý giá bồi thường sẽ trì hoãn giao mặt bằng, dẫn đến tiến độ dự án chậm so với kế hoạch” - ông Hồ Văn Nam, Chủ tịch UBND TP.Long Khánh cho biết.
* Chậm vì định giá đất và mua bán “giấy tay”
Ngoài nguyên nhân giá bồi thường chưa có sự đồng thuận của một số người dân thì công tác giải phóng mặt bằng chậm còn do các sở, ngành liên quan xác định giá đất cụ thể cho từng dự án chưa đảm bảo thời gian, còn kéo dài.
Đơn cử như ở TP.Long Khánh, dự án đường vào khu đô thị mới từ đường Nguyễn Trãi đến đường Lê Hồng Phong thuộc các phường Xuân Hòa, Xuân Tân, Phú Bình; dự án xây dựng hạ tầng làng văn hóa đồng bào dân tộc Chơro ở phường Bảo Vinh... đều đang chậm. Các địa bàn có nhiều dự án đang triển khai gồm huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom, TP.Biên Hòa cũng gặp tình trạng trên.
Trong công tác giải phóng mặt bằng còn diễn ra tình trạng đất bị thu hồi được chuyển nhượng giấy tay, không qua chính quyền địa phương khiến việc quy chủ sử dụng đất của các phường, xã gặp khó khăn, gây ra sai sót, mất nhiều thời gian xác định, điều chỉnh lại.
Thi công đường 319 (huyện Nhơn Trạch) đang chậm tiến độ do bồi thường chưa hoàn tất. Ảnh: Vân Nam |
Ông Nguyễn Ngọc Quế, Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai (Sở Tài nguyên - môi trường) cho hay: “Nhiều dự án lớn của tỉnh khi kiểm đếm để thu hồi đất mất rất nhiều thời gian trong việc xác định chủ thực sự của thửa đất hoặc chủ đất không sống tại địa phương. Trong đó, có những thửa đất được bán giấy tay qua nhiều người nên đơn vị chức năng phải xác định kỹ tránh bị sai sót”. Thời gian qua, hàng loạt dự án đã gặp phải tình cảnh trên như: Cảng hàng không quốc tế Long Thành, hương lộ 10...
Bên cạnh đó, công tác bồi thường chậm còn do bản đồ nhiều thửa đất chưa đúng với hiện trạng nên khi chồng ghép để tính toán bồi thường bị sai lệch, phải mất thời gian điều chỉnh cho phù hợp.
* Cần rút ngắn thời gian giải phóng mặt bằng
Chủ đầu tư các dự án bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước hoặc dự án ngoài ngân sách đều có chung nhận xét, suốt quá trình thực hiện dự án thì khâu mất nhiều thời gian nhất là giải phóng mặt bằng để thu hồi đất. Ở phần lớn các dự án, thời gian thực hiện giải phóng mặt bằng kéo dài từ 4-6 năm. Cá biệt, có những dự án có thời gian giải phóng mặt bằng lên đến 7-8 năm mới xong. Thiếu mặt bằng hoặc giải phóng mặt bằng kiểu “da beo”, chỗ có chỗ không, khiến các chủ đầu tư không thể tiến hành thi công dự án.
Ông Trần Văn Thanh, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh nhận xét: “Nhiều dự án đầu tư công của tỉnh do Ban làm chủ đầu tư bị chậm tiến độ là do bồi thường, giải phóng mặt bằng kéo dài. Hiện Ban đã phối hợp với các địa phương có dự án đẩy nhanh công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư để có đất sạch thi công”.
Thực tế cho thấy, có khá nhiều dự án quan trọng của tỉnh chỉ vì vướng vài hộ dân không đồng ý bồi thường, giao đất mà kéo dài nhiều năm chưa xây dựng hoàn thành như: đường vào Cảng Phước An, tuyến thoát nước Khu công nghiệp Nhơn Trạch 1, nâng cấp mở rộng đường 319 (huyện Nhơn Trạch), kè gia cố bờ sông Đồng Nai, dự án chống ngập suối Bà Lúa, suối Chùa, dự án hương lộ 2, dự án hương lộ 21 (TP.Biên Hòa), dự án nút giao Dầu Giây (huyện Thống Nhất)...
Gần đây, trong cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội tháng 10-2019, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương phải rà soát lại các dự án trên địa bàn, tìm giải pháp rút ngắn thời gian giải phóng mặt bằng để sớm có đất sạch giao cho chủ đầu tư thi công các công trình. Sở Tài nguyên - môi trường phải xem xét lại giá đất ở các dự án trên cùng một xã, phường cho đồng nhất để tránh người dân khiếu nại.
Ngoài ra, các khâu khác như: quá trình lập hồ sơ dự án, thẩm tra hồ sơ, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng... cũng phải rút ngắn thời gian để góp phần đẩy nhanh tiến độ các dự án trên địa bàn tỉnh. Đồng Nai cũng sẽ dồn lực cho việc bồi thường, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành để kịp tiến độ giao mặt bằng khởi công trong năm 2020.
Hương Giang