Các dự án đầu tư công chậm tiến độ sẽ kéo theo việc giải ngân vốn ngân sách nhà nước thấp. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.
Các dự án đầu tư công chậm tiến độ sẽ kéo theo việc giải ngân vốn ngân sách nhà nước thấp. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Lý do là những dự án đầu tư công hầu hết đều ở các lĩnh vực xây dựng hạ tầng kỹ thuật.
Cầu vượt ở ngã ba Dầu Giây (huyện Thống Nhất) thực hiện nhiều năm vẫn chưa xong do vướng mặt bằng. Ảnh: H.Giang |
Theo Sở Kế hoạch - đầu tư, đến hết tháng 10-2019, giải ngân vốn ngân sách tỉnh đạt 57,4% kế hoạch và cấp huyện 69,4%. Trong đó, có nhiều dự án phải trả lại vốn vì triển khai chậm, dẫn đến nhiều địa phương khó giải ngân hết số vốn tỉnh đã bố trí.
* Nhiều khâu gặp khó
UBND tỉnh đã và đang liên tục làm việc với các địa phương để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, đốc thúc tiến độ nhằm đẩy nhanh việc giải ngân cho các dự án, công trình đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Thế nhưng, các dự án lại bị vướng ở nhiều khâu như giải phóng mặt bằng hoặc các thủ tục về đất đai như hồ sơ phải điều chỉnh cho phù hợp quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quá trình thực hiện công trình phát sinh một số điểm phải điều chỉnh lại thiết kế, đơn vị trúng thầu năng lực yếu, triển khai chậm... Trong đó, khâu bị “ách” lại nhiều nhất dẫn đến giải ngân chậm vẫn là giải phóng mặt bằng.
Giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư Hồ Văn Hà cho biết: “Năm 2019, vốn đầu tư công của tỉnh gần 19 ngàn tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách địa phương gần 7,3 ngàn tỷ đồng, còn lại gần 11,5 ngàn tỷ đồng Chính phủ bố trí cho dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Đến cuối tháng 10-2019, giải ngân vốn cho dự án cảng hàng không mới được hơn 233 tỷ đồng, đạt hơn 2% kế hoạch vì vướng các chính sách từ Trung ương”.
Muốn giải ngân vốn đầu tư công nhanh hơn thì các bước trong dự án phải được khơi thông và thực hiện đúng tiến độ. Gần 2 năm trở lại đây, giá đất ở Đồng Nai khá cao khiến các dự án gặp khó trong công tác bồi thường vì người dân không đồng thuận, chần chừ chưa giao đất. Nhà đầu tư thiếu đất sạch thì không thể triển khai dự án và vốn tỉnh đã bố trí cho các dự án trong năm 2019 khó giải ngân kịp tiến độ.
Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Nguyễn Ngọc Liên cho biết: “Giải ngân nguồn vốn đầu tư công của Biên Hòa khả năng đến hết năm 2019 chỉ đạt hơn 90% kế hoạch. Lý do là nhiều dự án đang bị ách lại ở khâu giải phóng mặt bằng”. Không chỉ TP.Biên Hòa mà các địa phương khác như: Long Khánh, Nhơn Trạch, Long Thành... cũng khó giải ngân hết nguồn vốn đã bố trí.
* Nhanh chóng có hướng giải quyết
Giải ngân vốn đầu tư công là một trong những vấn đề quan tâm hàng đầu của tỉnh. Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quốc Hùng, giải ngân vốn đầu tư công chậm đồng nghĩa với việc nhiều dự án kéo dài tiến độ thực hiện, gây ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương và tỉnh. Trong đó, phần lớn là những dự án về hạ tầng giao thông, cấp thoát nước cho các khu đô thị.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quốc Hùng cho hay: “Tỉnh đã cho rà soát lại các dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước thì phát hiện 3 điểm “nghẽn” lớn khiến các dự án thực hiện chậm, giải ngân vốn được ít là: bồi thường giải phóng mặt bằng, thủ tục thi công mất khá nhiều thời gian, thiếu quỹ đất tái định cư để di dời người dân bị thu hồi đất”. Những khó khăn này đặc biệt diễn ra ở TP.Biên Hòa nơi có nhiều dự án trọng điểm của tỉnh, của thành phố do thiếu quỹ đất để làm tái định cư. Do đó, nhiều dự án ở TP.Biên Hòa kéo dài nhiều năm không thực hiện được.
Ngoài ra, dự án đường cao tốc Bắc - Nam được Chính phủ bố trí 470 tỷ đồng nhưng đến nay, Bộ Giao thông - vận tải giải ngân được rất ít do vướng mặt bằng. Đường cao tốc này đi qua 3 địa phương của Đồng Nai là huyện Xuân Lộc, TP.Long Khánh và huyện Thống Nhất. UBND tỉnh cũng yêu cầu các địa phương trên hoàn thành việc thống kê đầy đủ đất đai phải thu hồi và nguồn vốn cần để đề xuất bố trí cho Đồng Nai.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Phú Cường đánh giá, Biên Hòa, Long Thành, Nhơn Trạch là các địa phương giải ngân vốn đầu tư công chậm và đều do gặp khó khăn ở khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng. Vì thế, ngoài việc tháo gỡ khó khăn trong công tác bồi thường, Kho bạc Nhà nước Đồng Nai cũng phải rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng hoàn thiện thủ tục để giải ngân vốn cho các dự án, công trình. Như vậy, sẽ giảm được tình trạng công trình thì thừa vốn không dùng được, song lại có công trình thiếu vốn để triển khai.
Uyển Nhi