Theo dự kiến, năm 2021, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ được khởi công xây dựng. Chính vì vậy hiện nay, công tác giải phóng mặt bằng cho đại dự án này đang bước vào giai đoạn "chạy nước rút".
Theo dự kiến, năm 2021, dự án Cảng hàng không quốc tế (Sân bay) Long Thành sẽ được khởi công xây dựng. Chính vì vậy, hiện nay Đồng Nai xác định công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) cho đại dự án này đang bước vào giai đoạn “chạy nước rút”.
Thanh lý cây cao su tại Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn phục vụ cho dự án Sân bay Long Thành. Ảnh:Lê Văn |
* Giải bài toán tăng, giảm diện tích đất
Theo UBND huyện Long Thành, giai đoạn 1 của dự án Sân bay Long Thành có diện tích cần GPMB hơn 1,8 ngàn hécta (bao gồm khu vực 645 hécta diện tích tăng thêm). Trong số này có 630 hécta đất của hộ gia đình, cá nhân.
Đến nay, đã có 905 trường hợp với diện tích gần 570 hécta đã xác định được chủ sử dụng. Hiện nay, còn 265 trường hợp và 1541 thửa đất với diện tích hơn 160 hécta chưa xác định được chủ sử dụng đất. Đối với các trường hợp này, UBND huyện Long Thành đã đăng thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng.
UBND huyện Long Thành cũng đã hoàn thành đo đạc, kiểm đếm được 640 trường hợp với diện tích hơn 400 hécta, đạt khoảng 78% và 27 thửa đất vắng chủ. Hiện nay đã chuyển UBND xã Bình Sơn thực hiện xác nhận đối với 268 trường hợp đã hoàn thành đo đạc, kiểm đếm; đang hoàn chỉnh hồ sơ kiểm đếm đối với 372 trường hợp và 27 thửa đất vắng chủ.
Theo kế hoạch, huyện Long Thành sẽ hoàn thành công tác kiểm đếm tài sản, cây trồng, nhà, vật kiến trúc của các hộ gia đình, cá nhân thuộc giai đoạn 1 của dự án Sân bay Long Thành trong tháng 11 này.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện công tác GPMB dự án Sân bay Long Thành hiện nay, địa phương đang gặp một số khó khăn trong việc xác nhận hồ sơ đền bù và suất tái định cư cho người dân.
Theo ông Võ Tấn Đức, Chủ tịch UBND huyện Long Thành, hiện nay huyện Long Thành đã có văn bản trình Sở Kế hoạch - đầu tư về công tác lập hồ sơ, tổ chức đấu thầu đối với công tác định giá đất để bồi thường cho dự án Sân bay Long Thành. Sau khi UBND cho ý kiến, huyện sẽ tổ chức đầu thầu để lựa chọn 2 đơn vị thưc hiện định giá đất để bồi thường. |
Ông Dương Văn Hoàng, Phó chủ tịch UBND xã Bình Sơn cho hay, xã đang gặp khá nhiều khó khăn trong công tác xác nhận hồ sơ phục vụ việc đền bù cho người dân có đất bị thu hồi.
Cụ thể, theo ông Dương Văn Hoàng, đối với 22 hồ sơ của 22 hộ dân thuộc phân khu 3, giai đoạn 1 dự án Sân bay Long Thành hiện địa phương mới chỉ xác nhận được 19 hồ sơ.
Đối với 3 hồ sơ còn lại, việc xác nhận gặp rất nhiều khó khăn do có sự chồng lấn về diện tích giữa đất của các hộ dân với đất của Tổng công ty cao su Đồng Nai. Ngoài ra, việc diện tích đất, số thửa và hình thể đất trên thực tế có sự thay đổi so với trên hồ sơ cũng gây khó cho việc xác nhận. “Trên thực tế, số hồ sơ có sự biến đổi tăng giảm về diện tích rất lớn chiếm hơn 70% tổng số hồ sơ trên địa bàn xã” - ông Dương Văn Hoàn cho biết.
Do có sự “chênh lệch” về diện tích trên thực tế và hồ sơ nên hiện nay việc xác nhận hồ sơ đang được thực hiện rất chậm. Theo UBND xã Bình Sơn, hiện mỗi ngày, xã chỉ xác nhận hồ sơ cho khoảng 15-20 hộ dân.
Trước khó khăn này, ông Nguyễn Ngọc Thường, Phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường cho rằng, có sự biến động về đất đai, nhất là về diện tích trên thực tế so với giấy tờ mà cơ quan chức năng cấp cho người dân. Để đảm bảo công tác đền bù được thực hiện chính xác, Đồng Nai đã phải tiến hành đo đạc, lập bản đồ kỹ thuật tại thời điểm kiểm kê. Chính vì vậy, việc xác nhận hồ sơ của UBND cấp xã phải căn cứ trên số liệu kiểm kê thực tế chứ không căn cứ vào hồ sơ cũ.
“Trước đây, thửa đất đó khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có thể có diện tích 100m2 nhưng hiện nay có sự thay đổi tăng giảm. Do đó, khi xác nhận hồ sơ thì xã phải căn cứ theo số liệu mới nhất được các tổ kiểm đếm cung cấp. Đây là điều đã có quy định cụ thể” - ông Nguyễn Ngọc Thường phân tích.
Đồng thuận với quan điểm này, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh nhấn mạnh, việc có sự thay đổi về diện tích đất thực tế là bình thường. Chính vì vậy, mục đích của công tác kiểm đếm là xác định lại chính xác diện tích thực tế, lập bản đồ địa chính mới. Việc xác nhận hồ sơ cho người dân vì vậy cũng căn cứ trên số liệu đo đạc mới nhất.
Để đảm bảo đẩy nhanh tiến độ xác nhận hồ sơ, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh yêu cầu phải xác nhận ngay với các hồ sơ không có sự biến động. Đối với những hồ sơ có thay đổi về diện tích, phải xác định được cơ quan chủ trì để xác nhận sự thay đổi, tránh tình trạng loay hoay làm chậm tiến độ.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh, Sở Tài nguyên - môi trường phải chủ trì, phối hợp với Phòng Tài nguyên - môi trường, Trung tâm phát triển quỹ đất huyện xem xét để ra kết luận đối với từng trường hợp cụ thể. UBND xã chỉ xác nhận hồ sơ theo kết luận này. “Phải có sự phối hợp, nếu xã cứ phải lên Sở để làm việc cụ thể thì với mười mấy ngàn thửa đất thì có làm 10 năm cũng không xác nhận xong” - Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh nhấn mạnh.
* Lập dữ liệu đất đai “online”
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh, dự kiến năm 2021, dự án Sân bay Long Thành sẽ được khởi công xây dựng. Do đó, đối với công tác GPMB, các cơ quan chức năng phải “chạy nước rút” ngay từ thời điểm này để đảm bảo tiến độ. “Trong quý II-2020 phải hoàn thành GPMB giai đoạn 1 của dự án. Đối với toàn dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư Sân bay Long Thành phải hoàn thành vào cuối năm 2020” - Phó chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.
Người dân tìm hiểu về chính sách đền bù giải phóng mặt bằng dự án Sân bay Long Thành. Ảnh:P.Tùng |
Hiện nay, trong công tác GPMB, khó khăn đối với huyện Long Thành là phải đảm bảo kiểm đếm và xác nhận hồ sơ thật nhanh. Do đó, để đảm bảo tiến độ, UBND huyện Long Thành phải lập danh sách các công việc phải làm và lộ trình thời gian thực hiện từ khi có quyết định thu hồi đất đến khi ra quyết định chi trả tiền cho người dân.
Từ lộ trình đó, cần tính toán bổ sung thêm người phục vụ công tác kiểm kê. Đối với xã Bình Sơn, cần thành lập thêm các hội đồng thẩm định để xác nhận hồ sơ cho người dân.
Đặc biệt, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh cũng yêu cầu UBND huyện Long Thành phải đặt hàng doanh nghiệp viết phần mềm dữ liệu đất đai của dự án Sân bay Long Thành nhằm phục vụ quản lý và giúp người dân tra cứu dễ dàng. Dữ liệu đất đai của hơn 5 ngàn hộ dân có đất bị giải tỏa phải đưa vào phần mềm này và đưa lên trang web. Sau này, mỗi khi kiểm đếm xong thì phải cập nhật thêm dữ liệu lên phần mềm này. Người dân khi cần tìm hiểu cũng chỉ cần lên web để tra cứu. “Phải làm như vậy mới có thể kiểm soát và đẩy nhanh được tiến độ thực hiện” - Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh yêu cầu.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh yêu cầu các cơ quan chức năng phải tiến hành báo cáo hằng tuần với UBND tỉnh những công việc đã thực hiện đối với các phần việc trong dự án Sân bay Long Thành. Riêng đối với UBND huyện Long Thành, hằng tuần cũng phải tổ chức giao ban đánh giá kết quả và giải quyết các vướng mắc trong quá trình thực hiện. Với những vướng mắc phát sinh thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp huyện thì phải giải quyết ngay. Với những vấn đề vượt thẩm quyền phải nhanh chóng báo cáo UBND tỉnh để xin ý kiến giải quyết. “Dù bận nhiều việc nhưng hằng tuần UBND huyện Long Thành cũng phải tiến hành giao ban các công việc của dự án Sân bay Long Thành” - Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh yêu cầu. |
Lê Văn