Ngoài việc khắc phục những điểm yếu trong đầu tư xây dựng, việc hoạch định hướng phát triển phù hợp để phát huy hiệu quả tối đa hệ thống cảng trên địa bàn tỉnh cũng là yếu tố cần được tính toán.
Ngoài việc khắc phục những điểm yếu trong đầu tư xây dựng, việc hoạch định hướng phát triển phù hợp để phát huy hiệu quả tối đa hệ thống cảng trên địa bàn tỉnh cũng là yếu tố cần được tính toán.
Hệ thống cảng đồng bộ sẽ giúp dịch vụ logistics có cơ hội phát triển mạnh Trong ảnh: Bốc dỡ hàng hóa tại Cảng Long Bình Tân, một trong những cảng chuyên dùng cho tàu tổng hợp, container |
[links()] * Nhắm vào thị trường lớn
Đồng Nai đặt ra mục tiêu đến năm 2020 tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt khoảng 20-25%/năm, tỷ trọng đóng góp vào GDP của tỉnh từ 10-15%, tỷ lệ dịch vụ logistics thuê ngoài khoảng 35%. |
Là địa phương có số lượng khu công nghiệp nhiều nhất cả nước, do đó nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh rất lớn. Đây chính là thị trường lớn, đầy tiềm năng cho hệ thống cảng Đồng Nai. Theo tính toán, chỉ riêng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp trong các khu công nghiệp tại hai huyện Long Thành, Nhơn Trạch cũng đã là thị trường rất lớn cho các cảng.
So với vận tải đường bộ và đường hàng không, vận tải đường thủy có những lợi thế vượt trội về chi phí và sản lượng vận chuyển. Tuy nhiên, thời gian qua, do những hạn chế trong hệ thống cảng trên địa bàn, nhiều doanh nghiệp tại Đồng Nai vẫn phải đến các cảng ở TP.Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu để làm thủ tục thông quan.
Theo một số chuyên gia, để “nắm” được thị trường lớn về xuất nhập khẩu hàng hóa, Đồng Nai cần có hệ thống cảng chuyên dùng phục vụ xuất nhập khẩu, đặc biệt là cảng chuyên dùng cho container.
Trong quy hoạch nhóm cảng biển Đông Nam bộ, Bộ Giao thông - vận tải cũng đã xác định 2 khu bến cảng chính có chức năng phục vụ container là khu bến cảng Phước An, Gò Dầu (trên sông Thị Vải) và khu bến cảng trên sông Đồng Nai tại khu vực phường Long Bình Tân, TP.Biên Hòa. Tuy nhiên, do việc đầu tư chưa đồng bộ nên những chức năng này vẫn chưa được khai thác hiệu quả.
Bên cạnh lượng hàng hóa xuất nhập khẩu, việc Cảng hàng không quốc tế Long Thành khi hoàn thành, đưa vào sử dụng cũng sẽ tạo ra động lực phát triển mới cho hệ thống cảng trên địa bàn tỉnh.
Ngoài nhu cầu vận tải tăng thì việc xây dựng các kho xăng, gắn với hệ thống cảng phục vụ cho Cảng hàng không quốc tế Long Thành cũng cần được tính toán kỹ. Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh cũng đã yêu cầu các cơ quan chức năng xem xét các dự án xăng dầu và có số liệu đánh giá theo nhu cầu thực tế, nhất là tính toán đến quy hoạch khu xây dựng kho xăng dầu cung cấp cho Cảng hàng không quốc tế Long Thành sau này. Do đó, việc xây dựng các cảng chuyên dụng xăng dầu tại khu vực huyện Long Thành, Nhơn Trạch cần được tính toán sớm. Bởi không ở đâu thuận tiện xây dựng cảng xăng dầu hơn hai địa phương này vì cự ly vận chuyển từ cảng về sân bay khá ngắn, có thể sử dụng được cả bằng đường ống.
* Liên kết cảng với dịch vụ logistics
Đồng Nai là nơi có rất nhiều đường giao thông lớn đi qua như: cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, Bến Lức - Long Thành, quốc lộ 1, quốc lộ 51, quốc lộ 20, đường sắt Bắc - Nam và Cảng hàng không quốc tế Long Thành trong tương lai. Ngoài ra, hệ thống sông trên địa bàn tỉnh cũng rất thuận lợi cho phát triển giao thông đường thủy. Chính vì vậy, trong quy hoạch xây dựng vùng TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai sẽ trở thành trung tâm logistics của vùng.
Ông Đặng Văn Điềm, thành viên Chi hội Vận tải hàng hóa và logistics, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai cho hay, trong dịch vụ logistics, vận tải đường thủy và hệ thống cảng có vai trò rất quan trọng. Bởi ngoài sản lượng chuyên chở lớn, chi phí vận tải bằng đường thủy cũng “mềm” hơn so với đường bộ và đường hàng không. Để có thể phát triển tốt dịch vụ logistics trên địa bàn, việc có được hệ thống cảng đồng bộ, đủ năng lực là yếu tố rất quan trọng. “Có hệ thống cảng tốt sẽ tạo điều kiện cho hệ thống dịch vụ logistics phát triển” - ông Đặng Văn Điềm nhấn mạnh.
Tuy nhiên, trên thực tế, ngoài năng lực hạn chế, mạng lưới giao thông kết nối với các cảng chưa tốt đang khiến cho việc phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn còn nhiều hạn chế, manh mún.
Để đưa Đồng Nai trở thành trung tâm logistics của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, việc đầu tư xây dựng hệ thống cảng cũng như mạng lưới giao thông kết nối đồng bộ là yêu cầu tất yếu. Đồng thời, nếu thực hiện được điều này, hệ thống cảng trên địa bàn tỉnh cũng sẽ được khai thác tối đa hiệu quả. “Ngoài hệ thống cảng thủy cần có các cảng cạn, trung tâm logistics lớn kết nối với hệ thống đường sắt. Triển khai thực hiện được điều này sẽ giúp thay đổi bộ mặt dịch vụ logistics trên địa bàn. Bởi, đường thủy và đường sắt có ưu thế không ùn tắc và chi phí thấp hơn so với các loại hình vận tải khác” - ông Đặng Văn Điềm phân tích.
Quỳnh Nhi