Với nhiều chương trình, chính sách của Chính phủ ra đời, nhất là Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017, những năm qua, hoạt động khởi nghiệp trên cả nước cũng như ở Đồng Nai diễn ra khá sôi động.
Với nhiều chương trình, chính sách của Chính phủ ra đời nhằm thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp, nhất là Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017, trong những năm vừa qua, hoạt động khởi nghiệp trên cả nước nói chung và ở Đồng Nai nói riêng diễn ra khá sôi động.
Khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo theo hướng công nghệ đang là xu hướng của nhiều doanh nghiệp Trong ảnh: Các sản phẩm máy móc, cơ khí tự động của Công ty TNHH thương mại, dịch vụ sản xuất Quyết Thắng do ông Ngô Thanh Bình sáng lập đã cung ứng được hàng cho doanh nghiệp FDI. Ảnh: Vương Thế |
[links()] Tuy nhiên thực tế, khởi nghiệp vẫn là những câu chuyện đầy thử thách, rủi ro. Hành trình để khởi nghiệp thành công không khi nào trải hoa hồng mà còn đó lắm chông gai, nhất là đối với giới trẻ.
* Không dễ tìm hướng đi mới
Trong quá trình khởi nghiệp, việc theo đuổi những hướng đi mới là yếu tố rất quan trọng, tuy nhiên điều này vẫn chưa đủ trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt như hiện nay. Bởi ý tưởng là một phần, còn việc triển khai, hiện thực hóa ý tưởng đó là cả một quá trình dài.
Anh Nguyễn Ngọc Thìn (phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa) đã quyết định kinh doanh túi vải không dệt sau khi tham khảo hết sản phẩm này đến sản phẩm khác vì theo anh ở Đồng Nai rất ít công ty kinh doanh sản phẩm này.
Đầu năm 2016, anh Thìn thành lập Công ty TNHH một thành viên Bảo Tín Đạt khi nhận thấy ngày càng có nhiều doanh nghiệp, đơn vị có nhu cầu sử dụng túi đựng sản phẩm, quà tặng có logo riêng như một biện pháp để quảng bá thương hiệu. Túi vải không dệt có thể tái sử dụng lại nhiều lần nên hình ảnh của doanh nghiệp cũng được lưu giữ lâu hơn trong mắt người tiêu dùng.
Anh Thìn chia sẻ, mặc dù chuẩn bị khá kỹ nhưng thời gian đầu, việc kinh doanh khó khăn, đơn hàng chưa nhiều do người tiêu dùng chưa hiểu được lợi ích của sản phẩm. Hàng loạt sức ép đến với công ty như nhiều vật tư, nguyên liệu đầu vào phải mua giá cao, các cơ sở gia công đòi giá cao… Dù là giám đốc, nhưng đích thân anh phải đi chào hàng đến từng cửa hàng tiện lợi, shop thời trang, các trung tâm ngoại ngữ trên địa bàn TP.Biên Hòa để thuyết phục về những lợi ích mà dòng sản phẩm này mang lại.
Anh Nguyễn Thanh Quang, Giám đốc Công ty cổ phần An Tâm Gia (xã Tây Hòa, huyện Trảng Bom) cho hay, từ năm 2015, anh đã quyết định từ bỏ công việc ổn định là quản trị kinh doanh, xuất nhập khẩu để về quê nhà xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo hướng khép kín.
Lúc đó, anh gặp không ít khó khăn trong việc triển khai mô hình sản xuất này vì không có nhiều mô hình để anh học hỏi, trao đổi kinh nghiệm. Mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ còn quá mới mẻ, không có nhiều mô hình tương tự triển khai thành công. Do đó, anh chủ yếu tự học thông qua sách vở, internet… biết được tới đâu thì làm tới đó.
* Chưa lường hết những khó khăn
Thực tế cho thấy, nhiều trường hợp khi bước vào khởi nghiệp, nhiều người vẫn chưa lường hết được những khó khăn, xây dựng một kế hoạch cụ thể để đối diện với rủi ro. Bên cạnh đó, khâu quản lý còn non kinh nghiệm, thiếu tính thực tiễn, trải nghiệm cũng là một khó khăn không nhỏ của nhiều người trên con đường khởi nghiệp.
Trường hợp của anh Nguyễn Quang Tuyến, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên tư vấn du học Nhật ngữ - Trung tâm Nhật ngữ Taiyou (TP.Biên Hòa) là một ví dụ. Những năm đầu thành lập, công ty phát triển nhanh chóng, năm 2014, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản tại các khu công nghiệp tin tưởng ký kết hợp đồng đào tạo. Thấy hấp dẫn, anh Tuyến vay mượn và dành toàn bộ số tiền tiết kiệm để mở thêm chi nhánh đào tạo tại các tỉnh: Hà Tĩnh, Lâm Đồng và Bình Dương.
Mô hình khởi nghiệp từ rau thủy canh Paxfarm - Thành Tài ở phường Xuân Tân, TP.Long Khánh. Ảnh: Hải Quân |
Tuy nhiên, do việc quản lý còn nhiều hạn chế cũng như không lường trước được sự khác biệt của mỗi địa phương. Nhu cầu học tiếng Nhật ở mỗi nơi khác nhau nên việc áp dụng mô hình đào tạo của cơ sở Biên Hòa vào các cơ sở mới không phù hợp dẫn đến hoạt động rất khó khăn, tuyến sinh không như mong muốn. Anh Tuyến buộc phải thu hẹp hoạt động để tập trung vào nâng cao chất lượng các cơ sở ở Biên Hòa.
Với ông Nguyễn Văn K. (phường Tân Biên, TP.Biên Hòa), khi thực sự bắt đầu khởi nghiệp đã ở độ tuổi 50 nhưng sản phẩm của ông đã được thai nghén và có mặt trên thị trường cả 10 năm. Ngay cả khi thành lập công ty về điện năng lượng mặt trời vào năm 2014, sản phẩm bộ thu nhiệt mặt trời do ông sáng chế vẫn không được mấy khách hàng đón nhận. 3 năm sau đó, công ty của ông hoạt động cầm chừng và gặp rất nhiều khó khăn. Dù đã có thêm những hợp đồng nhưng nguồn vốn hạn hẹp, doanh nghiệp không thể bung ra sản xuất lớn được.
Ngày 25-7-2018, trong chương trình truyền hình Shark Tank Việt Nam (đầu tư khởi nghiệp, kết nối giới đầu tư mạo hiểm (Shark) với những công ty khởi nghiệp (Starup), ông K. kêu gọi vốn 1 triệu USD cho 25% cổ phần của doanh nghiệp Nhiệt mặt trời. Nhà đầu tư là ông Nguyễn Thanh Việt, Chủ tịch Tập đoàn Intracom đồng ý cấp vốn 1 triệu USD để đổi lấy 50% số cổ phần của Nhiệt mặt trời, một sự kiện gây tiếng vang lớn trong cộng đồng khởi nghiệp Đồng Nai.
Những tưởng sự hợp tác sẽ đưa doanh nghiệp bước vào chu kỳ phát triển mạnh mẽ nhưng mới đây, ông K. ngậm ngùi cho hay mình và shark Việt đã chính thức “đường ai nấy đi”. Do không thực sự cùng chí hướng và tiến độ giải ngân vốn của nhà đầu tư không được như ý muốn nên ông K. quyết định sẽ tự bươn chải dù thời gian tới sẽ còn gặp rất nhiều chông gai, thử thách.
* Đừng để “mạnh ai nấy làm”
Ðồng Nai là địa phương được đánh giá có nhiều cơ hội để tạo dựng cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp, nhất là lợi thế gần kề TP.Hồ Chí Minh, trung tâm phát triển kinh tế năng động của cả nước.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng có thế mạnh về phát triển các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ phong phú, là thị trường tiềm năng của các sản phẩm, loại hình dịch vụ. Do đó, trong những năm gần đây, lực lượng doanh nghiệp trong tỉnh phát triển khá mạnh, số lượng tăng nhanh, nhất là những doanh nghiệp trẻ.
Ông Đặng Văn Điềm, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai nhận định, nhìn một cách tổng thể, doanh nghiệp vẫn đang ở quy mô “nhỏ và rất nhỏ”. Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai có hơn 400 doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp nhưng rất chậm lớn. Tính liên kết của các doanh nghiệp ở Đồng Nai rất yếu, điều này dẫn đến việc sống còn trước sự cạnh tranh gay gắt từ doanh nghiệp nước ngoài là rất thấp.
Đồ họa thể hiện số lượng doanh nghiệp thành lập mới, số lượt doanh nghiệp đăng ký tăng vốn, số lượng doanh nghiệp giải thể trên địa bàn tỉnh từ đầu năm 2019 đến giữa tháng 10-2019. (Thông tin - Đồ họa: VƯƠNG THẾ - HẢI QUÂN) |
Thời gian qua, Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai đã cố gắng thiết lập các chi hội ngành nghề như: Chi hội Hàng công nghiệp hỗ trợ, Chi hội Vận tải - logistics và chương trình doanh nghiệp mua hàng hóa của nhau nhưng vẫn chưa hiệu quả như mong muốn.
Bà Thạch Lê Anh, Sáng lập viên kiêm Chủ nhiệm Vietnam Silicon Valley (Thung lũng Silicon Việt Nam, thuộc Bộ Khoa học - công nghệ) cho rằng, bên cạnh những lợi thế hiện có, nhất là hoạt động phát triển công nghiệp, khoa học công nghệ, Đồng Nai cần chú ý kết nối với những quỹ đầu tư mạo hiểm trong quá trình triển khai xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, bởi đó là yếu tố then chốt quyết định sự sống còn của cả hệ sinh thái khởi nghiệp.
Ông Lê Minh Khánh, Phó cục trưởng Cục Công tác phía Nam của Bộ Khoa học - công nghệ chia sẻ, để hình thành môi trường năng động và sáng tạo khi phát triển khởi nghiệp, Đồng Nai cần tiếp tục đưa ra các chính sách hỗ trợ như: cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ về mặt tài chính, mặt bằng sản xuất - kinh doanh, phát triển công nghệ mới, ứng dụng công nghệ thông tin, xúc tiến thương mại, kết nối đầu tư…, góp phần nuôi dưỡng, ươm mầm các ý tưởng khởi nghiệp, cũng như chủ động các hoạt động kết nối, tăng cường tính liên kết vùng, tạo thêm các diễn đàn, cầu nối về khởi nghiệp giữa các địa phương trong tỉnh, giữa Đồng Nai với các tỉnh, thành trên cả nước…
Hải Quân - Văn Gia