Báo Đồng Nai điện tử
En

Gỡ 'nút thắt' cho 120 chuỗi liên kết

03:10, 15/10/2019

Thời gian qua, Đồng Nai đã tích cực triển khai các chương trình, chính sách hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp vào chuỗi liên kết sản xuất nông sản cung cấp cho cả thị trường nội địa và xuất khẩu.

Xác định ngành nông nghiệp muốn phát triển bền vững phải xây dựng chuỗi liên kết nên nhiều năm qua, Đồng Nai đã tích cực triển khai các chương trình, chính sách hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp vào chuỗi liên kết sản xuất nông sản cung cấp cho cả thị trường nội địa và xuất khẩu.

Dây chuyền giết mổ gà xuất khẩu sang Nhật Bản của Công ty TNHH Koyu & Unitek (Khu công nghiệp Long Bình, TP.Biên Hòa). Ảnh: B.Nguyên
Dây chuyền giết mổ gà xuất khẩu sang Nhật Bản của Công ty TNHH Koyu & Unitek (Khu công nghiệp Long Bình, TP.Biên Hòa). Ảnh: B.Nguyên

[links()]Với 120 chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ, Đồng Nai nằm trong nhóm các địa phương dẫn đầu về làm chuỗi liên kết, đặc biệt là đầu tư dự án cánh đồng lớn.

Tuy nhiên, các chuỗi liên kết vẫn chưa xứng với tiềm năng. Nhiều chuỗi liên kết vẫn dễ dàng đứt gãy, chưa thật sự phát huy hiệu quả do nguyên nhân từ nhiều phía như: chính sách chưa đi vào thực tế, năng lực hợp tác xã (HTX) với vai trò làm cầu nối còn yếu, doanh nghiệp và nông dân chưa mặn mà tham gia…

* Phát triển mạnh chuỗi liên kết

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh, chưa bao giờ Chính phủ lại có nhiều nghị định, chính sách tập trung phát triển nông nghiệp, đặc biệt là xây dựng chuỗi liên kết để phát triển bền vững. Những chuỗi liên kết thành công đã góp phần giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất, chất lượng, giá trị nông sản với đầu ra ổn định.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, đến nay, toàn tỉnh có 16 chuỗi liên kết theo dự án cánh đồng lớn đã được UBND tỉnh phê duyệt với 12 doanh nghiệp, 16 HTX tham gia liên kết với tổng diện tích là trên 5,5 ngàn hécta. Ngoài ra, có 104 chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ thông qua hợp đồng bao tiêu với sự tham gia của 48 doanh nghiệp, 30 HTX, 11 tổ hợp tác, 159 trang trại, 34 cơ sở giết mổ Lifsap...

Trong đó, nhiều chuỗi liên kết đã phát huy hiệu quả, góp phần đưa nông sản Đồng Nai vươn xa như: chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ ca cao của Công ty TNHH ca cao Trọng Đức (xã Phú Hòa, huyện Định Quán); chuỗi liên kết sản xuất, giết mổ, xuất khẩu gà vào thị trường Nhật Bản của Công ty TNHH Koyu & Unitek (Khu công nghiệp Long Bình, TP.Biên Hòa)…

Chỉ ra lợi ích cho nông dân khi tham gia chuỗi liên kết, ông Hồ Sáu, Giám đốc Công ty TNHH Việt Nông Lâm (xã Tây Hòa, huyện Trảng Bom) cho biết: “Hiện doanh nghiệp đang bao tiêu hàng trăm hécta bắp cây làm nguyên liệu chế biến thức ăn đại gia súc xuất khẩu đi Nhật Bản, Hàn Quốc… Với chuỗi liên kết này, nông dân có thể sản xuất 4 vụ bắp/năm với lợi nhuận cao hơn gấp nhiều lần so với trồng bắp thu hạt truyền thống”.

Theo Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ Lê Văn Quyết, vừa qua, gà công nghiệp rớt dưới giá thành sản xuất khiến người nuôi thua lỗ nặng. Nhưng những thành viên tham gia chuỗi liên kết nuôi gà cung cấp cho doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản vẫn đảm bảo về lợi nhuận do sản phẩm được bao tiêu ổn định với giá tốt. Chăn nuôi muốn tồn tại được phải tham gia chuỗi liên kết và hiện rất nhiều người chăn nuôi cũng muốn tham gia chuỗi liên kết này nhưng không dễ mở rộng quy mô. “Để trở thành nhà cung cấp gà cho doanh nghiệp xuất khẩu, người chăn nuôi phải gánh ba áp lực rất lớn là: đảm bảo về nguồn tài chính, đạt yêu cầu về số lượng và chất lượng. Về chất lượng, phải thực hiện những tiêu chuẩn rất khắt khe; phải đảm bảo sản xuất ổn định với số lượng lớn. Trong khi đó, việc tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi còn nhiều khó khăn” - ông Quyết nói. 

* “Chất” chưa tương xứng với “lượng”

Tiềm năng phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi hàng hóa lớn của tỉnh còn rất lớn với lợi thế có những vùng chuyên canh cây công nghiệp, cây ăn trái lớn; có hơn 17 ngàn doanh nghiệp đang hoạt động… Tuy nhiên, kết quả thực hiện vẫn còn chậm và chưa xứng với tiềm năng; nhiều chuỗi liên kết đã hình thành lại bị phá vỡ. Nguyên nhân của những hạn chế này là do cả doanh nghiệp và nông dân vẫn chưa có nhận thức đúng mức. Ngoài ra, chính sách hỗ trợ chưa hấp dẫn; thủ tục hành chính còn rườm rà, phức tạp; thị trường chưa thực sự rõ ràng; thiếu những doanh nghiệp có tâm làm đầu tàu của chuỗi liên kết…cũng là những rào cản cần khắc phục.

Một khó khăn không nhỏ là quy mô của nhiều chuỗi liên kết, của những dự án cánh đồng lớn vẫn khá manh mún, nhỏ lẻ. Trong đó, không ít chuỗi liên kết rơi vào cảnh chết yểu vì mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân còn lỏng lẻo.

Cà phê là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh nên ngay từ năm 2015, dự án cánh đồng lớn cây cà phê đã được triển khai tại nhiều địa phương gồm: Cẩm Mỹ, Tân Phú, Xuân Lộc. Nhưng vài năm trở lại đây, diện tích cà phê trên địa bàn tỉnh liên tục giảm mạnh và ngay cả cánh đồng lớn cà phê cũng đang thu hẹp dần vì nông dân rút khỏi dự án, chặt bỏ cà phê vì lợi nhuận thấp.

Ông Trần Quang Hiệp, Giám đốc HTX thương mại - dịch vụ - nông nghiệp Xuân Quế, đơn vị tham gia dự án cánh đồng lớn cà phê 4C (4C là bộ nguyên tắc chung cho cộng đồng cà phê để đảm bảo sự phát triển bền vững) tại xã Xuân Quế (huyện Cẩm Mỹ) nhận xét: “Nhiều nông dân rút khỏi chuỗi liên kết, chặt bỏ cây cà phê vì lợi nhuận thấp. Trong đó có nguyên nhân cà phê sạch chủ yếu vẫn bán trôi nổi cho thương lái với giá hàng thường vì giá doanh nghiệp bao tiêu không cao hơn nhiều so với mặt bằng chung mà tiêu chuẩn thu mua lại khắt khe hơn”.

Đồ họa thể hiện số lượng, sự phân bố, phân loại các chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh Đồng Nai
Đồ họa thể hiện số lượng, sự phân bố, phân loại các chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh Đồng Nai

Chia sẻ về vấn đề này, TS.Phan Hiếu Hiền, chuyên gia trong lĩnh vực cơ giới hóa nông nghiệp của Việt Nam cho rằng, nhằm hướng đến thị trường lớn, đòi hỏi cơ giới hóa để nông sản có chất lượng đồng đều, giá thành hạ. Nhưng cản trở trong phát triển sản xuất lớn hiện nay là mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân, giữa HTX và nông dân còn khá lỏng lẻo. Đây cũng là nguyên nhân sản xuất của ta vẫn manh mún, nhỏ lẻ. Theo TS.Hiền: “Chính quyền địa phương cần có những chính sách hỗ trợ thiết thực để nhân rộng các chuỗi liên kết, hình thành những vùng chuyên canh quy mô lớn, ứng dụng máy móc, công nghệ mới nhằm tăng tính cạnh tranh”.

* Cần nhanh chóng tháo gỡ rào cản

Chỉ ra những “điểm nghẽn” khiến các chuỗi liên kết vẫn chưa phát huy tốt hiệu quả, ông Trần Quang, Giám đốc HTX dịch vụ thương mại nông nghiệp Xuân Tiến (xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc) cho rằng, việc đầu tư về lưới điện đến tận nơi sản xuất chưa hoàn thiện cũng như giao thông nội đồng chưa kịp thời với việc triển khai dự án cánh đồng lớn gây khó khăn cho nông dân trong sản xuất.

Sản phẩm ca cao của Đồng Nai xuất khẩu tốt nhờ có chuỗi liên kết bền vững giữa doanh nghiệp và nông dân. Trong ảnh: Một khách hàng Nhật Bản (trái) tham quan khu phơi hạt ca cao tại Công ty TNHH ca cao Trọng Đức (huyện Định Quán).
Sản phẩm ca cao của Đồng Nai xuất khẩu tốt nhờ có chuỗi liên kết bền vững giữa doanh nghiệp và nông dân. Trong ảnh: Một khách hàng Nhật Bản (trái) tham quan khu phơi hạt ca cao tại Công ty TNHH ca cao Trọng Đức (huyện Định Quán).

“Khó khăn không nhỏ khác là HTX mất quá nhiều thời gian, thủ tục còn nhiêu khê trong việc đăng ký nhãn hiệu hàng hóa cũng như làm chứng nhận cho nông sản sạch, thực hiện quy trình để truy xuất được nguồn gốc sản phẩm. Chính vì vậy, sản phẩm gạo sạch Xuân Tiến hiện bán ra thị trường với nhãn hiệu của đơn vị khác, người tiêu dùng vẫn phải mua với giá cao vì phải qua các khâu trung gian là thiệt thòi cho cả nông dân và người tiêu dùng” - ông Quang nói.

Ông Khưu Nhơn Hiếu, Tổng giám đốc Công ty TNHH Koyu & Unitek chia sẻ: “Doanh nghiệp đã xuất khẩu gà đi Nhật Bản được 2 năm. Nhu cầu của thị trường này không ngừng tăng lên nên doanh nghiệp muốn mở rộng liên kết đầu tư thêm một số cơ sở chăn nuôi trên địa bàn Đồng Nai. Nhưng các trại chăn nuôi mới này đang gặp một số vướng mắc về quy định, thủ tục trong chứng nhận chăn nuôi an toàn dịch bệnh, mong tỉnh quan tâm hỗ trợ tháo gỡ”.

Bình Nguyên

 

 

 

Tin xem nhiều