Trong khi các công ty, tập đoàn lớn mỗi năm dành hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng cho quảng cáo và nhận diện thương hiệu thì chưa nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam đủ sức đầu tư cho lĩnh vực này...
Trong khi các công ty, tập đoàn sản xuất quy mô lớn mỗi năm dành hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tỷ đồng cho quảng cáo và nhận diện thương hiệu sản phẩm thì chưa nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam đủ sức đầu tư nhiều cho lĩnh vực này.
Để được người tiêu dùng tin tưởng, doanh nghiệp phải tốn rất nhiều công sức dành cho quảng bá sản phẩm Trong ảnh: Nước giải khát, nước uống trái cây Ever (phường An Bình, TP.Biên Hòa), nhãn hiệu đạt chứng nhận hàng Việt Nam chất lượng cao. Ảnh: V.Gia |
Nguyên nhân là do quy mô sản xuất còn nhỏ, nguồn lực hạn chế, chủ doanh nghiệp “mải” chú tâm vào thiết kế, xây dựng chất lượng sản phẩm mà quên đi khâu rất quan trọng là giới thiệu sản phẩm tới tay người tiêu dùng.
* Vốn ít, cần chọn kênh quảng cáo rẻ
Hiện nay, bên cạnh những hình thức quảng cáo sản phẩm truyền thống như: truyền hình, báo chí, các phương tiện thông tin đại chúng thì sự phát triển của mạng xã hội cũng mang lại nhiều hình thức để quảng bá sản phẩm với chi phí rẻ.
Năm 2016, anh Ðinh Phước Tâm, chủ thương hiệu gỗ nội thất Hố Nai Tâm Thảo (phường Tân Hòa, TP.Biên Hòa) “bước chân” vào ngành sản xuất đồ gỗ. Là đơn vị mới chưa ai biết đến nên anh Tâm rất lo lắng về việc làm sao để khách hàng biết và mua hàng.
May mắn là trước đó, anh Tâm có nhiều kinh nghiệm khi làm mảng thiết kế website cho các tổ chức, doanh nghiệp nên đã ứng dụng để quảng bá sản phẩm của mình. Thông qua trang mạng Facebook và trang web mang tên Đồ gỗ Hố Nai, chỉ hơn 1 năm sau khi bán hàng online, xưởng sản xuất đồ gỗ mang lại cho anh Tâm doanh thu mỗi tháng hơn 1 tỷ đồng.
“Cách thức quảng cáo trên mạng xã hội và bán hàng online là kênh nhanh nhất để sản phẩm của một doanh nghiệp mới, doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được khách hàng. Ðiều đó càng đúng, càng cần thiết với các doanh nghiệp khởi nghiệp do mức độ nhận diện thương hiệu rất thấp, khó cạnh tranh trong bán hàng truyền thống như các công ty lớn với hệ thống cửa hàng, nhân viên kinh doanh cùng chi phí rất lớn” - anh Đinh Phước Tâm cho hay.
Cũng là doanh nghiệp khởi nghiệp, sau 4 năm thành lập, nước tinh khiết mang thương hiệu Solar của Công ty TNHH sản xuất thương mại Trần Nguyên Phát đã ổn định và ngày càng mở rộng. Khách hàng thường xuyên của nhãn hiệu nước uống tinh khiết Solar là các trường học, văn phòng, ngân hàng, công ty, xí nghiệp, các doanh nghiệp Việt Nam trên địa bàn TP.Biên Hòa và các khu vực lân cận.
Để có được kết quả này, anh Trần Thành Long, Giám đốc công ty đã tìm mọi cách để quảng cáo sản phẩm. Biện pháp hay và hiệu quả nhất mà anh Long đang áp dụng là tài trợ nước uống miễn phí cho một số hội nghị, hội thảo trên địa bàn, đặc biệt là những hội thảo có các chủ doanh nghiệp tham gia. Cách làm này nhằm tiếp cận nhanh nhất thương hiệu của mình đến với các đối tác giàu tiềm năng vì sản phẩm được nhận diện và sử dụng trực tiếp.
Thực tế cho thấy, đối với những doanh nghiệp khởi nghiệp, các hình thức quảng cáo truyền thống tốn nhiều kinh phí để thực hiện, và nhiều doanh nghiệp không “kham” nổi. Một trong những quyết định quan trọng nhất mà các doanh nghiệp nhỏ và vừa phải đưa ra là ngân sách quảng cáo tiếp thị là bao nhiêu và hiệu quả đến mức nào. Trong tình huống đó, nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực tìm cách quảng bá sản phẩm dưới mọi hình thức, từ tham gia các hội chợ, triển lãm thương mại, phát tờ rơi giới thiệu… cho đến xây dựng trang thông tin điện tử, trang bán hàng trên mạng xã hội, quảng cáo hình ảnh trên xe buýt, taxi… và thu được kết quả khả quan.
* Không thể “một sớm, một chiều”
Chuyện tạo dựng được thương hiệu không phải chỉ trong “một sớm, một chiều” mà đòi hỏi chủ doanh nghiệp phải bền bỉ và liên tục quảng bá sản phẩm.
Hơn 10 năm trước, Cơ sở chăn nuôi gà lấy trứng Thanh Đức ở huyện Xuân Lộc đã cung cấp một lượng trứng gà lớn cho thị trường, nhưng dường như không mấy người biết đến. Năm 2014, ông Lâm Thanh Đức, chủ cơ sở này quyết định thành lập Công ty TNHH thương mại dịch vụ sản xuất và chăn nuôi Thanh Đức và tiến tới làm ăn bài bản hơn. Cũng từ đây, ông Đức bắt đầu nghĩ đến việc quảng bá sản phẩm, nhận diện thương hiệu sản phẩm trên thị trường trong nước và vươn ra quốc tế.
Tại các kỳ hội chợ trong tỉnh, ông Đức đều “sốt sắng” tham gia, sau đó vươn ra các hội chợ ngoài tỉnh. Mỗi dịp Tết đến, trứng gà sạch Thanh Đức cũng tham gia vào chương trình bình ổn giá của tỉnh. Sự kiên trì đeo đuổi cách tiếp cận khách hàng như vậy suốt nhiều năm liền đã đem đến cho ông Đức kết quả rất tốt, trở thành thương hiệu trứng gà nổi tiếng của Đồng Nai. Công ty hiện mở rộng quy mô sản xuất, xây thêm nhà máy và bán được hàng ra nước ngoài.
Một doanh nghiệp khác là thương hiệu găng tay cao su Nam Long thuộc Công ty TNHH Nam Long, huyện Long Thành đang là một trong 10 nhãn hàng nội địa sản xuất găng tay cao su lớn nhất cả nước. Để đạt được doanh số bán hàng mỗi năm trên 200 tỷ đồng như hiện nay, ông Lê Bạch Long, Giám đốc công ty cho hay, bên cạnh chi cho quảng cáo, tài trợ trên các chương trình truyền hình thì doanh nghiệp thường tham dự các đợt xúc tiến thương mại của tỉnh trong và ngoài nước.
“Để phát triển thương hiệu, không phải chỉ ngày một ngày hai mà phải rất bền bỉ, đơn cử khi đi xúc tiến thương mại tại các hội chợ trong và ngoài nước, không phải sẽ có ngay đơn đặt hàng, mà phải đi nhiều lần mới tìm được đối tác. Do đó, nếu không kiên trì rất khó thu được kết quả” - ông Lê Bạch Long khẳng định.
Văn Gia