Báo Đồng Nai điện tử
En

Để người tiêu dùng đón nhận

11:10, 01/10/2019

Các dòng "vật liệu xanh" đã được Chính phủ khuyến khích sử dụng từ cách đây gần 10 năm. Lợi ích của những sản phẩm trên đem lại cho môi trường đã được nhiều chuyên gia trong nước và trên thế giới nói đến.

Các dòng “vật liệu xanh” đã được Chính phủ khuyến khích sử dụng từ cách đây gần 10 năm. Lợi ích của những sản phẩm trên đem lại cho môi trường đã được nhiều chuyên gia trong nước và trên thế giới nói đến. Thế nhưng, tại Việt Nam vẫn chưa được người tiêu dùng đón nhận.

Tấm lợp được sản xuất từ chất thải công nghiệp tại Công ty TNHH Nestlé Việt Nam ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2 (TP.Biên Hòa)
Tấm lợp được sản xuất từ chất thải công nghiệp tại Công ty TNHH Nestlé Việt Nam ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2 (TP.Biên Hòa)

Hiện nay, tại các nước phát triển, các công trình đã sử dụng gạch không nung từ 50-70%.  Ngày càng có nhiều công trình dùng “vật liệu xây dựng xanh” để góp phần bảo vệ môi trường. Tại Việt Nam khoảng 5 năm trở lại đây, người tiêu dùng đã bắt đầu sử dụng dòng “vật liệu xanh” nhưng tỷ lệ rất thấp.     

* Chưa tin tưởng vào chất lượng

Rào cản lớn nhất khiến người tiêu dùng trong nước chưa mặn mà với dòng “vật liệu xanh” là vì còn nghi ngại về chất lượng của sản phẩm. Bên cạnh đó, còn do nhiều sản phẩm “vật liệu xanh” có giá cao hơn vật liệu truyền thống.  Cụ thể là gạch không nung có giá cao hơn gạch nung từ 10-30%, kính thân thiện với môi trường dùng cho các công trình xây dựng cao hơn các loại kính thông thường khác từ 10-20%...

Bà Trần Thị Dung (phường Phước Tân, TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Trước khi xây nhà tôi có nghe nói đến dòng “vật liệu xây dựng xanh”, tốt cho việc bảo vệ môi trường nên có tìm hiểu qua và dự tính sẽ sử dụng. Nhưng thấy nhiều người nói dùng gạch không nung tường dễ bị nứt, khi muốn đóng đinh treo vật gì đó trên tường rất khó khăn vì đinh, vít đóng vào tường một thời gian ngắn thường bị rơi ra. Sau khi cân nhắc, tôi vẫn chọn làm bằng gạch nung và cát tự nhiên để yên tâm”. Hiện nhiều người tiêu dùng đều có lựa chọn như bà Dung vì chưa tin tưởng vào chất liệu của gạch không nung và một số dòng vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường khác.

Những năm gần đây, sản phẩm, mẫu mã của dòng “vật liệu xây dựng xanh” ngày càng đa dạng. Trong đó, có hàng nhập khẩu, hàng sản xuất trong nước nhưng người tiêu dùng vẫn tương đối dè dặt. “Hai loại vật liệu chính dùng trong xây dựng là gạch và cát. Hiện có gạch không nung, cát nhân tạo dùng rất tốt cho môi trường và nguồn cung khá dồi dào, song khách hàng mua ít nên chỉ khi có đơn đặt hàng công ty mới lấy hàng về với số lượng lớn” - ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Công ty TNHH Phú Minh Hiền (TP.Biên Hòa) nói.

* Cần quảng bá nhiều hơn

Để thay đổi thói quen của người tiêu dùng tại Đồng Nai cũng như cả nước trong việc sử dụng “vật liệu xanh” không phải là chuyện một sớm một chiều.

Những quốc gia phát triển như: Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản... cũng phải mất nhiều năm vận động, quảng bá để người tiêu dùng biết được hiệu quả, lợi ích mang lại từ “vật liệu xanh”. Chính phủ các nước cũng có những chính sách kịp thời, thiết thực hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất vật liệu xanh phát triển và mở rộng thị trường.

GS-TSKH.Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và quản lý môi trường (Trường đại học công nghiệp TP.Hồ Chí Minh) nhận định: “Xu hướng của thế giới đang hướng đến là xây dựng các “công trình xanh”. Đây được xem là một giải pháp toàn diện, tối ưu lợi ích môi trường lại đảm bảo nâng cao sức khỏe cho người sử dụng. Vì vậy, Chính phủ nên có những chính sách khuyến khích phát triển, sử dụng “vật liệu xây dựng xanh”, thân thiện với môi trường”.

Cũng theo ông Bá, các doanh nghiệp ngành này chú ý nhiều đến khâu quảng bá, xây dựng thương hiệu để người tiêu dùng biết đến và tin tưởng sử dụng nhiều hơn. Truyền thông đóng vai trò rất quan trọng trong việc thay đổi thói quen của người tiêu dùng để họ đón nhận dòng vật liệu thân thiện với môi trường.

Lý giải về những lo lắng của người tiêu dùng về gạch không nung, ông Đặng Thành Nam, Phó trưởng phòng Quản lý chất lượng xây dựng (Sở Xây dựng) cho hay: “Kết cấu của gạch không nung không giống với gạch nung nên phương pháp xây dựng khác. Nguyên nhân gây ra nứt là do quá trình thi công chưa áp dụng đúng quy trình. Các tường xây bằng gạch không nung khó đóng đinh, bắt vít là do kết cấu loại vật liệu này chứ không liên quan đến độ bền của gạch”. Cũng theo ông Nam, các công trình trường học, trạm y tế, trụ sở cơ quan nhà nước được xây dựng 5-7 năm trở lại đây đều sử dụng gạch không nung, vật liệu thân thiện với môi trường đều đảm bảo về mỹ quan và độ bền.

Năm 2010, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 567/QĐ-TTg về phát triển vật liệu xây dựng không nung đến năm 2020. Kế hoạch đến năm 2015 sử dụng “vật liệu xanh” thay thế gạch đất sét nung đạt tỷ lệ
20-25%  và 30-40% vào năm 2020, song đến nay, tỷ lệ đạt được rất thấp. 

  Khánh Minh

 

Tin xem nhiều