Báo Đồng Nai điện tử
En

Ưu tiên vốn vay cho lĩnh vực xuất nhập khẩu

10:08, 21/08/2019

Đến cuối tháng 8-2019, cho vay vốn lĩnh vực xuất nhập khẩu trên địa bàn Đồng Nai tuy đã đạt hơn 1,4 tỷ USD, tăng gần 12% so với dịp đầu năm, nhưng thực tế vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp

Đến cuối tháng 8-2019, cho vay vốn lĩnh vực xuất nhập khẩu trên địa bàn Đồng Nai đạt hơn 1,4 tỷ USD, tăng gần 12% so với dịp đầu năm. Tuy nguồn vốn cho vay trên lĩnh vực xuất nhập khẩu tăng khá nhưng thực tế vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp (DN).

Sản xuất hàng xuất khẩu tại Công ty TNHH Việt Nam Center Power Tech tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch 2 (huyện Nhơn Trạch)
Sản xuất hàng xuất khẩu tại Công ty TNHH Việt Nam Center Power Tech tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch 2 (huyện Nhơn Trạch)

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai, cho vay xuất nhập khẩu là một trong 5 lĩnh vực được ưu tiên. Đồng Nai là địa phương có xuất nhập khẩu đứng thứ 5 trên cả nước nên nhu cầu về vốn vay cho lĩnh vực này tương đối lớn.

* Vốn vay xuất nhập khẩu chiếm tỷ trọng lớn

Hầu hết các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đều chú trọng tăng dư nợ cho vay lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa. Những DN đáp ứng được yêu cầu đều có thể tiếp cận nguồn vốn với lãi suất hợp lý để đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh. Nguồn vốn mà các ngân hàng cho DN vay để xuất nhập khẩu hiện chiếm gần 16% trong tổng dư nợ cho vay tại Đồng Nai.

Bà Huỳnh Thị Khánh Lộc, Phó giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần ngoại thương Việt Nam chi nhánh Đồng Nai (Vietcombank Đồng Nai) cho biết: “Cho vay xuất nhập khẩu của Vietcombank Đồng Nai hiện có dư nợ hơn 3 ngàn tỷ đồng. Trong đó, xuất khẩu là hơn 1 ngàn tỷ đồng và nhập khẩu gần 2 ngàn tỷ đồng. Nguồn vốn cho các DN vay xuất nhập khẩu năm nay tăng gần 1 ngàn tỷ đồng so với cuối năm trước”.

Theo các ngân hàng thì các DN vay nhập khẩu chủ yếu là để nhập nguyên phụ liệu cho sản xuất hàng hóa tiêu thụ thị trường nội địa và bán sang các nước khác. Bên cạnh đó, nhiều DN vay để mua máy móc, thiết bị nhằm tăng công suất, chất lượng, đa dạng các sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Bà Phạm Thị Thu, Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín chi nhánh Đồng Nai (Sacombank Đồng Nai) cho hay: “Xuất nhập khẩu không phải là lĩnh vực cho vay chính của Sacombank Đồng Nai, song những DN có nhu cầu về vốn trên lĩnh vực này nếu đáp ứng được các quy định của ngân hàng vẫn được ưu tiên vay. Nguồn vốn cho vay trên lĩnh vực này cũng tăng so với đầu năm”.

Với hơn 1,4 tỷ USD (tương đương trên 32,68 ngàn tỷ đồng) cho các DN vay để mở rộng xuất nhập khẩu, Đồng Nai là tỉnh có nguồn vốn “đổ” vào khu vực này khá lớn. Trong đó, cho vay xuất khẩu gần 700 triệu USD, tăng 21,2% so với dịp đầu năm nay. Phần lớn các DN vay ngắn hạn, trong vòng 12 tháng trở xuống. Lãi suất cho vay ngắn hạn từ 6-9%/năm, nhưng các lĩnh vực ưu tiên lãi suất khoảng 6%/năm.

* Nhu cầu về vốn rất lớn

Các DN tham gia sản xuất, kinh doanh hầu hết đều có nhu cầu vay vốn để hoạt động.

Ông Châu Minh Nguyện, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Đồng Nai cho biết: “Vốn, mặt bằng sản xuất là vấn đề khó khăn của các DN nhỏ và vừa tại Đồng Nai đang gặp phải và cần hỗ trợ để phát triển. Đa số các DN nhỏ và vừa đều cần vốn vay ưu đãi từ các ngân hàng để đầu tư máy móc, công nghệ đáp ứng được các đơn hàng của đối tác nước ngoài”.

Cũng theo ông Châu Minh Nguyện, nguồn tín dụng từ các ngân hàng hiện chưa đáp ứng được nhu cầu của các DN vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh. Hiện các DN vừa và nhỏ vẫn chiếm 90% trong tổng số các DN đang hoạt động. Những DN nhỏ khi cần vốn lớn để đầu tư mở rộng xuất khẩu rất khó khăn vì thiếu tài sản thế chấp. Nhà xưởng đang sản xuất thường không đầy đủ giấy tờ để thế chấp vay ngân hàng.

Theo ông Nguyễn Hùng Mạnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai, xuất nhập khẩu là lĩnh vực tỉnh ưu tiên nguồn vốn cho vay. Tuy nhiên, DN muốn tiếp cận được nguồn vốn phải đáp ứng được các quy định của các ngân hàng.

“Vốn vay đổ vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp sẽ rất tốt cho việc phát triển kinh tế của tỉnh và khu vực. Bởi nguồn vốn đưa vào sẽ giúp các DN nhập khẩu máy móc, thiết bị hiện đại nâng công suất, chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu xuất khẩu hoặc tiêu thụ ở thị trường trong nước” - ông Mạnh nói.

Một số chuyên gia trên lĩnh vực kinh tế cho rằng nên siết chặt cho vay đầu tư các lĩnh vực mạo hiểm như: chứng khoán, bất động sản và nới rộng cho vay lĩnh vực sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu. Trong đó, nên ưu tiên vốn cho các DN vừa và nhỏ để họ có thêm sức cạnh tranh quá trình trong quá trình hội nhập sâu. Thực tế, mức lãi suất cho vay đối với DN vừa và nhỏ tại Việt Nam vẫn còn khá cao so với các nước trong khu vực ASEAN.

 Hương Giang

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích