Là một trong những đô thị loại I trực thuộc tỉnh có dân số đông và lượng rác thải sinh hoạt phát sinh mỗi ngày vào loại lớn, TP.Biên Hòa nhiều năm qua vẫn loay hoay tìm địa điểm để làm nơi trung chuyển rác.
Là một trong những đô thị loại I trực thuộc tỉnh có dân số đông và lượng rác thải sinh hoạt phát sinh mỗi ngày vào loại lớn, TP.Biên Hòa nhiều năm qua vẫn loay hoay tìm địa điểm để làm nơi trung chuyển rác.
Các xe chở rác tập kết tại khu vực Công viên Long Bình chờ chuyển sang xe chuyên dùng. Ảnh: K.GIỚI |
UBND TP.Biên Hòa cũng như đơn vị thu gom rác đang đứng trước áp lực lớn: giữ cho vệ sinh môi trường đô thị sạch sẽ, khang trang trong khi hệ thống trạm trung chuyển rác rất hiếm hoi.
* Có mặt bằng cũng như không
Hàng trăm tấn rác của thành phố mỗi ngày được thu gom bằng nhiều phương tiện khác nhau và để đưa số lượng rác này đến các bãi rác đảm bảo vệ sinh đang là cả một vấn đề. Theo thống kê, mỗi ngày TP.Biên Hòa thải ra hơn 700 tấn rác sinh hoạt, một lượng rác khá lớn và tất cả buộc phải vận chuyển đến bãi rác để xử lý.
Theo đề xuất của Xí nghiệp môi trường (Công ty cổ phần môi trường Sonadezi), UBND TP.Biên Hòa cần mạnh tay hơn trong việc xử phạt đối với các trường hợp đổ rác trộm ra những nơi công cộng. Hiện tại, nhiều điểm trong thành phố bị tập kết rác là những đồ dùng hỏng trong nhà như: nệm, bàn, ghế, giường.. gây mất mỹ quan đô thị. |
Để đảm bảo sạch đẹp cho môi trường, nhiều năm qua, thành phố cùng Công ty cổ phần môi trường Sonadezi (đơn vị thu gom, vận chuyển rác) tìm các điểm để xây dựng hệ thống điểm trung chuyển rác. Lượng rác thu gom từ các hộ dân bằng xe ba gác trong các hẻm nhỏ sẽ đưa đến tập kết ở những trạm trung chuyển để xe chuyên dùng chở đến bãi rác.
Lý giải việc này, bà Quách Ngọc Bửu, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần môi trường Sonadezi cho hay, trong nội ô TP.Biên Hòa có rất nhiều hẻm nhỏ nên xe ô tô chở rác không thể vào được, phải thu gom bằng xe ba gác. Các xe ba gác khi gom đầy rác lại không thể đẩy đi quá xa, vì vậy cần có các nơi trung chuyển.
Điểm trung chuyển rác là loại công trình khá “nhạy cảm”, vì vậy không chỉ khó về mặt bằng mà còn gặp khó cả trong việc vận động người dân ủng hộ xây dựng.
Ông Doãn Văn Đồng, Trưởng phòng Quản lý đô thị TP.Biên Hòa chia sẻ: “Quỹ đất công trong nội ô TP.Biên Hòa hiện không dễ tiếp cận, nhưng kể cả khi tìm được đất thì cũng không xây dựng được, bởi khi lấy ý kiến cộng đồng dân cư, người dân gần điểm dự kiến xây dựng điểm trung chuyển rác phản đối rất gay gắt”.
Cụ thể, UBND TP.Biên Hòa đã khảo sát được 4 khu vực có quỹ đất công để bố trí làm điểm trung chuyển rác ở các phường Quang Vinh, Trung Dũng, An Bình và Long Bình nhưng đều lâm vào tình trạng “tiến thoái lưỡng nan” do người dân trong khu vực không ủng hộ và phản đối rất quyết liệt.
* Vẫn chờ đợi
Ông Trần Ngọc Mỹ, Phó giám đốc Xí nghiệp môi trường (thuộc Công ty cổ phần môi trường Sonadezi) cho biết, hiện tại trong khu vực nội ô thành phố không có điểm trung chuyển nên phải thực hiện chuyển rác từ các xe ba gác lên xe chuyên dùng tạm thời ở ngoài đường lớn. “Ban giám đốc công ty đã chỉ đạo Xí nghiệp môi trường xây dựng phương án chuyển tiếp rác trong nội ô nhằm hạn chế đến mức thấp nhất sự ảnh hưởng đến môi trường. Chúng tôi đang nỗ lực thực hiện điều này trong bối cảnh chưa có hệ thống trung chuyển rác” - ông Trần Ngọc Mỹ nói.
Cũng theo ông Trần Ngọc Mỹ, vấn đề thành lập các điểm trung chuyển rác của thành phố hiện đang là vấn đề khá “nóng”, bởi thực tế thiếu quá nhiều điểm để tập kết rác. Trong đó, có những khu vực bắt buộc phải có điểm trung chuyển chứ không thể sử dụng phương án “sang xe” nói trên.
Một trong những nơi thiếu điểm trung chuyển rác làm đau đầu cả lãnh đạo UBND TP.Biên Hòa và đơn vị thu gom rác là khu vực Công viên Long Bình. Tại đây, mỗi ngày có đến 200 tấn rác sinh hoạt từ một số phường tập trung về để xe chuyên dùng vận chuyển đến bãi rác. Theo ông Mỹ, điểm tập kết rác khu vực Công viên Long Bình khá nhạy cảm, nhưng không còn chỗ nên buộc phải tập kết tạm trong khi chờ thành phố tìm địa điểm để xây dựng điểm trung chuyển chính thức. Thời gian qua, TP.Biên Hòa cũng đã tìm một số điểm ở 2 phường Long Bình, Tân Biên để thay thế nhưng không phù hợp nên vẫn phải chờ.
Phòng Quản lý đô thị TP.Biên Hòa cho hay, hiện tại thành phố đang khảo sát địa điểm làm điểm trung chuyển rác ở khu vực phường Phước Tân để di chuyển điểm tập kết rác ở Công viên Long Bình nhằm trả lại không gian xanh, sạch đúng nghĩa cho công viên.
Khắc Giới