Báo Đồng Nai điện tử
En

"Điểm nghẽn" của phát triển kinh tế phía Nam

03:07, 01/07/2019

Tại hội thảo "Hạ tầng giao thông khu vực Nam bộ - vấn đề và giải pháp phát triển", các nhà khoa học, nhà nghiên cứu chỉ ra điểm tắc nghẽn của phát triển kinh tế phía Nam hiện nay là vấn đề kết nối giao thông.

Tại hội thảo “Hạ tầng giao thông khu vực Nam bộ - vấn đề và giải pháp phát triển” được tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh ngày 29-6, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đã chỉ ra điểm tắc nghẽn của phát triển kinh tế phía Nam hiện nay chính là vấn đề kết nối giao thông. Hạ tầng giao thông chưa được đầu tư xứng tầm với sự phát triển kinh tế.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh (bìa trái) trao đổi với chuyên gia về kết nối giao thông bên lề buổi hội thảo
Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh (bìa trái) trao đổi với chuyên gia về kết nối giao thông bên lề buổi hội thảo. Ảnh: H.Hải

[links()]Viện Chiến lược và phát triển giao thông - vận tải (Bộ Giao thông - vận tải) đã chỉ ra, khu vực Nam bộ là trung tâm công nghiệp, cảng biển và logistics lớn nhất của cả nước với trên 60% khối lượng hàng container thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam.

* Cần 1 triệu tỷ đồng cho hạ tầng

Thứ trưởng Bộ Giao thông - vận tải Nguyễn Ngọc Đông:

Bộ Giao thông - vận tải mong muốn có nhiều hội thảo khoa học về lĩnh vực giao thông như thế này để lắng nghe các nhà nghiên cứu có những phân tích, phản biện và góp ý sâu về hành lang pháp lý giúp cho việc thực hiện đầu tư công trình giao thông hiệu quả hơn.

 

Khu vực Nam bộ có 19 tỉnh, thành phố, trong đó 13 tỉnh, thành thuộc khu vực Tây Nam bộ và 6 tỉnh, thành phố thuộc vùng Đông Nam bộ.

Các nhà khoa học cho rằng, quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông khu vực Nam bộ thời gian qua thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các địa phương, và để kết nối được hạ tầng giao thông cần có một “nhạc trưởng”. Trong đó, TP.Hồ Chí Minh phù hợp với vai trò này.

TS.Dương Như Hùng - đại diện nhóm chuyên gia Đại học quốc gia TP.Hồ Chí Minh cho rằng TP.Hồ Chí Minh vừa là trung tâm, cũng là đầu tàu kinh tế rất phù hợp với vai trò “nhạc trưởng” để đứng ra tạo kết nối giao thông của khu vực Nam bộ. Nhưng để thực hiện tốt vai trò “nhạc trưởng”, phát huy được việc phát triển hạ tầng giao thông kết nối Đông và Tây Nam bộ, TP.Hồ Chí Minh cần phải có nguồn vốn rất lớn.

Theo số liệu của nhóm chuyên gia Đại học quốc gia TP.Hồ Chí Minh, nhu cầu vốn phát triển hạ tầng giao thông giai đoạn 2016-2020, toàn vùng Nam bộ cần 1 triệu tỷ đồng, trong khi thực tế chỉ đáp ứng 1/5. Riêng TP.Hồ Chí Minh cần khoảng 500 ngàn tỷ đồng nhưng chỉ cân đối được 122 ngàn tỷ đồng. Trong 122 ngàn tỷ đồng đó, số vốn bố trí thực tế chỉ được có 61 ngàn tỷ đồng.

Ảnh hưởng của hạ tầng giao thông tác động đến phát triển kinh tế là rất lớn. Tính toán của nhóm chuyên gia Đại học quốc gia TP.Hồ Chí Minh cho thấy, nếu chất lượng cơ sở hạ tầng giao thông Việt Nam tăng ở mức 10% thì thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) trên đầu người tăng 24%, tương tự mức thu nhập đầu người cũng sẽ tăng 23%.

Theo Viện Chiến lược và phát triển giao thông - vận tải, kết nối giao thông giữa TP.Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng Đông và Tây Nam bộ là rất cần thiết để phát triển kinh tế - xã hội. Kết nối cần thông qua 5 phương thức vận tải là đường bộ, đường thủy nội địa, đường biển, đường sắt và đường hàng không. Hiện tại các phương thức kết nối này chưa được đồng bộ, chỉ tập trung ở đường bộ dẫn đến quá tải trong giao thông và chi phí vận chuyển khá cao.

* Đồng Nai là “bản lề chiến lược” trong kết nối khu vực

Khu vực Đông Nam bộ chỉ có 6 tỉnh, thành phố nhưng chiếm 34% GDP toàn quốc. Đây là khu vực có tốc tộ phát triển kinh tế rất mạnh, nhu cầu vận chuyển hàng hóa lớn.

Trong đó, Đồng Nai được ví như là “bản lề chiến lược” giữa 4 vùng của các tỉnh phía Nam, là cửa ngõ phía đông TP.Hồ Chí Minh nối Nam Trung bộ, Nam Tây Nguyên với toàn bộ vùng Đông Nam bộ qua các tuyến giao thông huyết mạch như đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, quốc lộ 1, quốc lộ 1K, quốc lộ 51, quốc lộ 20, quốc lộ 56 và tuyến đường sắt Bắc - Nam, các tuyến đường thủy nội địa trên sông Đồng Nai, Nhà Bè, Lòng Tàu và sông Thị Vải…

Tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên (TP.Hồ Chí Minh) cũng được kiến nghị đầu tư kéo dài đến TP.Biên Hòa để tăng khả năng kết nối giao thông. Ảnh: K.Giới
Tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên (TP.Hồ Chí Minh) cũng được kiến nghị đầu tư kéo dài đến TP.Biên Hòa để tăng khả năng kết nối giao thông. Ảnh: K.Giới

Theo đại diện Sở Giao thông - vận tải Đồng Nai, việc đầu tư cho hạ tầng giao thông cho khu vực chưa theo kịp tốc độ phát trển dẫn đến nhiều tuyến đường bị ùn tắc liên tục.

Tỉnh cũng đưa ra những kiến nghị với các bộ, ngành và Chính phủ để việc đầu tư kết nối hạ tầng giao thông được đẩy nhanh hơn, cụ thể, đối với dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, để giải quyết giao thông kết nối, kịp thời phục vụ cho việc khai thác sân bay cần bổ sung quy hoạch một số tuyến đường bộ và đưa vào dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 đầu tư ngay. Đồng thời, xem xét đầu tư mở rộng tuyến đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây theo đúng quy hoạch được duyệt, ưu tiên đoạn từ TP.Hồ Chí Minh đến nút giao đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu nhằm đảm bảo lưu lượng giao thông tăng cao khi đưa Cảng hàng không quốc tế Long Thành đi vào sử dụng.

Khi lập quy hoạch vùng, cần nghiên cứu ban hành đồng bộ cơ chế, chính sách đặc thù cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Truớc mắt ưu tiên đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tuyến giao thông huyết mạch liên vùng để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội như: dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây; mở rộng tuyến đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, dự án đường vành đai 3, đường vành đai 4, kéo dài tuyến đường sắt đô thị từ quận 9 (TP.Hồ Chí Minh) đến tỉnh Bình Dương và TP.Biên Hòa; đầu tư hệ thống cảng biển nhóm 5 nhằm kết nối có hiệu quả với Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Định hướng phát triển các đoạn cao tốc thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông của vùng Đông Nam bộ và Tây Nam bộ (nguồn: Tài liệu tham khảo tại hội thảo “Hạ tầng giao thông khu vực Nam bộ - vấn đề và giải pháp phát triển”) .(Thông tin: Vân Nam - Đồ họa: Hải Quân)
Định hướng phát triển các đoạn cao tốc thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông của vùng Đông Nam bộ và Tây Nam bộ. (nguồn: Tài liệu tham khảo tại hội thảo “Hạ tầng giao thông khu vực Nam bộ - vấn đề và giải pháp phát triển”) .(Thông tin: Vân Nam - Đồ họa: Hải Quân)

* Nhanh chóng tháo gỡ thách thức vốn đầu tư

Vốn ngân sách hiện không thể đáp ứng được nhu cầu đầu tư cho giao thông nên việc thực hiện đầu tư bằng hình thức đối tác công tư (PPP) là rất cần thiết. Do vậy, các chuyên gia cho rằng cần sớm đề nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành nghị định hướng dẫn về việc triển khai sử dụng tài sản công theo quy định của Luật Tài sản công để thanh toán đối với các dự án theo hình thức hợp đồng xây dựng và chuyển giao (BT). Trong đó, phân cấp mạnh hơn nữa về quản lý kinh tế và quản lý ngân sách để các tỉnh trong vùng có nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư, tạo động lực phát triển.

Một điều quan trọng nữa là cần tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách để lại cho các địa phương có mức đóng góp ngân sách lớn cho Trung ương. Ông Lê Đỗ Mười, Phó viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển giao thông - vận tải cũng cho rằng cần phải có các giải pháp mạnh về vốn và đặc biệt ưu tiên cho những công trình có sức lan tỏa mạnh mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Khắc Giới


Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn:

“Quy hoạch hạ tầng giao thông cần gắn với sự phát triển về đô thị, cần có sự đồng bộ, cân đối giữa quỹ đất phát triển các dự án nhà ở đô thị với quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông. 

Đồng thời, các địa phương cần có thêm các phản biện độc lập từ những chuyên gia trong và ngoài nước trước khi triển khai dự án về giao thông, nhà ở, phát triển đô thị, nhất là về vấn đề kỹ thuật, vốn đầu tư… Bên cạnh đó, TP.Hồ Chí Minh và các địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cần lưu ý đến việc kết nối giao thông vùng, quy hoạch các dự án nhà ở một cách phù hợp, có tầm nhìn chiến lược”.

 

Phó chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Lê Thanh Liêm:

“Quy hoạch các tuyến giao thông đường bộ của TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam bộ hiện nay theo 5 trục đường kết nối chính. Trong đó, tuyến quốc lộ 1 cơ bản đã được đầu tư nâng cấp, mở rộng theo quy hoạch; 2 tuyến đường cao tốc song hành gồm: đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây đã hoàn thành giai đoạn 1; đường cao tốc Bến Lức - Long Thành đã được đầu tư xây dựng.

Trong khi đó, 3 tuyến đường vành đai vẫn chưa được nâng cấp, mở rộng theo quy hoạch, chưa được khép kín. Đặc biệt là việc triển khai xây dựng tuyến đường vành đai 3 nhằm giảm lưu lượng phương tiện di chuyển xuyên qua khu vực trung tâm thành phố, hỗ trợ kết nối giữa Đông Nam bộ và Tây Nam bộ còn gặp nhiều khó khăn. Đây là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng ùn tắc giao thông tại các cửa ngõ, đầu mối giao thông của thành phố.

Việc phát triển hạ tầng giao thông gắn kết giữa TP.Hồ Chí Minh với các tỉnh Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long là điều kiện tiên quyết để phát triển kinh tế - xã hội của vùng Nam bộ. Trong đó, TP.Hồ Chí Minh sẽ phối hợp với các địa phương hướng tới triển khai đầu tư hạ tầng đồng bộ, hiệu quả, xem xét, giải quyết các nút thắt, điểm nghẽn về hạ tầng, có phương án huy động nguồn vốn đầu tư các dự án đa dạng, đảm bảo kết nối hệ thống giao thông vùng, hệ thống giao thông quốc gia…”.

Ông Kim Inhee, Giám đốc Văn phòng Nghiên cứu phát triển thuộc Học viện Seoul (Hàn Quốc):

“Seoul trước đây cũng từng gặp nhiều khó khăn trong việc giải quyết tình trạng tắc đường như ở TP.Hồ Chí Minh. Bắt đầu từ những năm 2000, chính quyền địa phương ngày càng chú trọng đầu tư mạnh mẽ vào quy hoạch, xây dựng hạ tầng giao thông ở thành phố và các đô thị  vệ tinh với sự chỉ đạo, hướng dẫn giữa Trung ương và địa phương. Điều này đã làm thay đổi hệ thống hạ tầng giao thông ở đây, từ đó tiếp tục phát triển hệ thống hạ tầng giao thông hiện đại, thông minh như hiện nay.

Trong đó, Seoul chú trọng những phương án đầu tư hạ tầng công tư kết hợp, đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP)... Đây là một phương án mà TP.Hồ Chí Minh và các địa phương lân cận có thể lưu ý trong việc quy hoạch, kêu gọi vốn đầu tư các dự án hạ tầng giao thông…”. 

 

Hoàng Hải (ghi)


 

Tin xem nhiều